Ngày 15.3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo với các đối tác phát triển, nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Chờ băng Trung Quốc tan cuối tháng 4, miền Tây mới có nhiều nước ngọt

Một Thế Giới | 16/03/2016, 05:11

Ngày 15.3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo với các đối tác phát triển, nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho rằng hạn hán và xâm nhập mặn là tình huống thiên tai “có tính chất lịch sử”, đe dọa sinh kế hàng triệu người dân.
Cụ thể, lượng mưa tại ĐBSCL giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường nhiều năm nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nhiều nơi, vào sâu tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-30km.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mức độ xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40- 60 km, với tỷ lệ độ mặn từ 1 đến 3 phần nghìn, có nơi 5- 6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5. Từ giờ đến 18.3 - cao điểm đợt xâm nhập mặn tháng 3-2016, khả năng lấy nước ngọt ở vùng cách cửa biển 30- 45 km gần như không có, vì nước nhiễm mặn 4g/l (độ mặn gấp 16 lần tiêu chuẩn lấy nước ngọt) sẽ lấn sâu vào khu vực này. Phải sau ngày 18.3, khi triều xuống thấp, mặn giảm dần, khu vực này mới có thể lấy được nước ngọt.
Ông Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp khoảng 700 tỉ đồng cho các địa phương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt. Tuy nhiên, con số thiệt hại của các địa phương tăng lên từng ngày.
Giới khoa học dự đoán xâm nhập mặn ở ĐBSCL dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 4 và kéo dài ảnh hưởng tới tháng 5, tháng 6. Trung Bộ đỉnh điểm khô hạn có thể là tháng 4, tháng 5. Còn Tây Nguyên hy vọng tháng 5 hoặc 6 sẽ có mưa. Riêng với Ninh Thuận, Nam Trung Bộ có thể tới tháng 9 mới có mưa.
Ông Cao Đức Phát dự báo tình hình sẽ còn xấu hơn trong những tháng tới. Vào tháng 3, tháng 4, lượng nước chảy về trên sông Mekong không tăng nên nước mặn tiếp tục xâm nhập đất liền sâu hơn.
Bộ trưởng Phát hy vọng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 băng tuyết ở Trung Quốc sẽ tan thành nước chảy về sông Mekong nhiều hơn. Theo đó, Việt Nam sẽ đón được nước ngọt, đẩy lùi được tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.
Về việc đề nghị Trung Quốc xả nước ở thượng lưu sông Mê Kông để giúp ĐBSCL chống xâm nhập mặn, bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận Trung Quốc có xả nước hay không là điều khó đoán định.
Trước đó,  Phó phát ngôn của Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 14.3 cho biết Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mekong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
"Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15.3 đến 4.4.2016", bà Hằng cho biết.
AT (bài viết có sử dụng thông tin từ VNN và Người lao động)
Bài liên quan
Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc nhằm tăng cường mối quan hệ
Điện Kremlin hôm 14.5 xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc vào ngày 16 và 17.5.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học nhân ngày Khoa học công nghệ Việt Nam
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TP.Hà Nội hôm nay đã tổ chức cuộc gặp gỡ, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam (18.5).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chờ băng Trung Quốc tan cuối tháng 4, miền Tây mới có nhiều nước ngọt