Cho vay ngang hàng hay vay trực tuyến Peer to Peer - P2P đáp ứng được nhu cầu vay khẩn cấp của rất nhiều người dân với những những khoản vay nhỏ. Tuy nhiên hình thức này hiện tồn tại rất nhiều rủi ro và luật pháp chưa có quy định cụ thể.

Cho vay trực tuyến: Mô hình lắm rủi ro, nhiều khoảng trống pháp lý

09/10/2018, 11:38

Cho vay ngang hàng hay vay trực tuyến Peer to Peer - P2P đáp ứng được nhu cầu vay khẩn cấp của rất nhiều người dân với những những khoản vay nhỏ. Tuy nhiên hình thức này hiện tồn tại rất nhiều rủi ro và luật pháp chưa có quy định cụ thể.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng - Ảnh: Vietnamnet

Hoạt động như tổ chức tín dụng là phạm pháp

Hiện nay, có hàng chục công ty cho vay theo mô hình Peer to Peer - P2P, tức cho vay ngang hàng hay vay trực tuyến ở Việt Nam được thành lập và mỗi ngày có hàng nghìn đơn xin vay với số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức vay ngang hàng rồi lách thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay có khi lên tới 720%/năm.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, cho vay ngang hàng là một hình thức cho vay rất mới mẻ trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, hình thức này ngày càng nở rộ.

Hình thức cho vay này đáp ứng được nhu cầu vay khẩn cấp của rất nhiều người dân với những những khoản vay nhỏ. Đồng thời, việc này cũng mở ra cơ hội cho người có tiền khi số tiền nay gửi ngân hàng chỉ thu được lãi suất cực kỳ thấp nhưng cho vay qua hình thức này thì lãi cao hơn hàng chục lần.

Do đó, hình thức này bổ sung được nguồn tín dụng kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người dân, cả đi vay và cho vay.

Đáng lưu ý theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu các đơn vị này chỉ là công ty kết nối như kiểu Grab, Uber thì họ không có trách nhiệm đối với người cho vay và đi vay. Khi đó tính pháp lý thuộc về người đi vay và cho vay. Tuy nhiên, nếu các đơn vị này không chỉ kết nối, mà họ hoạt động như một tổ chức tín dụng, nhận tiền và cho vay lại ăn chênh lệch lãi suất cao thì họ đã phạm pháp.

Lý do là tổ chức tín dụng phải có giấy phép hoạt động, còn nếu không có thì tòa án phải đưa ra xử lý. Nếu không ngăn chặn kịp thời những hệ lụy thì thiệt hại khó lường.

Cũng theo ông Hiếu, hình thức cho vay này đem đến một số thuận lợi cho người vay và cho vay, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Ví dụ như ở Trung Quốc đã có rất nhiều đơn vị bị phá sản khiến người cho vay thiệt hại nặng nề.

Tại Trung Quốc, dư nợ cho vay ngang hàng tính đến cuối năm ngoái khoảng 30-40 tỉ USD và có khoảng 6.000 công ty tham gia lĩnh vực cho vay P2P. Tuy nhiên, trước sự biến tướng của hình thức này, hiện Trung Quốc đã giảm số lượng công ty kinh doanh P2P xuống con số khoảng 2.000 đơn vị.

“Ở Việt Nam chưa nghe nói đến trường hợp kiện cáo, lùm xùm nhưng đã nghe đến chuyện lãi suất cao, lên tới 700%. Có thể trên giấy trắng mực đen không quá 20% nhưng cộng các loại phí khác thì sẽ rất cao. Do đó, hình thức cho vay này không minh bạch, trong nhiều trường hợp dễ đi đến lừa đảo”, ông nói.

Cũng theo chuyên gia này, khi người đi vay không trả được nợ, họ rất dễ phải đối mặt với những hình thức đòi nợ bạo lực kiểu xã hội đen.

Luật pháp chưa... đụng tới

Đáng lưu ý, TS. Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng dù P2P rủi ro như vậy nhưng luật pháp Việt Nam hiện có “khoảng trống”, chưa có quy định về trương hợp này.

“Người cho vay nhau là cho vay với tư cách cá nhân. Ở ta, cho vay giữa cá nhân được điều chỉnh bằng Luật Dân sự, nhưng luật này lại thiếu về hoạt động cho vay. Còn nếu dùng Luật Doanh nghiệp hay Luật Các tổ chức tín dụng thì cũng không phù hợp bởi đây không phải là tổ chức tín dụng, chỉ là người dân vay với nhau”, ông Hiếu nói.

Do đó, chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần phải có những quy định về vấn đề này, thậm chí cần đưa ra Quốc hội, nâng lên tầm luật. Trước khi có luật thì Chính phủ cần đưa ra những nghị định, sắc lệnh quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến hợp đồng, lãi suất, phí, cách thức thu nợ, trả nợ, quyền lợi và nghĩa vụ của người vay và cho vay...tránh tình trạng biến tướng, gây hậu quả xấu.

“Chúng ta đứng trước 2 lựa chọn: một là cấm, hai là hợp thức hóa. Việc cấm thì gần như không thể. Vậy cần hợp thức hóa thế nào để quản lý hiệu quả, tránh này sinh nhưng hậu quả đáng tiếc cho người dân là vấn đề cần phải được tính toán kĩ lưỡng và sớm có quy định pháp lý rõ ràng”, ông Hiếu nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ở Mỹ họ quản lý cho vay ngang hàng bằng cách giao cho Ủy ban Chứng khoán làm đầu mối. Cùng với đó là việc quản lý rất chặt đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ và đó phải là công ty được cấp phép như là một công ty quản lý đầu tư, nhân viên phải được cấp giấy phép hành nghề.

Mỹ cũng đồng thời ban hành quy định để quản lý quyền lợi của nhà đầu tư, cho vay. Đó là phải đưa ra những giới hạn, không cho phép công ty trung gian được phép huy động vốn quá nhiều, giới hạn mức đầu tư của người đầu tư. Ví dụ nhà đầu tư chỉ được cho vay tương đương với thu nhập của mình, nếu họ thu nhập một tháng 20 triệu thì chỉ được phép đầu tư mức tương đương chứ không thể đầu tư gấp nhiều lần thu nhập của mình được.

Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức được rủi ro từ P2P

Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng (P2P) do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết tại Việt Nam, hoạt động P2P chưa có khuôn khổ pháp lý, quy định quản lý cụ thể để thích ứng với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, mô hình, giải pháp sáng tạo vào ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính.

Lý do một phần do P2P là một mô hình rất mới đối với Việt Nam, không thể sử dụng các quy định hiện hành về quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng để áp dụng vào mô hình mới này.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhận thức được những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của hoạt động này và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động P2P.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho vay trực tuyến: Mô hình lắm rủi ro, nhiều khoảng trống pháp lý