Tại dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nhất, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất, tức sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Thanh Quốc | 13/03/2023, 14:01

Tại dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nhất, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất, tức sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Đề xuất thời hạn sở hữu chung cư nêu tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác với các dự thảo đưa ra trước đây nêu nhiều phương án, tại dự thảo luật lần này, Chính phủ đưa ra phương án duy nhất, tức sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Chính phủ cho hay luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn. Như vậy. cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

chung-cu-2.jpg
Chính phủ đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng là lý do không xác đáng và không phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Đường, không thể đánh đồng những nhà chung cư đã xuống cấp, hết hạn hiện nay với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp theo giá thị trường vào những năm Nhà nước có chủ trương phát triển thị trường nhà ở. Ngoài ra, ông Đường cho rằng, không phải người dân không muốn đi vì cho rằng quyền sở hữu nhà đó là vĩnh viễn mà vì chính sách xây lại nhà đó chưa hợp lý.

GS.TS Trần Ngọc Đường cũng đề cập tới thực trạng nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên sự mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Vì vậy, nhà chung cư hiện nay là khối tài sản rất lớn của một gia đình. “Lẽ nào vì một thực tiễn hoàn toàn khác với thực tiễn hiện nay để Nhà nước ra một quyết định bằng một quy định của luật là chấm dứt quyền sở hữu một cách đơn giản, lạnh lùng như vậy?”, ông Đường đặt ra câu hỏi.

Nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng dự thảo đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế là không phù hợp cả về mặt khoa học, pháp lý cũng như thực tiễn.

Theo ông Đỉnh, quy định này cũng không phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và nguyên tắc chung của pháp luật dân sự.

Trong mọi nhà nước pháp quyền, quyền sở hữu tài sản được quy định là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh về các quan hệ tài sản. Với mỗi tài sản cụ thể, tùy mức độ quan trọng mà có luật chuyên ngành điều chỉnh về loại tài sản đó. Như vậy, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư không được trái với quy định chung về sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có khái niệm “thời hạn sở hữu tài sản”.

“Cơ quan soạn thảo cần xác định mục tiêu cốt lõi là gì. Nhà nước có thực sự mong muốn người dân ở chung cư, coi chung cư là xu thế của thời đại mới hay không? Mặt khác, cần đánh giá kỹ tác động, chính sách mới sẽ tác động thế nào đến xã hội, đối tượng nào hưởng lợi, đối tượng nào bị thiệt hại? Chính sách đặt ra có hướng đến lợi ích của người dân hay chỉ có lợi cho hoạt động quản lý? Liệu chính sách ban hành có đảm bảo hiệu quả, khả thi?”, ông Đỉnh nêu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì thế, ông đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. 

Bài liên quan
Chính phủ yêu cầu tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, trong đó nhấn mạnh việc tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn