Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng ngân hàng luôn chú ý đến hình ảnh chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tốt nhưng sẽ rất khó được ngân hàng quyết định cho vay nếu chủ doanh nghiệp có điều tiếng xấu trong xã hội.

Doanh nghiệp tốt nhưng nếu chủ có điều tiếng xấu cũng khó vay vốn ngân hàng

Hoài Lam | 22/06/2023, 15:47

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng ngân hàng luôn chú ý đến hình ảnh chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tốt nhưng sẽ rất khó được ngân hàng quyết định cho vay nếu chủ doanh nghiệp có điều tiếng xấu trong xã hội.

Điều ngân hàng luôn chú ý

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME", diễn ra ngày 22.6 do báo Dân Trí tổ chức, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa đang yếu và thiếu rất nhiều mặt như vốn, năng lực quản trị, điều hành. Những doanh nghiệp khởi nghiệp đều là các bạn trẻ, chưa có kinh nghiệm quản trị nên việc rủi ro của doanh nghiệp nhỏ là rất nhiều.

“Doanh nghiệp thì muốn vay được tiền, ngân hàng thì muốn cho vay nhưng để song hành là bài toán cực kỳ khó khăn. Doanh nghiệp luôn kêu khó tiếp cận ngân hàng”, bà Ngân nêu.

Về thủ tục, bà Ngân cho rằng có những thủ tục cần nới, có những thứ cần chặt chứ không phải cái gì cũng chặt quá. Điều quan trọng nhất là phương án sản xuất kinh doanh đồng hành cùng họ. Ví dụ như người mua, người bán, ngân hàng giám sát. Ngân hàng giải ngân theo từng gói không phải kiểu vay 10 tỉ thì giải ngân 10 tỉ.

ngan.jpg
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Về lãi suất trong giai đoạn cuối quý 4/2022 và đầu quý 1/2023 tăng rất cao, doanh nghiệp chịu lãi suất lớn như vậy không dám sản xuất. Trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều rủi ro nên ngân hàng cũng phải chặt chẽ hơn trong vấn đề thủ tục, sâu sát hơn trong vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng cần có những sự đồng hành với doanh nghiệp, ví dụ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chẳng hạn.

“Ngân hàng như một trường đại học tổng hợp. Tất cả các ngành hàng nào cũng đều qua ngân hàng hết. Ngân hàng lại có bộ phận văn phòng, tín dụng rất am hiểu về chuyên môn, hỗ trợ cho doanh nghiệp để chuyển đổi. Tôi cho rằng việc ngân hàng xắn tay cùng doanh nghiệp trong thời gian qua là rất tốt”, bà Ngân nêu.

Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng OCB cho hay cần phải hướng dòng tiền của các tổ chức tín dụng vào các doanh nghiệp mà họ có năng lực tổ chức kinh doanh tốt. Do đó, việc trên thị trường các tổ chức tín dụng chọn lựa và cố gắng thu hút các khách hàng có chất lượng tốt là một điều không có gì sai cả.

Vậy thế nào là một khách hàng tốt? Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng điều này xuất phát từ chính khách hàng.

“Chúng tôi xếp hạng dựa trên năng lực về quản trị, điều hành, quản lý, tài chính và hiệu quả kinh doanh, việc khách hàng thực hiện tốt những thỏa thuận trước đây trong thỏa thuận cấp tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng... Đấy là những tiêu chí cơ bản, ngoài ra chúng tôi cũng có những tiêu chí bổ sung để thể xác định và xếp loại khách hàng”, ông Bách nêu.

toa-dam-3.jpg
Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng OCB

Ông Ngô Bình Nguyên cũng chia sẻ, thứ nhất là các doanh nghiệp nằm ở trong lĩnh vực kinh doanh và các ngành có mức độ tăng trưởng tốt được Nhà nước và Chính phủ ưu tiên. Thứ hai là các doanh nghiệp có các tiêu chí hoạt động kinh doanh lành mạnh, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh và ngành đó. Chủ doanh nghiệp có uy tín tốt, kể cả uy tín về mặt tín dụng lẫn uy tín trong các tương tác và kết nối với các đối tác trong, ngoài nước. Ngoài ra, còn là phương án kinh doanh của khách hàng có khả thi hay không.

