Án tuyên bán đấu giá tài sản là rạp hát Nguyễn Văn Kiển ở Sóc Trăng để chia thừa kế nhưng chấp hành viên là Cục phó Cục Thi hành án Dân sự lại bán chỉ định.

Chấp hành viên thi hành sai bản án?

Duy Khang | 15/09/2017, 14:57

Án tuyên bán đấu giá tài sản là rạp hát Nguyễn Văn Kiển ở Sóc Trăng để chia thừa kế nhưng chấp hành viên là Cục phó Cục Thi hành án Dân sự lại bán chỉ định.

Ngày 15.9, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị đang xem xét giải quyết đơn khiếu nại của đương sự về việc cho rằng chấp hành viên Lưu Khánh Đường thi hành trái nội dung bản án. Hiện, ông Đường là Phó cục trưởng Cục THADS Sóc Trăng. Ông này là Chấp hành viên của vụ án tranh chấp thừa kế của các con ông Nguyễn Văn Kiển, chủ rạp hát nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Văn Kiển chết năm 1971 và vợ ông là bà Lê Thị Cúc, chết năm 1930. 2 người này có 3 con chung là bà Nguyễn Thị Hai (chết năm 2.000), Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Huệ (cũng đều qua đời). 3 người này được thừa kế nhiều tài sản do cha mẹ để lại, trong đó có rạp hát Nguyễn Văn Kiển ở đường Lý Thường Kiệt, P.1, TP.Sóc Trăng. Trước khi mất, năm 1999, bà Hai có đơn yêu cầu chia thừa kế với các em.

Giá bán rạp hát bằng 1/2 giá thị trường

Tháng 12.2014, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử vắng mặt các con của bà Ba, trong đó có người Việt kiều Mỹ là ông Từ Thanh Quan. HĐXX tuyên phần tài sản này được bán đấu giá và chia làm 3 kỷ phần bằng nhau, chia cho bà Ba 1 kỷ phần, chia cho bà Nguyễn Thị Huệ 2 kỷ phần, do bà Huệ có công quản lý di sản thờ cúng cha mẹ. Trong 2 kỷ phần chia cho bà Huệ, cá nhân ông Lâm Hữu Dũng được hưởng 1 kỷ phần do sau khi bà Huệ chết ông Dũng là người tiếp tục quản lý, gìn giữ và thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Do bà Huệ đã chết nên giao cho những người thừa kế của bà Huệ là: ông Lâm Hữu Hiền, ông Lâm Hữu Dũng, ông Lâm Hữu Đức và bà Lâm Thị Thu được hưởng kỷ phần của bà Huệ và do ông Lâm Hữu Dũng làm người đại diện nhận. Bà Ba cũng không còn sống và những người được thừa kế, tòa án không liên lạc được. Vì vậy, tài sản chia cho bà Ba và các con thì ông Dũng quản lý và có trách nhiệm gửi số tiền thuộc kỷ phần chia cho bà Ba vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Sóc Trăng, để đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế của bà Ba khi họ có yêu cầu.

Rạp hát Nguyễn Văn Kiển

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ông Dũng và những người khác có đơn yêu cầu thi hành án và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng phân công chấp hành viên Lưu Khánh Đường thi hành bản án. Tuy nhiên, ông Quan không hay biết việc TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án tranh chấp thừa kế và Việt kiều Mỹ này cũng không nhận được bản án. Vì vậy, tại thời điểm án có hiệu lực pháp luật, ông Quan và các anh em không có đơn yêu cầu thi hành án.

Tháng 2.2017, ông Quan biết được sự việc thì nhờ người đại diện theo ủy quyền gửi đơn yêu cầu thi hành án nhưng đến nay chưa được Cục THADS Sóc Trăng giải quyết và cũng không trả lời đơn. Đến đầu tháng 7.2017, ông Quan mới được biết vụ việc thi hành án đã thực hiện xong từ tháng 6.2016.

