Rạng sáng 22.7, Thượng viện Ba Lan thông qua đạo luật cải tổ ngành tư pháp, qua đó chính phủ Ba Lan có quyền kiểm soát tòa án. Đây là một đạo luật bị phản đối vì bị cho là vi hiến.

Chính phủ Ba Lan có quyền kiểm soát tòa án, người dân xuống đường phản đối

Trần Trí | 22/07/2017, 21:47

Rạng sáng 22.7, Thượng viện Ba Lan thông qua đạo luật cải tổ ngành tư pháp, qua đó chính phủ Ba Lan có quyền kiểm soát tòa án. Đây là một đạo luật bị phản đối vì bị cho là vi hiến.

Kết quả bỏ phiếu là 55 phiếu thuận, 23 phiếu trống, 2 phiếu trắng.Trước đó, Hạ viện cũng thông qua với 192/235 phiếu ủng hộ.

Đạo luật này chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Andrzej Duda là có hiệu lực. Vị lãnh đạo là một đồng minh của đảng cầm quyền Luật và Công lý (PiS) đã ủng hộ đạo luật này. PiS nói các quy định mới là cần thiết để ngành tư pháp hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm hơn.

Từ khi nắm quyền lực hồi năm 2015, PiS đã tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng của chính phủ lên tòa án, buộc các thẩm phán và giới truyền thông nhà nước chịu sự kiểm soát của chính phủ. PiS cũng ra những quy định cấm tụ tập đông người, o ép các tổ chức phi chính phủ, theo Guardian.

Khi Thượng viện do PiS tranh luận từ chiều 21.7 đến rạng sáng 22.7, hàng chục ngàn người phản đối xuống đường ở thủ đô Warsaw và các thành phố. Họ tổ chức đốt nến canh thức để phản đối dự luật.

Một số người cầm cờ Ba Lan và cờ Liên hiệp châu Âu (EU) hô to “Trả tự do cho tòa án”. Họ cũng kêu gọi Tổng thống phủ quyết đạo luật.

Một thăm dò luận cho kênh truyền hình tư nhân TVN cho kết quả: 55% người được hỏi muốn Tổng thống Duda phủ quyết đạo luật, chỉ có 29% người muốn ông ký phê duyệt.

Phe đối lập và các thẩm phán ở Ba Lan nói đạo luật là một bước mới của chính phủ Ba Lan hướng tới chế độ độc tài. Họ nói luật này vi hiến, vi phạm các nguyên tắc dân chủ, tước đoạt quyền của luật sư, trao quyền kiểm soát hệ thống tòa án gồm cả Tòa án tối cao cho chính phủ.

Thượng nghị sĩ đối lập Jan Rulewski khi tham gia tranh luận đã mặc quần áo của tù phạm, nói: “Chúng tôi tin Ba Lan đang dần chuyển thành một thể chế trừng phạt”.

Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Ba Lan ở NATO, ra tuyên bố kêu gọi Ba Lan bảo đảm mọi sự thay đổi đều phải tôn trọng hiến pháp: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bảo đảm bất kỳ sự cải tổ tư pháp nào phải không vi phạm hiến pháp Ba Lan hoặc các bắt buộc pháp lý quốc tế, tôn trọng nguyên tắc độc lập tư pháp và tách bạch khỏi quyền lực”.

Những cải cách tư pháp của Ba Lan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ngày 19.7, ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố EU có thể kích hoạt điều 7 của Hiệp ước thành lập EU nhằm loại bỏ quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EU.

Đây là một cách trừng phạt Ba Lan vì các cải cách vi phạm những nguyên tắc cơ bản của khối. Điều 7 của EU chỉ được dùng chống lại các quốc gia thành viên vi phạm quy định của khối nhiều lần, trước đây chưa bao giờ được vận dụng.

Ông Timmermans nói lý do trừng phạt: "Nếu đạo luật được ban hành, công lý sẽ bị nhóm chính trị kiểm soát”.

Nếu chính phủ Ba Lan không rút lại ý đồ kiểm soát tòa án, Ba Lan cũng có thể bị phạt tiền, dù một vài chính phủ có thể phủ quyết sự trừng phạt nghiêm khắc.

Các thẩm phán cấp cao Cộng hòa Czech cáo buộc cuộc cải cách tư pháp của Ba Lan là tấn công vào sự thượng tôn pháp luật.

Dù vậy, nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định Ba Lan sẽ không chịu thua sức ép dư luận trong nước và quốc tế. Bà nói thêm luật giúp cải cách hệ thống tư pháp mà bà cho là hoạt động không hiệu quả và có phần quan liêu trong thời gian qua.

Bích Ngọc (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
một giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ Ba Lan có quyền kiểm soát tòa án, người dân xuống đường phản đối