Một sự kiện văn hóa quan trọng vừa diễn ra tại ĐBSCL: ngày 9.7.2016, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã nhận bằng của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng đã trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của Cần Thơ.

Chợ nổi Cái Răng đặc trưng của sông nước miền Tây

DDVN | 11/08/2016, 06:26

Một sự kiện văn hóa quan trọng vừa diễn ra tại ĐBSCL: ngày 9.7.2016, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã nhận bằng của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng đã trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của Cần Thơ.

Chợ nổi là chợ họp nhóm trên sông với các phương tiện là những tàu, ghe, xuồng chuyên chở hàng hóa, sản phẩm. Chợ nổi ở miền Tây Nam Bộxuất hiện, tồn tại từ những năm đầu của thế kỷ trước, đầu tiên là chợ nổi Cái Răng, lần lượt tiếp đến là các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long). Chợ nổi Cái Răng nằm cách cầu Cái Răng chừng 300m, trên tuyến đường sông Cần Thơ - kênh xáng Xà No – Phong Điền, Ô Môn, đây là đầu mối giao thương, buôn bán với các tỉnh thành của miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn. Chợ nổi là sinh hoạt đặc trưng và rất tiêu biểu của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hầu như tỉnh nào trong khu vực này cũng đều có chợ nổi. Những chợ nổi thuộc miền Tây sông Hậu thường có quy mô lớn và nổi tiếng hơn các vùng khác bởi tính trung tâm và sự giao lưu, trung chuyển hàng hóa của nó.

Giá trị văn hóa

Văn hóa phi vật thể là những giá trị văn hóa tinh thần - không dựa trên sự tồn tại vật chất cố định như đình, chùa, lăng, miếu, nhà cổ, phố cổ. Văn hóa phi vật thể chỉ có thể cảm nhận qua giao lưu, lễ hội, âm nhạc, ca dao, tục ngữ, phong tục, tập quán, đặc trưng độc đáo của những vùng miền trên đất nước. Tính lịch sử truyền thống là đặc điểm đầu tiên - Chợ nổi Cái Răng đã có trên 100 năm lịch sử.

Cái Răng là phố thị phát triển khá sớm và sung túc, sầm uất vào bậc nhất ở Tây Nam Bộ.Do thời ấygiao thông bộ chưa phát triển, các ghe thương hồ của nhiều địa phương đã đem hàng hóa, nông sản phẩm đến đây để trao đổi, giao lưu mua bán. Thời khắc mua bán nhộn nhịp nhất là khi nước vừa “nhuốm” ròng (mới rút) và lúc nước vừa “nhữn” lớn (mới lớn). Những chu kỳnhư vậy tiếp diễn không ngừng nghỉ từ khi có chợ nổi Cái Răng. Tính trung tâm và vị trí địa lýđặc biệt của chợ nổi Cái Răng cũng làm nó nổi trội hơn các chợ nổi khác. Chợ nổi Cái Răng là “chợ nổi đầu mối”.

Các chợ ở chung quanh nó với khoảng cách vừa phải như chợ nổi Trà Ôn (25km), chợ nổi Phong Điền (15km), chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp (30km). Các ghe thương hồ ở các nơi, sau khi ghé đậu ở những “chợ nổi vệ tinh” thu, gom mua nông thủy sản hàng hóa các loại của nông ngư dân bán lẻ từ trong vườn, ruộng và các sản phẩm thủ công của các cơ sở gia công, họ chèo theo nước (xưa kia), chạy máy đuôi tôm, máy dầu, mang hàng hóa vừa mua được đến chợ đầu mối Cái Răng để trao đổi mua bán… Chợ nổi Cái Răng và các chợ xung quanh nó đã hình thành nên một “quần thể nổi” rất độc đáo mang tính biểu tượng, đặc trưng, rất khác biệt với các chợ trên bộ…

Tính giao lưu giữa các vùng miền cũng rõ nét qua các sản phẩm hàng hóa được trao đổi ở chợ nổi Cái Răng. Người “Miệt Trên” – chỉ các tỉnh từ An Giang qua Đồng Tháp đến Long An, Sài Gòn, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh ngày nay. Miệt Trên thường mang các sản phẩm, hàng hóa như lúa, gạo (An Giang), chiếu, nông cụ sản xuất (dao, búa, liềm, hái, cuốc, xẻng) của Sa Đéc (Đồng Tháp), các mặt hàng công nghệ phẩm như “đèn dầu Hoa Kỳ”, vải Bombay (Ấn Độ), lưới cước, dầu lửa, khí đá, tim đèn, đèn cầy, thau mũ, nhôm nhựa, đồ kim khí…(Sài Gòn), khóm (Long An), dừa, dầu dừa (Bến Tre), nhang, trái cây (Vĩnh Long), khô cá, dưa, đậu phộng (Trà Vinh).

