Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ chính thức thông xe vào ngày 29.4 tới đây. Quảng trường này sẽ được vận hành 24/24. Thế nhưng, vào 2 ngày cuối tuần, con phố này sẽ cấm các loại xe từ 19 giờ tới 23 giờ.

Chính thức thông đường phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 29.4

Một Thế Giới | 27/04/2015, 16:11

Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ chính thức thông xe vào ngày 29.4 tới đây. Quảng trường này sẽ được vận hành 24/24. Thế nhưng, vào 2 ngày cuối tuần, con phố này sẽ cấm các loại xe từ 19 giờ tới 23 giờ.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết hôm 25.4 trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Hiện các công đoạn cuối cùng đang được hoàn thành để đến ngày 29.4 sẽ được đưa vào vận hành chính thức và phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, khi đi vào vận hành, tuyến đường chỉ có phun nước vào ban ngày, còn buổi tối vừa phun nước vừa kết hợp với ánh sáng và nhạc. Tuyến đường được bố trí hai hồ phun nước với diện tích 100 mét vuông/hồ.
Đáng chú ý, những ngày trong tuần, các loại xe vẫn được lưu thông dọc 2 bên đường Nguyễn Huệ. Thế nhưng, hai ngày thứ 7 và Chủ nhật, xe cộ sẽ bị cấm từ 19 giờ tới 23 giờ.
Theo đó, người dân khi vào phố đi bộ sẽ phải gửi xe ở khu vực lân cận. Ông Tám cho biết, hiện thành phố chưa bố trí được một bãi đậu xe riêng cho phố đi bộ mà sẽ bố trí các bãi đậu xe ở vỉa hè các tuyến đường lân cận. Đồng thời, bố trí thêm các bãi đậu xe ở các tòa nhà cao tầng, khách sạn ở xung quanh.
Còn về lâu dài, thành phố sẽ bố trí các điểm giữ xe tập trung ở các công viên như 23 tháng 9, Lê Văn Tám và sẽ có xe điện đưa người dân vào phố đi bộ. Đề án đưa xe điện vào hoạt động ở khu trung tâm đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xây dựng và đang trình UBND thành phố phê duyệt.
Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, khu vực quảng trường có sức chứa 5.000 - 6.000 người. Phố đi bộ cũng kéo dài từ tòa nhà UBND thành phố đến công viên bến Bạch Đằng với điểm nhấn là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trụ sở UBND thành phố.
Trong tương lai, một quảng trường đi bộ khác cũng được xây dựng tại khu vực Thủ Thiêm (Quận 2). Hai phố đi bộ này sẽ kết nối với nhau bằng cầu đi bộ băng sông Sài Gòn. Phía sau công viên tượng đài là công trình kiến trúc cổ hơn 100 năm tuổi, đang là trụ sở của UBND và HĐND thành phố.
"Thành phố đang triển khai xây hầm ngầm đoạn giao lộ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ. Theo đó, các loại xe đi trên Tôn Đức Thắng không băng ngang mặt cắt đường Nguyễn Huệ như hiện nay mà sẽ đi ngầm một đoạn qua khu vực này. Công viên Bạch Đằng cũng sẽ được cải tạo lại, không cho tàu thuyền cập bến như hiện nay", ông Tín vho biết trên VnExpress.
Trước đó, theo thiết kế, quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670 m, rộng 64 m. Các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, cải tạo mặt đường và vỉa hè hiện hữu bằng lát đá tự nhiên thành quảng trường đi bộ. Mặt khác, xây dựng lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, đài phun nước; xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, camera, nhà vệ sinh công cộng... Tổng kinh phí đầu tư cho công trình này gần 430 tỷ đồng.
Phan Diệu tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính thức thông đường phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 29.4