Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng nhiều chợ vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, người bán nhiều hơn người mua.
Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới tại một số khu chợ nổi tiếng của Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Hàng Da, chợ Phùng Khoang, chợ Xanh... lượng hàng hóa vẫn được các tiểu thương tăng nhập về kinh doanh so với mọi năm, nhưng không khí mua sắm khá ảm đạm, người mua vắng vẻ thưa thớt.
Theo một số tiểu thương, phải từ 23 tháng chạp trở đi, sức mua mới tăng. Giá các mặt hàng năm nay cũng không cao, chỉ tương đương với những năm trước, thậm chí có nhiều loại còn rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cũng nhận định sức mua năm nay sẽ không cao bằng các năm trước, nên giá chắc chắn sẽ phải giảm từ 10 - 20%, nhưng vẫn lo ế hàng.
Chị Nguyễn Thị Xuân Thu chủ một cửa hàng bán bánh kẹo, đồ khô tại chợ Hôm - Đức Viên cho biết, mọi năm cứ sau Tết dương lịch, người ta đổ xô đi lo sắm tết, dự trữ thực phẩm như bánh kẹo mứt trong nhà. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù chị đã nhập rất nhiều loại hàng, bày bán nhiều ngày nhưng vẫn vắng bóng khách. Với tình hình thị trường tết năm nay, chị Thu nói sẽ nhập lượng hàng vừa phải về bán thời gian tới, chờ xem tình hình khách mua thế nào từ giờ đến sát Tết Nguyên đán mới nhập tiếp.
"Ế ẩm lắm, chưa năm nào ế như năm nay. Tết đến nơi mà chưa thấy khách đâu. Hy vọng là những ngày tới, người mua sắm sẽ đông hơn, cả năm gia đình tôi chỉ trông chờ mỗi cái tết", chị Thu chia sẻ.
Không chỉ sạp hàng của chị Thu, dạo quanh một số khu chợ lớn ở Hà Nội, các sạp hàng đều trong tình trạng buôn bán ế ẩm, nhiều quầy hàng bán giày dép, áo quần vắng bóng khách mua. Nhiều tiểu thương không trụ nổi phải sang lại quầy sạp, ki ốt vì không thể cầm cự. Một số cửa hàng có điều kiện hơn thì thấy lác đác người mua.
Khi được hỏi hy vọng thế nào vào những tháng tết, nhiều chủ sạp quần áo, giày dép, vải... chỉ lắc đầu cười không nói. Khu chợ sạp buôn bán ế ẩm ảnh hưởng tới cả hàng quán ăn uống xung quanh chợ. Bà Nguyễn Thị Sâm bán nước, bán chè bên ngoài chợ Hôm - Đức Viên đã 15 năm nay, cho biết trước kia vào khoảng thời gian này bà và con gái làm không hết việc, khách tỉnh lên giao hàng nhộn nhịp tạt vào quán bà nghỉ ngơi, nhưng giờ quán chỉ có các shipper, bốc vác, vận chuyển ngồi chờ khách.
Bà Đỗ Thị Xuân bán áo quần các loại ở chợ Xanh (Q.Cầu Giấy) cho biết thời điểm này năm ngoái, lượng khách hàng đến chợ mua sắm đông, nhưng năm nay, hàng hóa bán rất chậm, ế ẩm, sức mua giảm rất nhiều. Để kích cầu tiêu dùng, các hộ kinh doanh tại chợ cũng hưởng ứng chương trình bán hàng khuyến mãi, kích cầu mua sắm với hình thức giảm giá trực tiếp trên sản phẩm từ 5 - 10%, có sản phẩm giảm giá 20%.
"Năm nay, cửa hàng nhập hàng ít hơn mọi năm, phải lấy hàng mới để đáp ứng, nhưng lượng người mua ít hơn mọi năm. Tiểu thương chợ cũng tổ chức giảm giá, tùy theo mặt hàng để kích cầu mua sắm nhiều hơn. Do tình hình kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, hình thức bán hàng trực tuyến cạnh tranh nên sức mua tại chợ truyền thống giảm mạnh", bà Xuân nói.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân ế ẩm không chỉ do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, mà họ đang phải cạnh tranh với những người bán hàng online.
Từ đầu tháng 12 âm lịch, những khu chợ hoa, cây cảnh lớn tại Hà Nội như: Chợ hoa cây cảnh Vạn Phúc (Q.Hà Đông), chợ hoa cây cảnh trên các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân, Hoàng Quốc Việt, Bưởi... đều đã tập trung nhiều gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Các lại cây chủ đạo vẫn là những loại hoa, cây cảnh quen thuộc trong dịp tết như: đào, mai trắng, quất-bưởi cảnh, phật thủ, các loại hoa lan, hồng, dạ yến thảo, hải đường, đỗ quyên, các loại cây phong thủy như kim ngân, trạng nguyên, vạn niên thanh, cúc mâm xôi... Dù các loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc nhưng trong những ngày này, các khu chợ vẫn vắng bóng người mua.
Anh Nguyễn Đức Vinh, tiểu thương kinh doanh hoa cảnh tại chợ Bưởi cho biết, do lo ngại sức mua kém nên năm nay anh chỉ nhập 400 chậu cúc mâm xôi, với giá dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/chậu tùy kích cỡ. Anh cho biết dù đã mang hoa ra trưng vài ngày nay, nhưng cũng chỉ mới bán được vài chậu.
"Như mọi năm, những ngày này, người dân đã tới mua các loại hoa cảnh về trưng tết ở nhà, ở cơ quan..., nhưng năm nay trái ngược hoàn toàn, người mua rất ít, chắc do kinh tế khó khăn nên họ cũng cắt giảm chi tiêu. Tôi hy vọng vài ngày nữa, khách mua sẽ mua về trưng tết nhiều hơn, không thì hàng họ ế ẩm, gia đình tôi lại mất tết", anh Vinh tâm sự.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết sở đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm; trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để xảy ra tình trạng khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội cũng tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường. Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp tết khoảng 40.000 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả và đưa đến các hệ thống phân phối.