Theo thống kê, các công ty Trung Quốc đã gánh tổng cộng khoảng 162 tỉ USD nợ nần trong quá trình mở rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài của mình trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã giảm khoảng 46% so với cùng kỳ 2016.

Chiến dịch 'Mua cả thế giới' của Trung Quốc và những dấu hiệu thảm bại

Nhàn Đàm | 21/07/2017, 07:44

Theo thống kê, các công ty Trung Quốc đã gánh tổng cộng khoảng 162 tỉ USD nợ nần trong quá trình mở rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài của mình trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã giảm khoảng 46% so với cùng kỳ 2016.

Việc tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc Vương Kiện Lâm chính thức bị cáo buộc vi phạm các quy định về đầu tư trong tuần qua là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở thời điểm hiện tại.

Một mặt, nó được xem như dấu chấm cuối cùng cho một sự kết thúc của chính sách đầu tư và thu mua các doanh nghiệp và tài sản ở nước ngoài rầm rộ của Trung Quốc theo cách không thể tồi tệ hơn. Mặt khác, nó cũng đang là một nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc để cố gắng cứu vãn những lỗ hổng đang ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế nội địa của mình.

Thực tế là, không phải chờ đến khi Dalian Wanda của tỷ phú Vương Kiện Lâm bị cáo buộc vi phạm các quy định về đầu tư thì chiến dịch thu mua tài sản ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc mới bắt đầu suy giảm. Nó đã sụt giảm đáng kể từ đầu năm 2017.

Theo thống kê, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm khoảng 46% so với cùng kỳ 2016. Và việc trừng phạt những tập đoàn của các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc chỉ là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc xiết chặt làn sóng đầu tư ra nước ngoài ồ ạt của các doanh nghiệp nước này.

Có hai lý do cơ bản cho sự xiết chặt làn sóng này: áp lực tỷ giá đang đè nặng lên đồng nhân dân tệ, và những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai do các khoản đầu tư ra nước ngoài kém hiệu quả gây ra.

Theo thống kê, các công ty Trung Quốc đã gánh tổng cộng khoảng 162 tỉ USD nợ nần trong quá trình mở rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài của mình trong vài năm trở lại đây, và nó đang bắt đầu tác động ngược trở lại nền kinh tế nội địa của Trung Quốc theo cách tiêu cực. Đây là điều đã được dự báo từ trước khi nhìn vào những nước đã làm điều tương tự trước đó như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng tốc độ thất bại của chính sách đầu tư ồ ạt ra nước ngoài của Trung Quốc đang nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Vậy, đâu là lý do?

Thông thường, các công ty mở rộng đầu tư kinh doanh ra nước ngoài là những doanh nghiệp có doanh thu và hiệu quả lớn nhất tại lĩnh vực của họ ở trong nước; sản phẩm của họ thường tốt hơn và giá rẻ hơn, dẫn đến lợi nhuận cao hơn và có vốn để mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều này lại không thực sự đúng ở Trung Quốc, khi doanh thu và lợi nhuận thường đến từ các mối quan hệ với các cơ quan nhà nước.

Hiện tại Chính phủ Trung Quốc vẫn đang duy trì một danh sách các lĩnh vực kinh tế cho phép chỉ định nhà đầu tư không qua cạnh tranh công khai. Ngoài ra, doanh nghiệp khi được lựa chọn còn được sự hỗ trợ về tài chính của các ngân hàng quốc doanh trong việc sản xuất và kinh doanh. Đổi lại, doanh nghiệp thường phải ủng hộ thúc đẩy các mục tiêu do Bắc Kinh đặt ra.

Tình trạng này dẫn đến hai hậu quả chính: thứ nhất, các mục tiêu đầu tư nước ngoài đôi khi không mang ý nghĩa kinh tế. Điển hình là việc các công ty Trung Quốc vài năm gần đây đã mua khá nhiều các câu lạc bộ bóng đá ở châu Âu không phải vì lợi nhuận kinh tế mà do Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc đào tạo bóng đá.

Thứ hai, các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài không có khả năng cạnh tranh tốt. Ở trong nước, các công ty này nhận được sự bảo hộ và ưu ái trong khi môi trường kinh tế lại có tính cạnh tranh thấp; còn ở nước ngoài họ không những không được ưu ái và bảo hộ mà còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn rất nhiều.

Vì thế, dễ hiểu tại sao các công ty Trung Quốc lại đang phải gánh khoản nợ tổng cộng lên tới khoảng 162 tỉ USD cho những khoản đầu tư thua lỗ của mình ở nước ngoài. Và nó cũng đang tác động ngược lại nền kinh tế nội địa của Trung Quốc theo hướng tiêu cực: để thanh toán các khoản nợ do đầu tư thua lỗ ở nước ngoài, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải bán tài sản, giảm quy mô hoạt động tại quê nhà.

Tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú Vương Kiện Lâm vừa mới bị Bắc Kinh cáo buộc vi phạm quy định đầu tư là một ví dụ điển hình. Mới đây, tập đoàn này đã phải bán một số lớn bất động sản trị giá lên tới 9 tỉ USD cho công ty Sunac China Holdings để trả nợ cho một dự án đầu tư ra nước ngoài đầy tham vọng nhưng đã thua lỗ.

Điều này tất yếu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nội địa Trung Quốc vốn cũng đang phải vật lộn với sự suy giảm tăng trưởng, áp lực tỷ giá và nợ nần. Sự kém cỏi trong đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cũng khiến cho niềm tin về dự án khổng lồ “Một vành đai, một con đường” của nước này sụt giảm trầm trọng, khi mà phần cốt lõi nhất của chương trình này là một loạt các dự án đầu tư có quy mô lớn tại hàng loạt các quốc gia nằm trong lộ trình của nó do Trung Quốc tài trợ.

Khi Chính phủ Trung Quốc đang buộc phải xiết chặt việc đầu tư ra nước ngoài còn các doanh nghiệp thì thua lỗ trầm trọng kể cả những tập đoàn lớn nhất, thì ai dám khẳng định các dự án đầu tư của Trung Quốc trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” sẽ diễn ra suôn sẻ?

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến dịch 'Mua cả thế giới' của Trung Quốc và những dấu hiệu thảm bại