Theo Live Science, vi khuẩn đồng hành với con người từ những ngày đầu tiên của cuộc đời, vi khuẩn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của cơ thể.
Đặc biệt, hệ vi khuẩn đường ruột giúp tiêu hóa thức ăn, tăng tốc độ trao đổi chất, điều chỉnh trọng lượng của người và làm thay đổi hoạt động của miễn dịch. Một nhóm các chuyên gia do Justin Sonnenburg ở Đại học Stanford, Mỹ dẫn đầu, đã tiến hành công trình khảo sát về hệ vi sinh vật đường ruột cụ thể ở những người Hadza ở Tanzania.
Đây là một trong số ít nhóm người còn thực hành lối sống truyền thống của những người du mục và làm nghề hái lượm. Đặc biệt, người Hadza rất hiếm khi mắc những căn bệnh mạn tính, đặc trưng cho dân chúng phương Tây.
Phân tích cho thấy rằng các đại diện người Hadza có một hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn người Mỹ. Hơn nữa, hệ vi khuẩn của họ thay đổi tùy thuộc vào khẩu phần ăn theo mùa. Vi khuẩn có trong các mẫu phân được thu thập vào vào mùa khô hoàn toàn biến mất trong các mẫu phân lấy vào mùa mưa.
Ở các nước phát triển, không có chế độ ăn với những loại thực phẩm đặc trưng theo mùa và hệ vi khuẩn đơn điệu hơn. Và điều này có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Nhờ việc trong mùa mưa, người Hadza thu hái quả chín mọng và mật ong, còn vào mùa khô họ đi săn bắn. Mặc dù chế độ ăn khác nhau tùy thuộc vào mùa trong năm nhưng các chế độ ăn đó vẫn có những thành phần dinh dưỡng chung thông thường. Đó là những thực phẩm giàu chất xơ, củ và quả baobab.
Trung bình, những người Hadza ăn 150 gram chất xơ mỗi ngày, như vậy là cao gấp 10 lần so với người Mỹ. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ khỏe mạnh, không mắc những bệnh mạn tính đặc trưng cho dân ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây.
Vũ Trung Hương