Trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án, thì để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã được ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, nhà đầu tư đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỉ) và chi phí xây dựng xây dựng quốc lộ 91 (khoảng 480 tỉ đồng). Dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn.
Đó là một trong những nội dung trong văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT quốc lộ 91của Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91, đoạn Cần Thơ - An Giang.
Để giải quyết các tồn tại của dự án BOT quốc lộ 91 hiện nay, chủ đầu đã kiến nghị 2 phương án. Phương án thứ nhất, chủ đầu tư đề nghị: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư cho nhà đầu tư để có nguồn trả nợ ngân hàng, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm lý của hàng trăm người lao động đang làm việc tại công ty”.
Phương án thứ 2, chủ đầu tư kiến nghị: “Trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án, để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã được ký kết giữa nhà đầu tư và Chính phủ (đại diện là Bộ GTVT), nhà đầu tư đề nghị có phương án hỗ trợ dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỉ đồng) và chi phí xây dựng quốc lộ 91 (khoảng 480 tỉ đồng). Dự án chỉ thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư”.
Dự án BOT quốc lộ 91 do Liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) làm chủ đầu tư. Theo đó, tiến hành cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 theo 2 phân đoạn theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư là hơn 1.720 tỉ đồng.
Dự án này bắt đầu thu phí từ năm 2016, thời gian thu phí hoàn vốn ban đầu là 15 năm9 tháng25 ngày. Sau đó thời gian thu phí hoàn vốn được điều chỉnh lên 34 năm4 tháng23 ngày. Tính từ năm 2016 đến ngày 31.5.2019, chủ đầu tư đã thực hiện thu phí dự án được gần 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ khi cầu Vàm Cống được khánh thành, thông xe, đưa vào khai thác sử dụng (19.5.2019) thì liên tục gặp phải sự phản ứng của các tài xế khi qua trạm thu phí T2 của dự án. Đến ngày 25.5.2019, chủ đầu tư buộc phải tiến hành xả trạm T2 cho đến nay để chờ phương án xử lý.
Thanh Nguyên