Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tôm Việt xuất khẩu sẽ bị kiểm tra gắt hơn

tuyetnhung | 01/08/2018, 15:08

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam.

Từ đầu tháng 7, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trungchính thức bắt đầu khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỉ USD từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm nông sản, ô tô và hải sản. Mỹ cũng thông báo quyết định tiếp tục áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc và đang chờ đóng góp ý kiến. Con số 200 tỉ USD này áp thêm gần 5.900 dòng hàng của Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Mỹ DonaldTrump còn dọa kế hoạch áp thuế tất cả mặt hàng, tức 500 tỉ USD hàng nhập của Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm.

Cuộc chiếnthương mại giữa 2 nước này được cho là sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt Nam bao gồm sản phẩmtôm xuất khẩu cũng sẽ chịu những tác động nhất định.

Về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết chiến tranh thương mại khiến Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế nhập khẩu nên dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Úc, New Zealand và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam sẽ được lợi.

Theo Vasep, hiện Mỹ vẫn áp dụng mức thuế 0% đối với các sản phẩm mã HS 03061700, 16052110, 16052910 nhập khẩu từ Trung Quốc và mức 5% đối với các sản phẩm mã HS 16052105, 16052905. Tuy nhiên, gói 200 tỉ USD Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông sản và thủy sản. Trong đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Nên đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.

Bên cạnh những cơ hội trên, Vasep cũng nhìn nhận tôm xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức khi xuất khẩu sang 2 thị trường lớn này. Cụ thể, do phải chịu thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên Trung Quốc cũng sẽ giảm nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi, nhập khẩu tôm nguyên liệu tươi/sống/đông lạnh (HS 03) chiếm tới 94% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017.

"Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam. Cũng có khả năng doanh nghiệp tôm Trung Quốc sẽ mượn Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ", Vasep nhận định

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí sản xuất cho doanh nghiệp khi tỷ giá biến động và mất thị trường Trung Quốc với vai trò cung ứng nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm, xuất khẩu sang Mỹ.

Vasep nhấn mạnh: "Chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA đã ký kết. Doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và NDT để có đối sách kịp thời".

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 245,6 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 255,7 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 254.096 tấn, trị giá 2,4 tỉ USD, tăng 9% về khối lượng và 7% về giá trị.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 5 cho Mỹ, chiếm 8,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Tính tới tháng 5.2018, lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đạt 17.900 tấn, trị giá 202,6 triệu USD, giảm 3% về khối lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi Trung Quốc là nguồn cung lớn thứ 6 cho Mỹ, chiếm 4,8% thị phần. Cũng trong 5tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.445 tấn, trị giá 115 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và 4% về giá trị.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tôm Việt xuất khẩu sẽ bị kiểm tra gắt hơn