Sáng 23.4, cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu chính thức thông xe, vượt tiến độ 9 tháng so với kế hoạch đề ra.
Công trình cầu Châu Đốc là gói thầu số 17 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP.Châu Đốc (An Giang), kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Cầu có 13 nhịp, trong đó 4 nhịp chính dài 260m; độ ngang thông thuyền rộng 75m, cao 11m. Mặt cầu thiết kế 4 làn xe, rộng 14m, vận tốc 60 km/giờ.
Đây là cây cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Công trình được xem là một dấu ấn của tỉnh An Giang do cầu được xây dựng với kỹ thuật cao. Việc cầu Châu Đốc hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch cũng là dấu mốc quan trọng tạo sự kết nối hoàn chỉnh của hệ thống giao thông liên vùng, rút ngắn thời gian từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới.
Người dân phấn khởi
Vào 7 giờ sáng 23.4, theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, rất đông người dân có mặt tại cầu Châu Đốc để chứng kiến lễ thông xe. Lực lượng CSGT túc trực phân luồng nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại buổi lễ.
Là một trong những công nhân thi công cầu Châu Đốc, ông Nguyễn Thanh Hải (57 tuổi, ngụ xã Châu Phong, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Anh em công nhân trên công trường nói riêng và người dân ở hai bên bờ Châu Đốc và Tân Châu cùng những vùng giáp ranh đều rất vui khi cầu Châu Đốc được thông xe”.
Anh Karien (ngụ xã Châu Phong, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) đi bộ tham quan cầu. Anh cho biết trước đây phà thường kẹt xe dịp lễ Tết, nhất là dịp vía Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch hằng năm. Cầu Châu Đốc thông xe giúp hiện thực mơ ước bấy lâu của người dân. “Nghe tin có lễ thông xe cầu nên tôi lên xem. Người dân 2 bên bờ rất phấn khởi vì cầu đẹp lắm”, anh Karien chia sẻ.
Tương tự anh Karien, ông Nguyễn Trung Hiếu (nhà cách cầu 10km nằm phía bờ TX.Tân Châu) tỏ ra vui mừng khi cây cầu được thông xe, giúp bà con thuận lợi trong việc đi lại và giao thương. Vừa chứng kiến lễ thông xe, ông Hiếu vừa gọi điện thoại khoe với một người bạn ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Đinh Văn To, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, đến nay công trình đã thi công hoàn thành, được tổ chức đánh giá đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế và đủ điều kiện vận hành, phục vụ nhu cầu giao thông vận tải của địa phương, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, kết nối đến các cửa khẩu với Campuchia, tăng cường phục vụ an ninh quốc phòng khu vực biên giới, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
“Ngoài ra, cầu Châu Đốc khi thông xe cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối đường bộ giữa 2 đô thị là TP.Châu Đốc và TX.Tân Châu trong nhiều năm phải “lụy đò”. Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nên không thu phí, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực”, ông To nói.
Tưng bừng lễ thông xe cầu Châu Đốc
Vào lúc 8 giờ 30 sáng 23.4, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu.
Phát biểu lễ thông xe, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trong quá trình thi công cầu Châu Đốc mặc dù gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm của chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương, nhà thầu thi công và cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, sau hơn 24 tháng thi công, cầu Châu Đốc đã được hoàn thành đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ 9 tháng so với kế hoạch đề ra.
“Tôi đánh giá cao và biểu dương Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, Sở GTVT và các sở, ngành có liên quan, UBND TP.Châu Đốc và TX.Tân Châu cùng nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, với tinh thần quyết tâm, khẩn trương, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành cầu Châu Đốc vượt tiến độ kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, nhân buổi lễ này, tôi nhiệt liệt biểu dương người dân đã tích cực, đồng hành cùng với chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để cầu Châu Đốc sớm được triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành và vượt tiến độ kế hoạch đề ra.
Một lần nữa, thay mặt UBND tỉnh An Giang, tôi xin long trọng tuyên bố thông xe cầu Châu Đốc, đánh dấu sự kiện cây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ người dân”, ông Phước nhấn mạnh.
Tỉnh An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ. Trong hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh ĐBSCL, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.
Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ TX.Tân Châu đến TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc, không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh ĐBSCL, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới.
Về du lịch, cầu Châu Đốc góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch bởi nơi đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Tràm Chim, dinh Bà, đền Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm...