Chiều 13.2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra công trường dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và làm việc với đơn vị liên quan về phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Sự kiện

Chiều mùng 4, Thủ tướng kiểm tra hiện trường 2 dự án trọng điểm vùng Đông Nam Bộ

Hoàng Phúc 13/02/2024 19:47

Chiều 13.2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra công trường dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và làm việc với đơn vị liên quan về phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GT-VT), dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều 53,7km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2km, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km. Tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỉ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án đã khởi công xây dựng từ tháng 6.2023.

Khi hoàn thành cao tốc sẽ có ý nghĩa quan trọng khi sẽ kết nối với các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

img1302-1707818777584988408665.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công tác triển khai thi công, hiện tại dự án thành phần 1 đã có 2 gói thầu xây lắp, và đang tiến hành công tác chuẩn bị, triển khai thi công tại hiện trường. Trong số đó, các đơn vị thi công đã triển khai thi công một số hạng mục có mặt bằng, đạt khoảng 3%. Đối với dự án thành phần 3, cũng có 1 gói thầu xây lắp đang trong quá trình triển khai thi công, đạt khoảng 12%.

Hiện nay, vướng mắc chủ yếu của dự án là do công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến cho tiến độ thi công không đảm bảo theo đúng kế hoạch. Cụ thể, dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thì công tác giải phóng mặt bằng đạt 96%. Trong khi 2 dự án thành phần 1 và 2 do tỉnh Đồng Nai thực hiện chỉ mới bàn giao lần lượt là 5 và gần 20%.

img1300-17078188533891351355275.jpg
Thủ tướng nghe báo cáo về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định rằng Đồng Nai đang phải đối mặt với việc triển khai giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng với Tập đoàn Điện lực tổ chức một đội ngũ công tác chất lượng, với sự tham gia của các cán bộ giỏi, để hỗ trợ Đồng Nai trong quá trình giải phóng mặt bằng và di dời các công trình điện. Mục tiêu là hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước ngày 30.6 năm nay.

Đối với vấn đề nguyên vật liệu, Thủ tướng đã đồng ý với chủ trương sử dụng đất cát khai thác từ quá trình xây dựng sân bay Long Thành làm nguyên vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Điều này không chỉ giúp tái chế nguyên vật liệu từ một dự án sang dự án khác mà còn giảm áp lực về tài nguyên và môi trường.

img1306-1707819196706356425164.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, lì xì đội ngũ cán bộ, kỹ sư đang thi công tuyến cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí 600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu năm 2023 để bổ sung cho việc triển khai dự án thành phần 3 trong năm 2024.

Các nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được Bộ GT-VT cùng với các địa phương và cơ quan nghiên cứu bổ sung để mở ra không gian phát triển mới và khai thác hiệu quả của cao tốc này. Thủ tướng yêu cầu phấn đấu để thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.

Về việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì và chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành phương án nguồn vốn trong tháng 2 này.

Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, có chiều dài 55km, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016, là tuyến giao thông quan trọng nối liền TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ. Tình trạng quá tải và ùn ứ trên tuyến đã làm nảy sinh nhu cầu mở rộng và cải thiện hiệu suất của dự án.

Trước đó như Một Thế Giới đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra công trình trọng điểm tại Đồng Nai và động viên người dân đã nhường mặt bằng cho dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiều mùng 4, Thủ tướng kiểm tra hiện trường 2 dự án trọng điểm vùng Đông Nam Bộ