Trang Sputnik News đưa tin, Ấn Độ đang hoàn tất những công tác hậu cần cuối cùng, để dàn chiến đấu cơ Ấn đến hai căn cứ không quân gần biên giới Trung Quốc và Pakistan từ năm 2019.
Sputnik News dẫn lời các nguồn tin quân sự cho biết, hai phi đội Rafale sẽ lần lượt được đưa đến căn cứ Ambala ở bang Punjab và căn cứ Hasimara ở bang Tây Bengal. Mỗi phi đội gồm 18 máy bay.
Căn cứ Ambala gần với biên giới Pakistan, căn cứ Hasimara chỉ cách huyện Á Đông thuộc khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) chưa tới 100km.
Rafale là máy bay do hãng chế tạo máy bay Dassault Aviation của Pháp chế tạo. Năm ngoái Ấn Độ đã chi 7,8 tỉ Euro ( khoảng 8,7 tỉ USD) để mua 36 chiếc Rafale.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale có bán kính chiến đấu 1.050km, tốc độ tối đa 1.913 km/giờ, trần bay hơn 15.000m. Đặc biệt, Rafale được trang bị hệ thống tồn tại điện tử tích hợp SPECTRA với tính năng tàng hình dựa trên kỹ thuật phần mềm ảo và được thiết kế để có thể mang tên lửa hạt nhân ASMP, theo Defence News.
Một quan chức quốc phòng chia sẻ: “Nhà chế tạo Pháp cùng với đội ngũ phía Ấn Độ đã đến khảo sát hai căn cứ (Ambala và Hasimara) trong vài ngày và đang có những bước chuẩn bị cuối cùng cho công tác bố trí, gồm cả việc xây nhà chứa máy bay. Tất cả cơ sở hạ tầng phục vụ cho Rafale sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2017”.
Dassault Aviation cũng sẽ sớm hỗ trợ kĩ thuật và tiến hành huấn luyện cho phi công, quan chức này cho biết thêm.
Sputnik News cho biết chính phủ Ấn Độ đã phân bổ khoảng 35 triệu USD cho xây dựng nhà chứa máy bay, cơ sở bảo trì cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác phuc vụ cho Rafale tại hai căn cứ.
Ấn Độ ban đầu định mua 126 chiếc Rafale nhưng quá trình đàm phán đã bị đổ vỡ. sau đó nước này quyết định mua trước 36 chiếc. Theo quy định trong điều khoản hợp đồng, Dassault Aviation sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong vòng 50 năm và cải tiến thiết kế máy bay theo yêu cầu cụ thể từ phía Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ còn nhận được nhiều loại tên lửa đi kèm như tên lửa không đối không tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn (BVR) Meteor, tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung MICA, tên lửa hành trình không đối đất SCALP.
Hiện Không quân Ấn Độ đang rất cần bổ sung nhiều máy bay chiến đấu trong bối cảnh các máy bay MiG 21 và MiG 27 đã quá cũ kĩ, gây khó cho công tác phân bố lực lượng tại biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Hiện không quân nước này chỉ có 33 phi đội, mỗi phi đội khoảng 18-20 chiếc máy bay với hầu hết là máy bay do Nga sản xuất.
Cẩm Bình (theo Sputnik News)