Theo ông Quan, quá trình thực hiện việc thi hành án, chấp hành viên Lưu Khánh Đường đã cố ý vi phạm nghiêm trọng pháp luật thi hành án, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông. Cụ thể, ông Đường không đưa anh em ông Quan và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Sóc Trăng (nơi giữ tiền thi hành án) vào tham gia vụ việc thi hành án với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, trong suốt quá trình thi hành án, ông Quan cùng anh em và ngân hàng không hay biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Ông Đường cũng được cho là không thông báo, tống đạt hoặc ủy thác tư pháp các văn bản giấy tờ, quyết định thi hành án cho ông Quan và những người liên quan để họ chúng tôi thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quá trình thi hành án. Chấp hành viên cũng không triệu tập anh em ông Quan và những người liên quan để các bên tự thỏa thuận giá tài sản trước khi định giá, không thông báo cho đương sự ở nước ngoài về việc lựa chọn cơ quan thẩm định giá.

"Sau khi đã định giá xong thì cũng không thông báo cho tôi giá trị tài sản thẩm định giá, vì giá tài sản do cơ quan thẩm định giá đưa ra giá là 7.324.419.000 đồng, nhưng thực tế giá trị tài sản này lên đến hơn 14.000.000.000 đồng. Như vậy, giá tài sản do công ty thẩm định giá đưa ra chỉ bằng khoảng 50% trị giá tài sản. Hành vi của chấp hành viên Lưu Khánh Đường đã trực tiếp làm xâm phạm đến quyền lợi của tôi, cố ý giúp ông Lâm Hữu Dũng mua được tài sản với giá rẻ mạt, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi", ông Quan nêu trong đơn.

Án tuyên đấu giá, thi hành án bán chỉ định

Theo quyết định của bản án thì rạp hát Nguyễn Văn Kiển gắn liền trên diện tích đất 660,9 m2, phải được bán đấu giá. Tuy nhiên, ông Đường tự ý giải quyết và chỉ định bán cho ông Dũng tài sản này với giá chỉ có 7.324.419.000 đồng.

"Hành vi vi phạm của chấp hành viên Lưu Khánh Đường là rất nghiêm trọng, vì vừa vi phạm pháp luật thi hành án dân sự mà còn khả năng vi phạm pháp luật hình sự, hậu quả của hành vi này là làm thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi về tài sản của tôi và các anh chị của tôi với số tiền chênh lệch bị mất lên đến nhiều tỉđồng", đơn ông Quan gửi đến cơ quan chức năng đã nêu.

Cũng theo quyết định của bản án sơ thẩm thì sau khi bán đấu giá xong, trừ chi phí, án phí, lệ phí... số tiền còn lại giao cho ông Dũng quản lý và có trách nhiệm gửi số tiền thuộc kỷ phần chia cho bà Ba (anh em ông Quan thừa kế) vào ngân hàng. Ngày 31.5.2016, ông Đường lập biên bản giải quyết thi hành án với nội dung giao ông Dũng trên 2,4 tỉ đồng (tương đương 1 kỷ phần) để người này nộp vào ngân hàng theo bản án.Tuy nhiên,chiều cùng ngày lại rút ra hết.

Bằng chứng ông Dũng nộp tiền buổi sáng, chiều rút ra hết

Theo 1 luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng, khi Cục THADS Sóc Trăng giao trên 2,4 tỉ đồng để ông Dũng gửi vào ngân hàng thì chấp hành viên phải có trách nhiệm thông báo với nhà băng để họ phong tỏa số tiền này. Do tiền không phong tỏa nên ông Dũng rút ra, khiến quyền lợi của anh em ông Quan bị ảnh hưởng.

Về vấn đền này, ông Dũng thừa nhận việc làm sai khi rút hết tiền thuộc kỷ phần của bà Ba. Theo ông Dũng, do vay mượn bên ngoài với số tiền lớn và bị đòi nên ông rút hết tiền không thuộc kỷ phần của mình để trả nợ. Ông Dũng hứa vài ngày nữa sẽ kiếm tiền nộp trả vào ngân hàng.

Quá bức xúc, ông Quan đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để tố cáo ông Đường vì đương sự cho rằng chấp hành viên có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
41 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấp hành viên thi hành sai bản án?