Vương Vĩnh Khánh, ông chủ sáng lập ra Tập đoàn Formosa, được coi là "thần tài của Đài Loan" với tổng tài sản khi qua đời vào năm 2008 là 6,8 tỉ USD. Ông khởi đầu sự nghiệp với 200 đồng bạc vốn vay.

Chuyện làm giàu của ông chủ Formosa

28/04/2016, 14:48

Vương Vĩnh Khánh, ông chủ sáng lập ra Tập đoàn Formosa, được coi là "thần tài của Đài Loan" với tổng tài sản khi qua đời vào năm 2008 là 6,8 tỉ USD. Ông khởi đầu sự nghiệp với 200 đồng bạc vốn vay.

Nói về Formosa, đây là doanh nghiệp đóng góp tới 15% GDP của Đài Loan, lại bắt đầu từ một cửa hàng gạo nhỏ nằm trong một khu lao động nghèo ở thành phố Gia Nghĩa.

Về gốc gác, ông Vương Vĩnh Khánh sinh năm 1917 tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, nhưng tổ tiên ông là người Phúc Kiến di cư sang Đài Loan từ thời nhà Thanh cách đây hơn 150 năm. Khi đó gia đình rất nghèo túng. Tới thời cha ông là Vương Trường Canh cũng chỉ có ít đất đồi trồng trà xanh nuôi thân.

Nhà nghèo, nên tới năm 15 tuổi ông mới tốt nghiệp tiểu học và phải nghỉ học ở nhà giúp gia đình mưu sinh. Sau khi nghỉ học, ông đi làm tạp vụ cho nhiều nơi và cuối cùng làm tạp vụ cho cửa hàng bán gạo. Máu kinh doanh ngấm vào đầu lúc nào không biết. Ông nhờ cha chạy vạy đi vay được 200 tệ mở cửa hàng riêng bán gạo.

Cửa hàng bán gạo của ông đã nhỏ lại ở vị trí không đẹp và ra đời sau các tiệm gạo khác trong khu vực, vì vậy ông Vương đứng trước nguy cơ mất cả 200 đồng tiền vốn.

Từ cái khó, Vương Vĩnh Khánh liền nghĩ cách sinh tồn, vươn lên trong nghịch cảnh. Ông mang gạo tới từng gia đình, một việc mà các chủ cửa hàng gạo chưa bao giờ làm. Gạo thời đó nhiều tạp chất như trấu, sạn... nên ông đã cho sàng sảy lại, làm sạch bóng trước khi giao cho khách hàng. Gạo được mang tới từng gia đình, ngon, sạch, giá cả cạnh tranh làm khách hàng rất hài lòng.

Không chỉ sáng tạo trong kinh doanh, Vương Vĩnh Khánh còn là một người rất chú ý và chiều khách. Ông tìm hiểu tất cả các khách hàng của mình và đoán định thời điểm khách phải mua gạo để chủ động mang gạo đến cho khách mà không phải đợi khách gọi.

Đa số khách hàng của ông Vương là công nhân và người lao động nghèo, nhiều lúc họ không có tiền khi ông chủ tiệm gạo mang gạo đến định kỳ. Vì thế ông chủ Vương quyết định cứ đến hạn ông sẽ đem gạo đến cho khách hàng nhưng nếu khách chưa có tiền thì ông sẽ nhận tiền sau.

“Gạo chú Vương” tốt lắm, tiếng lành đồn xa. Lúc đầu cửa hàng của ông chỉ bán được mỗi ngày khoảng trên 10kg, sau đó mỗi ngày bán được tới hơn 100kg. Cửa hàng gạo của Vương Vĩnh Khánh chẳng những tồn tại mà còn làm ăn phát đạt đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, công nghệ sản xuất đồ nhựa bắt đầu phát triển. Nhạy bén, thức thời, năm 1954 Vương Vĩnh Khánh chuyển sang kinh doanh sản phẩm nhựa, thành lập Công ty công nghiệp nhựa Đài Loan và nhà máy sản xuất đồ nhựa. Từ đó cái tên Formosa ra đời.

Như vậy, từ cửa hàng gạo với vốn đầu tư 200 đồng đi vay, nay Vương Vĩnh Khánh đã trở thành ông chủ của công ty, rồi thành ông chủ của Tập đoàn Formosa với hơn 30 công ty con, hơn 1.500 nhà máy, công xưởng.

Năm 1984 doanh số của tập đoàn tới hơn 4,5 tỉ USD và được tạp chí Forbes bình chọn là một trong “50 công ty mạnh hàng đầu thế giới” khi đó.

Từ một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nhựa, ngày nay FPG đã phát triển thành một mạng lưới hàng trăm công ty con, với 4 đơn vị lớn nhất bao gồm Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu), và Formosa Chemicals & Fibre (sợi nhựa, vải). Ngoài nhựa và các sản phẩm hóa dầu, FPG còn đầu tư vào lĩnh vực thép, chất bán dẫn, điện...

Theo xếp hạng của Forbes, cả 4 công ty trên đều đứng trong Top 1.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2015. Tổng doanh thu của 4 công ty này đạt hơn 60 tỉ USD và vốn hóa thị trường đạt gần 70 tỉ USD.

Ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh, cho biết quyết định đầu tư nhà máy thép trị giá hàng chục tỉ USD của Formosa vào Hà Tĩnh năm 2008 là quyết định của chính ông Vương Vĩnh Khánh, khi đó vẫn giữ chức Chủ tịch Formosa dù đã 91 tuổi, xét trên tổng thể các điều kiện, từ nhu cầu thị trường, chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế và đất đai, lợi thế cảng nước sâu Sơn Dương…

"Vào năm 2008, xét các yếu tố thuận lợi như trên, Chủ tịch Tập đoàn lúc đó là ông Vương Vĩnh Khánh quyết định đầu tư tổ hợp gang thép tại Hà Tĩnh. Đây sẽ là nhà máy lớn thứ 5 của tập đoàn và là dự án khởi đầu quan trọng cho tham vọng tiến xa trong ngành thép của chúng tôi", ông Vương Văn Tường nói.

T.H

Ảnh: Ông Vương Vĩnh Khánh, người giàu nhất Đài Loan

Bài liên quan
Sự khác biệt lớn giữa Thung lũng Silicon ở Mỹ và 'đảo Silicon' Đài Loan
Nữ phóng viên Jane Lanhee Lee của hãng tin Bloomberg đã đặt chân đến Đài Loan, nơi sản xuất ra thế hệ chip tiếp theo, và nhận thấy có sự khác biệt lớn so với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện làm giàu của ông chủ Formosa