Nga đối đầu với phương Tây chỉ có thua, theo lời cảnh cáo của chiến lược gia của Tổng thống Vladimir Putin: cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kurdin khuyên tốt hơn, Nga nên ấm nồng với phương Tây.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSR) do ông Kudrin điều hành vào ngày 29.6 công bố một báo cáo nghiên cứu, nêu rõ:
“Nga đang thua trong cuộc đương đầu với phương Tâyvà việc Nga “kéo căng nỗ lực cạnh tranh chính trị-quân sự đang gây hại cho chính nhân dân Nga. Không hề có xung đột giữa Nga với phương tây”.
Báo cáo về chính sách đối ngoại và vị trí của Nga với thế giới trong giai đoạn 2017-2024, đề xuất Nga nên nỗ lực phát triển một “chiến lược tích cực” với phương Tây, gồm hợp tác nhân đạo và kinh tế, đồng thời “kéo giảm nguy cơ xung đột vũ trang”, dần dần giải quyết những xung đột trong không gian hậu Liên Xô, dỡbỏ các lệnh cấm vận và quay lại hợp tác kinh tế đầy đủ với phương tây. .
Báo cáo còn thêm: “Xung đột giữa Nga với Mỹ góp phần loại Nga khỏi các thể chế và dự án quốc tế, làm thất thoát nghiêm trọng những lợi ích kinh tế cho Nga, và Nga buộc phải lãng phí nguồn lực cho cuộc cạnh tranh chính trị-quân sự, đi lạc khỏi các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển đất nước”.
Năm 2016, cựu Bộ trưởng Tài chính Kudrin được Tổng thống Putin giao nhiệm vụ lập một chiến lược kinh tế cho nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp(bắt đầu từ năm 2018).
Ông Kudrin là một trong những quan chức cấp cao ủng hộ sự cải tổ, và Tổng thống Putin thường tìm lời tư vấn của ông.
Hồi tháng 5, ông Kudrin xác nhận ông và các đồng nghiệp CSR đã lập và trình chiến lược cho chính phủ Nga, dù nội dung không được công bố.
Trong báo cáo mới nhất của CSR, chiến lược kêu gọi một sự thay đổi đáng kể về đường lối, khác hẳn với đường lối mà chính phủ Nga hiện tiến hành.
Dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin, những cải tổ hướng tới tự do và sự phát triển kinh tế bị chững lại vì giá dầu thô rớt, Nga bị trừng phạt kinh tế nên bị suy thoái.
Trong khi đó, việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phe ly khai ở đông Ukraine đã gây hại cho quan hệ tín nhiệm lẫn nhau giữa Nga với các nước phương tây.
Theo các chuyên gia của ông Kudrin, trong 3 năm qua, Nga đã thu hồi Crimea, xử lý các vấn đề liên quan triển khai Hạm đội Biển Bắc và chặn Ukraine trở thành thành viên NATO.
Nhưng báo cáo mới của CSR viết: “Cùng lúc, Nga có nhiều vấn đề nghiêm trọng mới. Nga trở thành kẻ thù chiến lược của Ukraine. Sự thù địch đã bám rễ vào tư tưởng chính trị và ý thức của người dân. Ukraine thì mất Nga là một đối tác làm ăn dài hạn. Vấn đề Ukraine làm hỏng quan hệ với phương tây, gây tổn thất về thương mại,kéo căng cuộc chạy đua vũ trang, khóa hết mọi hướng hợp tác mà Nga cần giữ lấy”.
CSR cũng gợi ý Nga chớ nên chỉ lập quan hệ với Trung Quốc, mà còn phải nỗ lực kéo Nhật Bản và Hàn Quốc thành các đối tác quan trọng.
Ở Ấn Độ thì Nga đã mất tầm ảnh hưởng, nên để khắc phục, Nga cần phát triển quan hệ và tăng hoạt động thương mại với châu Á.
Samuel Greene, chủ nhiệm Viện Nga thuộc đại học London, nói điều ý nghĩa là báo cáo của CSR là một trong những đề xuất của nhiều nhánh khác nhau trong chính trị Nga, nhằm định dạng các chính sách kế tiếp của Tổng thống Putin.
Ông nói: “Điều đáng lưu ý là báo cáo này không do Kudrin trực tiếp công bố. Phần nào đó là một chiến thuật để ông ấy có thể tăng uy tín nếu được đón nhận tốt, và tự tách ông ấy ra xa nếu nó không được đón nhận. Ông ấy muốn dùng tổ chức của mình để tạo một diễn đàn cho điều mà ta có thể gọi là “thoáng có hệ thống”, tức những người muốn có sự thay đổi nhưng cho rằng có thể đạt được thay đổi trong hệ thống chính trị hiện nay”.
Nhà nghiên cứu Greene lưu ý:
Một trong những đề xuất của báo cáo CSR là tăng tính có thể dự báo trước về phần của Nga trong cộng đồng quốc tế.
Nhưng cho đến nay, chính khả năng không thể lường trước mới tạo cho Moscow “lợi thế đi bước trước”, nên “người được hưởng ích lợi từ người điều hành chính sách đối ngoại của Nga trong 15 năm qua” không thể đảo ngược tính không thể lường trước đó”.
Ông Greene ám chỉ ông Kudrin và ông Putin.
Ông cũng nói đấy không chỉ là báo cáo duy nhất, vì các quan chức khác cũng trình những báo cáo “ngược hẳn” với các đề xuất của CSR, nhưng chắc chắn trước cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, ông Putin sẽ không lựa chọn đề xuất nào.
Theo Newsweek, chính phủ Nga rất miễn cưỡng thừa nhận sự căng thẳng với phương Tây đang làm hại nền kinh tế Nga. Tổng thống Putin luôn tuyên bố những trừng phạt thương mại càng khiến Nga tích cực tăng gia sản xuất.
Trung Trực (theo Newsweek)