Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phế liệu (gồm nhựa, giấy, sắt thép phế liệu) với giá trị hơn 1,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Trước tình hình nhập khẩu phế liệu ngày càng căng thẳng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Quyết không để Việt Nam trở thành bãi rác thế giới

tuyetnhung | 31/07/2018, 15:15

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phế liệu (gồm nhựa, giấy, sắt thép phế liệu) với giá trị hơn 1,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Trước tình hình nhập khẩu phế liệu ngày càng căng thẳng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phế liệu nửa đầu năm

Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Mai Xuân Thành đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu chiều 30.7.

Thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Quang cảnh buổi họp báo của Tổng cục Hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Mai Xuân Thành cho biết để đảm bảo công tác quản lý giám sát mặt hàng phế liệu nhập khẩu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành hải quan tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật...

"Nhằm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hóa trước khi hàng đến", ông Thành nhấn mạnh.

Theo đó, cơ quan hải quan sẽ thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa có thông tin trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là chất thải;yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý theo quy định.

Đối với hàng hóa là phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, cơ quan hải quan cần rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định. Cụ thể đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết Cục Điều tra chống buôn lậu đang điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ 1.2016 đến 5.2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm: Làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu; cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng).

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phế liệu (gồm nhựa, giấy, sắt thép phế liệu), trị giá hơn 1,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, Nhật Bản hiện là nước xuất khẩu phế liệu nhiều nhất vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay, với khoảng hơn một triệu tấn. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với khoảng 960.000 tấn. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phế liệu từ nhiều thị trường khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Bỉ, Lào...

Ông Trần Đức Hùng - Phó chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi họp báo

Đã khởi tố một doanh nghiệp

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đức Đạt (Công ty Đức Đạt), ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu thông tin cho biết: Căn cứ kết quả điều tra xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được về vụ việc vi phạm của Công tyĐức Đạt, MST: 2700784265, xác định: Từ ngày 21.7.2017 đến 22.11.2017, Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14.9.2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP.HCM và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là hơn 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.537.993.380 đồng.

Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại điều 154 - Bộ luật Hình sự năm 1999, điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17.7.2018 về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Trả lời câu hỏi liệu có dấu hiệu của việc tiếp tay, làm sai của cán bộ hải quan cơ sở trong vụ việc nhập khẩu phế liệu của Công ty Đức Đạt hay không, ông Quang khẳng định: "Trong thời gian ngắn, cơ quan hải quan trong thẩm quyền được giao mới chỉ làm rõ sai phạm của doanh nghiệp còn các vấn đề liên quan; các kẽ hở thậm chí sai phạm nếu có, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã có báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có văn bản nhắc nhở không chỉ với Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu và Cục Hải quan TP.HCM mà còn nhắc nhở các cơ quan hải quan toàn ngành rà soát, phát hiện sai sót, xử lý nghiêm sai phạm nếu có. Các công việc tiếp theo, cơ quan điều tra của Bộ Công an chắc chắn sẽ làm rất kỹ, khách quan, theo đó, sẽ phát hiện các sai sót, kẽ hở đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu".

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết không để Việt Nam trở thành bãi rác thế giới