"Miệt Dưới” gồm các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thường mang các mặt hàng như muối, khô cá, mật ong, cá đồng, lúa gạo đến chợ nổi Cái Răng…Từ chợ nổi Cái Răng lại phân phối ngược về các chợ vệ tinh những mặt hàng thiết yếu. Cũng từ chợ đầu mối Cái Răng, một số hàng hóa, nông sản phẩm qua chọn lọc sẽ lên các phương tiện lớn hơn để đi Sài Gòn và các tỉnh Miệt Trên, và sau đó mang hàng hóa trở về cung cấp ngược lại. Tất cả tương tác với nhau tạo thành…chợ! Tính ổn định và quy mô khá hoành tráng của chợ nổi Cái Răng đã góp phần tạo nên thương hiệu của nó; thường xuyên có khoảng gần 400 ghe thương hồ các nơi cập bến, neo đậu mua bán tạo nên một không gian huyên náo, sinh động, đầy sức sống.

Du khách tham quan rất thích thú bởi mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông, lắc lư trên một mặt bằng là…nước.Có khá nhiều con, cháu khách thương hồ đã sinh ra, lớn lên, rồi trưởng thành, lại tiếp diễn, lênh đênh mua bán mưu sinh trên chợ nổi Cái Răng như đời cha ông họ.Có những buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống dòng Cần Thơ mênh mông, thơ mộng, những tàu ghe chờ hàng hay chờ con nước, xúmkết lại với nhau, có khi giữa sông, có khi cặp bến nhậu lai rai, đàn ca văn nghệ như để thư giãn, quên đi những vất vả, mệt nhọc của kiếp thương hồ rày đây mai đó.Rồi cũng có những lứa đôi người Miệt Trên -kẻ Miệt Dưới kết thành duyên nợ vợ chồng, gắn bó cuộc đời mình với những buồn vui của chợnổi.Thường trên những “ghe mới” là những gia đình son trẻ có hai vợ chồng vài đứa trẻ con.

Nhiều ghe như vậy hình thành nên một “xã hội” rất đặc trưng, nhưng không hề tồn tại trên giấy tờ, hộ tịch, cũng chẳng có địa giới hành chánh cụ thể.Ở đây, mọi người hầu như đều quen biết nhau, giúp đỡ nhau những khi ốm đau, bệnh hoạn hoặc gặp mưa gió bão dông.Chợ nổi xưa nay chưa hề xảy ra ẩu đả hay các vụ án hình sự thiệt hại đến nhân thân.Người trên chợ nổi “ghe ai nấy ở”, cách ly bởi ranh giới “sông sâu nước chảy” và lịch thời gian làm ăn, lao động rất khác biệt nhau.Người ta gọi họ là “khách thương hồ”, lực lượng rất quan trọng, bất khả thiếu này đã góp phần hình thành nên cái “hồn vía” chợ nổi hay gọi thanh tao hơn là “Văn hóa chợ nổi”.Do nhiều yếu tố văn hóa cấu thành nên chợ nổi Cái Răng đã được phong tặng danh hiệu là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đời chợ

Chợ nổi Cái Răng nằm dọc theo sông Cần Thơ từ chân cầu Cái Răng kéo dài tới vàm Ba Láng khoảng 2km là một chợ nổi hoành tráng nhất ĐBSCL. Nơi đây diễn ra sự mua bán hầu như 24/24 với nhiều chủng loại hàng hóa. Nhiều nhất vẫn là nông, thủy hải sản ở dạng nguyên hoặc qua sơ chế thô. Hàng hóa từ đây đi khắp nơi bằng đường thủy hoặc chuyển qua đường bộ ở các bến bãi ven sông. Nguồn hàng rất dồi dào từ các vùng lân cận mang đến. Ngoài chợ nổi Cái Răng, ĐBSCL còn có những chợ nổi có tiếng khác như chợnổi Ngã Ba Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Ngã Năm Thạnh Trị (Sóc Trăng), chợ nổi Kinh Xáng Vịnh Tre (An Giang)… và một số chợ nổi “cấp huyện ” có mặt khắp nơi. Nếu bạn có dịp đi chợ nổi vào những ngày cận Tết thì rất vui và hấp dẫn. Lúc nầy nhà vườn, nông ngư dân, người làm hàng thủ công… ai cũng mang hàng hóa, nông thủy sản ra chợ nổi bán để có tiền và mua lại những vật dụng cần thiết nhằm sử dụng lâu dài hay đôi khi chỉ dăm ba ngày Tết.

