“Nếu Chính phủ có nói chủ trương hay nói thông điệp chỉ đạo quyết liệt nhưng Bộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2017 sáng 3.8, Thủ tướng nhìn nhận một xu hướng tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hãy nhóm lửa lên!
Về kinh tế, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tín dụng tăng mạnh, được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng giảm 0,5% so với đầu năm 2017. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm qua. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, gần 19% so với đầu năm. Thu ngân sách đạt khá, trên 53 tỉnh, thành phố vượt thu so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 1,8 lần so với tháng trước. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số mặt bất cập, tồn tại như công nghiệp chế tạo tăng trưởng nhưng công nghệ khai khoáng vẫn giảm sâu. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Một số chi phí, nhất là chi phí vận tải, logistics còn cao. Giải ngân tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán.
Một bất cập nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là hệ thống chính quyền cơ sở nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, kỷ cương phép nước chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức. “Tôi hoan nghênh TP.Hà Nội đã đình chỉ công tác để kiểm điểm Phó chủ tịch phường Văn Miếu”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh những vụ việc quan liêu, gây chậm trễ cần xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng cho biết một số chủ trương còn triển khai chậm như việc chuyển một phần trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
“Phải nhận diện đúng tình hình, những vấn đề đặt ra đối với từng ngành, từng lĩnh vực, có mặt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Tôi nói điều này để các thành viên Chính phủ suy nghĩ, phát biểu thêm chủ trương, biện pháp của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của bộ trưởng, UBND các tỉnh, thành phố trong điều hành, quản lý.
“Nếu Chính phủ có nói chủ trương hay nói thông điệp chỉ đạo quyết liệt nhưngbộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công”.
“Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ hiến kế, đề xuất những giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2017 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cũng như thảo luận các quyết sách gỡ các nút thắt như về thể chế, thủ tục hành chính, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, vướng mắc về giải ngân vốn ODA, chi phí sản xuất kinh doanh, kho bãi còn cao, chi phí thủ tục hành chính, cả thời gian, tiền bạc còn là gánh nặng đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải đặt vấn đề đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có biện pháp mạnh mẽ để đưa vốn đầu tư xã hội đạt 34-35% GDP.
Đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%
Để góp phần tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh tế, Thủ tướng vừa cho thành lập tổ tư vấn kinh tế do TS Vũ Viết Ngoạn làm tổ trưởng. Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ, trong cuộc làm việc với tổ tư vấn mới đây, tổ tư vấn cũng cho biết đã nêu ý kiến về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP.
TS Vũ Viết Ngoạn cho biết, vừa qua trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng mục tiêu tăng GDP theo hướng linh hoạt, khoảng 6,4-6,8%. "Đây là điểm rất mới và trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng việc đưa ra một biên độ linh hoạt hơn là rất phù hợp", ông Ngoạn nói.
Theo ông Ngoạn, một vấn đề cần quan tâm khác là có nên tăng trưởng quá cao, quá nhanh không? Ông Ngoạn cho rằng với kinh tế việt Nam hiện nay, dư địa để tạo ra chuyển biến thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng để đạt khoảng 6,7-6,8% trong vòng 1-2 năm không phải quá khó. "Tuy nhiên, phải nói rõ thêm dư địa kích cầu không còn nữa".
Vị này cũng đưa ra một số giải pháp như khối lượng tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện rất lớn, hiệu quả không cao, cần tập trung thực hiện dứt điểm các giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước.
“Thực chất đây là phân bổ lại nguồn lực, chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân hiệu quả hơn. Còn các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hoặc có chủ trương giữ lại thì phải nâng cao trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo doanh nghiệp, công khai minh bạch như với các công ty đại chúng”, ông Ngoạn nói và cho rằng, khi đó, xã hội sẽ giám sát và hình thành lực đẩy. Phải thay lực kéo của bộ máy hành chính bằng lực đẩy của xã hội, quốc gia nào cũng vậy, đó là triết lý trong quản trị nhà nước.
Giải pháp tiếp theo là khắc phục điểm nghẽn giải ngân. Ông Ngoạn cho rằng mỗi một tỉ USD đưa vào đầu tư sẽ đóng góp 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong khi Việt Nam hiện còn lượng tiền khá lớn vốn đầu tư phát triển chưa được giải ngân do một số điểm nghẽn, đó là chưa kể có tới hơn chục tỉ USD vốn ODA chưa được sử dụng.
“Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng còn nhiều dư địa. Nếu tập trung giải quyết một số điểm nghẽn cho doanh nghiệp thì khu vực này cũng có thể đóng góp thêm cho tăng trưởng”, ông Ngoạn nói.
Vị này cũng nhấn mạnh: "Chúng ta có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng 7-7,5% trong lâu dài, nhưng động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên”.
Theo đó, ông Ngoạn nêu, muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian".
Hoài Phong