Gia tộc Chirathiva - chủ sở hữu Central Group là gia tộc giàu thứ 14 tại châu Á với tổng tài sản lên tới 11,7 tỉ USD. Central Group vừa mới mua lại hệ thống Big C Việt Nam với giá 1,14 tỉ USD.

Chân dung gia tộc Thái gốc Hoa vừa mới mua lại Big C Việt Nam

30/04/2016, 17:12

Gia tộc Chirathiva - chủ sở hữu Central Group là gia tộc giàu thứ 14 tại châu Á với tổng tài sản lên tới 11,7 tỉ USD. Central Group vừa mới mua lại hệ thống Big C Việt Nam với giá 1,14 tỉ USD.

Là gia tộc giàu thứ 14 tại châu Á, thứ 2 tại Thái Lan chỉ sau nhà Chearavanont chủ của C.P Group, gia đình Chirathivat không phải là người Thái mà di cư từ Trung Quốc sang đất nước chùa vàng cách đây 91 năm.

Năm 1925, ông Tiang Chirathivat - một người Trung Quốc sống tại đảo Hải Nam đã di cư sang Thái Lan và sống tại Bangkok. Năm 1927, Tiang Chirathivat mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại quận Thonburi ở bờ Tây sông Chao Phraya.

Quá trình hình thành và phát triển của Central Group

Nhờ có tài kinh doanh, công việc làm ăn của Tiang Chirathivat diễn ra thuận lợi. Tới năm 1956, Tiang quyết định mở rộng kinh doanh. Ông mở ra khu trung tâm thương mại Central Trading tại Chinatown. Đây chính là tiền thân của Central Group ngày nay. Central Trading lúc đó bán nhiều loại mặt hàng, từ quần áo cho tới đồ gia dụng.

Thời điểm đó, Central Trading là trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan và cũng là nơi đầu tiên niêm yết mức giá cố định cho sản phẩm mà mình bán. Trước đó, hàng hóa tại Thái Lan được bán theo kiểu "thuận mua vừa bán" tức người bán và người mua phải trả giá với nhau để bán được một món hàng. Nhờ việc niêm yết mức giá cố định, Central Trading của gia đình Chirathivat đã làm "một cuộc cách mạng" trong lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Thái Lan.

Năm 1974, Central Group tiến công vào trung tâm Bangkok, mở ra khu mua sắm Central Childom. Năm 1982, tập đoàn này mở rộng phân khúc trung tâm mua sắm khi mở Central Plaza Ladprao ở Bắc Bangkok.

Sang năm 1983, Central Group lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh khách sạn, đây là lĩnh vực đưa Central ra khỏi biên giới Thái Lan đến nhiều khu vực khác trên thế giới như đảo Bali của Indonesia, Maldives hay Trung Đông.

Sau quãng thời gian tự mở rộng và phát triển thương hiệu riêng, sang thập niên 1990, Central Group thúc đẩy việc thâu tóm các công ty khác nhằm phát triển nhanh và mạnh hơn. Tập đoàn Thái Lan này liên doanh với nhà bán lẻ Pháp Casino Group để cho ra đời thương hiệu Big C, chính thức bước chân vào ngành kinh doanh siêu thị năm 1994.

Tới năm 1995, Central hoàn tất việc thâu tóm nhà bán lẻ Robinson, đồng thời đẩy mạnh đầu tư sang các loại hàng hóa đặc thù như chuỗi cửa hàng điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng tiện lợi...

Điểm nhấn của Central Group là thâu tóm khu phức hợp World Trade Center vào năm 2002. World Trade Center là khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng. World Trade Center được Center Group đổi tên thành CentralWorld và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn này.

Tập đoàn gia đình

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Tiang Chirathivat có 3 người vợ và 25 người con. Năm 1968, ông Tiang qua đời, chức chủ tịch công ty được truyền qua cho những người con trai của ông lần lượt nắm giữ. Con cả của Tiang là Samrit giữ ghế chủ tịch từ năm 1968 đến năm 1989, tiếp theo là người con thứ hai Wanchai làm chủ tịch từ năm 1989 đến năm 2012. Một người con khác của ông Tiang - Sudhichai trở thành chủ tịch đời thứ 4 của Central Group vào tháng 11.2012, sau nhiều năm làm CEO.

Hiện Central Group có CEO là ông Tos Chirathivat, sinh năm 1965, là cháu trai của ông Tiang. Ông Tos là con út của ông Samrit. Ông Tos năm nay 51 tuổi, có bằng MBA tại Đại học Columbia, Mỹ và làm việc cho Citibank trước khi quay về Central vào năm 1989, hiện là nhân vật chủ chốt trong mảng bán lẻ của tập đoàn Central.

Tại Central Group, hầu hết nhân sự cấp cao đều là thành viên gia đình Chirathivat với 150 người.

Đẩy mạnh xâm nhập thị trường Việt Nam

Năm 2011, Central Group mở trung tâm thương mại bên ngoài lãnh thổ Thái Lan đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và tới năm 2014 này mới mở một trung tâm thương mại khác tại Jarkata, Indonesia.

Năm 2014, Central Group cũng như nhiều tập đoàn khác của Thái Lan như C.P Group bắt đầu đổ bộ vào thị trường giàu tiềm năng phát triển là Việt Nam.

Cuối năm 2014, thương hiệu bán lẻ Robinson của Central mở ra tại Hà Nội và TP.HCM với cái tên Robins. Sang đầu năm 2015, Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn này đã tiếp bước với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Về quy mô, cả hai khoản đầu tư khổng lồ trên đều cho thấy tiềm lực hùng hậu của Central.

Nhưng tất cả chưa là gì khi sang năm nay Central tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn Casino của Pháp. Chuỗi siêu thị Big C là một mạng lưới gồm 43 cửa hàng và 30 khu trung tâm mua sắm trải dài từ Nam ra Bắc và đạt doanh thu chưa thuế 586 triệu euro (xấp xỉ 14,7 nghìn tỉ đồng) trong năm 2015.

Big C Việt Nam là một trong những nhà bán lẻ lớn và có độ bao phủ rộng, sẽ giúp Central Group xâm nhập mạnh vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.

Trước khi mua lại Big C, Central Group có hơn 6.600 nhân viên tại Việt Nam làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị.

Thiên Hà (theo Forbes, BOF)

Ảnh: Tos Chirathivat, CEO hiện nay của Central Group

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chân dung gia tộc Thái gốc Hoa vừa mới mua lại Big C Việt Nam