Vài mươi năm trước đây, cách mua bán và thanh toán cũng khác đối với những vùng miền khác. Tính bằng “chục đủ đầu” như: dừa (12), dưa hấu (12), trứng (10), bưởi (14), chanh (18)…Ngày nay hầu hết các mặt hàng đã chuyển qua thanh toán bằng đơn vị ký (kg)như cam, chanh, vú sữa, một số trái cây và rau củ… Đã thành lệ bắt buộc, người mua được hưởng “phao” (hưởng không) từ thấp nhất là 2 kýđến cao nhất là 8 kýcho mỗi 100 kýhàng mua vào, tùy theo tình hình và diễn biến của giá cả hàng hóatrong ngày, thường lấy mốc thời gian là từ khi nước vừa bắt đầu ròng (thủy triều xuống) đến khi nước chớm lớn lại.

Đắt hàng phao ít, ế hàng phao nhiều! Ở đây giá cả hàng hóa thể hiện rất rõ nét theo quy luật cung cầu. Một kýcam sành buổi sáng có giá 25.000 đồng, đến giữa trưa có thể lên 40.000 đồngvà chiều có thể xuống trở lại dưới 20.000đồng, nhưng cũng có khi ngược lại tùytheo tình hình “hút” hàng hay “đầy” hàng ở mỗi thời điểm diễn ra sự mua bán giữa các đối tác với nhau. Những ngày giáp Tết giá cả thường có sự lên xuống rất mạnh,có khi hàng giờ, mà người ta gọi là “trúng chợ” hay “bể chợ”… Nên có lúc hàng rẻ như cho, cũng có khi đắt đến ngẩn ngơ! Đến chợ nổi Cái Răng bạn có thể thưởng thức các loại trái cây đặc sản như: cam mật Phong Điền, dâu hạ châu, bưởi năm roi, quýt đường, xoài cát giá cả phải chăng. Chúng tôi ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, luồn lách trong chợ nổi để thâm nhập tìm hiểu và thưởng thức thú ẩm thực trên sông. Có đủ món: chè, cháo, cà phê, hủ tiếu, bánh lọt, bánh xèo, bánh ướt….

Tiếng rao hàng lảnh lót của các chị, các cô gái và tiếng sóng vỗ mạn thuyền, cùng với tiếng nói cười, chào mời rôm rả, xuồng ghe ngược xuôi tấp nập tạo nên mộtcảnh quan nhộn nhịp, đông vui.Những “cây bẹo” treo những mặt hàng rao bán cắm trên ghe hàng lắc lư theo những con sóng trông thật ngộ nghĩnh. Chợ nổi là hồn của sông nước, nó có từ rất xa xưa, chẳng ai biết đích xác là từ bao giờ. Chợ nổi ngày ngày vẫn diễn ra tất bật, gần như mặc định dẫu cho bao thăng trầm thế sự trôi qua với bao số phận của những con người đã buồn vui, đã gắn liền với nó."Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền… Anh có thương em thì cho bạc cho tiền…Đừng cho lúa gạo mà xóm giềng cười chê” (ca dao).Một cô gái tóc dài gần ngang lưng, da sạm nắng, nhưng trông có duyên ngầm, đội nón lá, chèo chiếc ghe nhỏ cặp sát chiếc thuyền du lịch của chúng tôi. Ghe cô bán bún riêu, món ăn bình dân có khắp hang cùng ngõ hẻm của xứ sở này. “Bao nhiêu một tô em?” – “ Dạ, sáu ngàn”. “Cho bọn anh bốn tô đi”. Cô gái nhanh nhẹn cột dây ghe lại. Đôi tay cô thoăn thoắt bỏ rau, vốc bún, đươm thịt rồi rưới nước lèobằng vá rất điệu nghệ, nhuần nhuyễn. Tô bún ngập nước, ngun ngút khói, riêu cua nổi lên. Hành phi và rau quế thơm lừng. Côcười duyên, má lúng liếng đồng tiền, nói như tâm sự khi có ai đó trong chúng tôi hỏi đến gia cảnh với ý trêu ghẹo: “Đã có một con. Nhà em ở Ba Láng. Chồng làm phu hồ. Em phải đi bán kiếm thêm… vất vả lắm mấy anh ơi!”.

Lan (cô gái)chèo ghe đi rồi. Cái dáng đầy đặn, mặn mà“lưng ong thắt đáy” của con gái đồng bằng vốn quen dãi nắng dầm sương, mặc bà ba đen, quẫy mái chèo tròng trành, rồi như chìm đắm giữa mênh mông sông nước. Bóng Lan nhòa vào không gian huyên náo của chợ nổi… Trên sông Cần Thơ, tiếng động cơ thuyền ghe tành tạch lướt sóng, chở đầy hàng hóa phăm phăm xé nước. Các tàu du lịch lớn nhỏ chở khách tham quan ngược xuôi nhộn nhịp.

Một lần đến với chợ nổi Cái Răng sẽ cho bạn nhiều ấn tượng khó quên!

Đặng Hoàng Thâm / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ nổi Cái Răng đặc trưng của sông nước miền Tây