“Nút thắt theo tôi nghĩ, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là phương án kinh doanh hiệu quả. Doanh nghiệp phải xác định nếu họ đưa ra một sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng thì họ giải quyết vấn đề gì của khách hàng? Tiếp theo, họ làm thế nào để kiếm tiền từ những cái sản phẩm, dịch vụ đó. Tức là họ phải có phương án tài chính để các sản phẩm, dịch vụ đem lại doanh thu, lợi nhuận”, ông Nguyên nêu.

Sẽ cạnh tranh để cho vay

Lý giải nút thắt này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn. Tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế là 12,2 triệu tỉ đồng đã đến mức khoảng 125% GDP của chúng ta. Đây là mức gần như cao nhất trong ASEAN, cao hơn rất nhiều so với các nước OECD.

“Chúng ta không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế nữa. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều, điều đó sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế của chúng ta tiếp tục sẽ trở thành nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đi ngược lại tất cả thông lệ tốt của quốc tế”, ông Bình nêu.

toa-dam-2.jpg
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình

Theo ông Bình, trong 12 triệu tỉ đồng ấy, các doanh nghiệp nhỏ vừa phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt với doanh nghiệp lớn và vay tiêu dùng.

“Ví dụ chúng ta chỉ cần vay khoản tiền mua một căn hộ chung cư thì cũng đã bằng khoản vay của một doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số người vay để đầu tư bất động sản cũng rất lớn chưa kể các doanh nghiệp lớn. Một tập đoàn lớn, một khoản vay của họ có thể bằng khoản vay của 10.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cộng lại”, ông Bình nêu, và cho rằng vừa qua ngành ngân hàng cũng đã cố gắng rất lớn để có thể đạt được mức khoảng 19% trong tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước đây con số này chỉ là 5 - 10%.

Một yếu tố nữa, theo ông Bình là chuẩn mực cho vay của ngành ngân hàng. Tất cả các ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực như là phải đáp ứng Basel II, Basel III. Song song với đó, ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu thì có rất nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng, tiêu chuẩn cho vay. Như vậy, tiêu chuẩn cho vay của họ bắt buộc cũng sẽ phải nâng lên.

Ngoài ra, theo ông Bình, quy định pháp luật hiện nay rất chặt chẽ với việc cho các doanh nghiệp vay, nếu không ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo đó, phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phải được thực hiện một cách rõ ràng hơn; năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp phải minh bạch. Đây là những tiêu chí đầu tiên mà ngân hàng thẩm định.

“Ngoài ra, như anh Bách nói, ngân hàng cũng sẽ chú ý đến hình ảnh của doanh nghiệp hay ông chủ doanh nghiệp đó trong cộng đồng. Doanh nghiệp có thể tốt nhưng sẽ rất khó để ngân hàng quyết định cho vay nếu ông chủ doanh nghiệp có hình ảnh xấu hay điều tiếng trong xã hội. Tất cả điều đó gắn chặt với nhau”, ông Bình nêu.

toa-dam-1.jpg
Tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME"

Dù vậy, ông Lê Duy Bình cũng nhấn mạnh rằng chiến lược cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bắt buộc các ngân hàng phải làm.

Ông Bình cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước là một thị trường cho vay rất lớn. Hiện có khoảng 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra khoảng 10 năm nữa có 1,5 triệu doanh nghiệp, đây là thị trường rất lớn. Ngân hàng nào không làm sớm chắc chắn sẽ bị chậm chân.

“Việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn sẽ là xu thế tất yếu và áp lực nội tại của chính ngân hàng là phải cho vay nhiều hơn đối với doanh nghiệp”, ông Bình nói.

Bài liên quan
Trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Cà Mau
Sáng 24.4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp tốt nhưng nếu chủ có điều tiếng xấu cũng khó vay vốn ngân hàng