Tiếp tục chương trình thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ngày 10.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội Lào khóa 9.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Người Việt Nam coi nhân dân Lào là anh em một nhà

Lam Thanh | 10/08/2021, 19:44

Tiếp tục chương trình thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ngày 10.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội Lào khóa 9.

Việt – Lào như anh em ruột thịt

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: "Thật ý nghĩa, khi tôi là vị khách quốc tế đầu tiên được phát biểu trong Hội trường mới trang trọng này trước Quốc hội khoá 9 nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng".

Chủ tịch nước cho biết trên thế giới hiếm có mối quan hệ song phương nào được lịch sử chứng minh luôn no đói, buồn vui có nhau, cùng nắm chặt tay chiến đấu, hy sinh bên nhau như quan hệ Việt-Lào.

Theo Chủ tịch nước, người Việt Nam gọi nhân dân Lào là anh em một nhà, tình thân như ruột thịt. Người dân Lào coi người dân Việt Nam là anh em gắn bó trong một gia đình. “Tôi tin rằng hiếm có mối quan hệ người dân 2 nước nào trên thế giới lại có thể tự nhiên, sâu đậm và bền bỉ như vậy”, Chủ tịch nước nói.

“Quê hương Quảng Nam của tôi là 1 trong 10 tỉnh nằm giáp với Lào, trên đường biên giới chung của 2 nước, dài trên 2.340 km. Ngày thơ ấu, những năm tháng ác liệt của chiến tranh cho đến thời bình, các vị lãnh đạo tiền bối của cách mạng Lào là thần tượng của nhiều thanh niên lứa chúng tôi”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước cho biết hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng cháy bỏng của mọi quốc gia, dân tộc. Song, thế giới và khu vực đang trải qua những chuyển biến cơ bản, nhanh chóng chưa từng có. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang tàn phá nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực còn bấp bênh, đi kèm nhiều rủi ro.

Chủ tịch nước chia sẻ, tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng và những thành tựu hợp tác vừa qua, chúng ta hiểu rằng trụ cột quan hệ chính trị sẽ tiếp tục là định hướng tổng thể quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong thời gian tới.

Kế thừa truyền thống cách mạng vững chắc, quan hệ chính trị của hai nước được soi sáng bởi tư tưởng của hai vị lãnh tụ vĩ đại - Hồ Chí Minh và Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn mỗi nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Tiếp theo, sự ủng hộ của Quốc hội hai nước sẽ là điểm tựa pháp lý vững chắc cho sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, các tổ chức xã hội và phát huy sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân hai nước.

Trên cơ sở nền tảng quan hệ chính trị tin cậy vững chắc, 2 nước cần phát huy truyền thống luôn kề vai sát cánh, phối hợp chặt chẽ trong việc củng cố quốc phòng, an ninh. Theo đó, cùng giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, kịp thời ngăn chặn mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", chống phá, chia rẽ quan hệ hai nước.

nxp.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội Lào - Ảnh: TTXVN

Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên coi giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác chiến lược, mang tính “đột phá”, không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển của mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó và đoàn kết giữa hai nước.

Theo đó, Việt Nam sẵn sàng mở rộng hỗ trợ Lào đào tạo nguồn nhân lực cả dài hạn và ngắn hạn với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đa dạng. Bên cạnh việc tăng số lượng và chế độ học bổng, trong thời gian tới hai bên cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng tuyển sinh, giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường Lào.

Phải hợp tác với nhau để cùng giàu mạnh lên

Chủ tịch nước cũng cho biết một vấn đề quan trọng là phải nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước. “Không thể mãi nghèo, chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giàu lên”, Chủ tịch nước nêu.

Việt Nam mở cửa thị trường 100 triệu dân cho hàng hóa, nông sản của Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại đạt hơn 670 triệu USD, tăng 37%, trong đó Lào xuất 330 triệu USD, tăng gần 40%. Việt Nam đang mua điện của Lào với quy mô lớn, sẽ đạt đến 5.000 MW vào 2030...

Chủ tịch nước đề nghị cả Việt Nam và Lào cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển. 2 nước cùng hợp tác trong ASEAN, Hiệp định RCEP; thêm vào đó, Việt Nam đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do với ưu đãi cao, quy mô lớn như CPTPP với Nhật, Canada, Úc… EVFTA với 27 nước EU phát triển.

“Khi chúng ta hợp tác, hàng hóa, dịch vụ của Lào và Việt Nam cùng có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn này, đa dạng hóa đối tác. Cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ phát triển mạnh, đất nước độc lập, giàu mạnh, người dân no ấm, hạnh phúc”, Chủ tịch nước nêu.

Để mở rộng không gian phát triển như trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông... với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông - Tây, kể cả đường bộ, đường sắt, đường ống nhiên liệu…

Hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng nào của Việt Nam. Khởi đầu hợp tác này là hình thành Cảng quốc tế Lào - Việt, do Lào nắm cổ phần đa số, tại miền Trung, Việt Nam.

Theo đó, từ nước không có biển, hợp tác với Việt Nam, Lào có thể thẳng tiến ra biển đi tới các thị trường khu vực, thế giới rộng lớn, Lào trở thành một trung tâm logistic khu vực. Phải chăng, đó là một tiền đề để Lào phát triển nhanh, bền vững và tự chủ?

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rằng: Chúng ta không thể đứng ngoài chuyển động của kinh tế số toàn cầu. Hai nước cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, số hóa các dịch vụ, nâng tầm nền kinh tế trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Phát triển bền vững phải dựa trên phát huy nội lực. Hai nước có một điểm tương đồng rất lớn là cùng có tiềm năng to lớn về nông nghiệp. Theo đó, cần hợp tác phát triển đa dạng trên quy mô lớn nông nghiệp xanh, công nghệ cao, thực phẩm sạch… để vừa bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo vừa tăng cường xuất khẩu, phát triển tự chủ, bền vững”, Chủ tịch nước nêu.

“Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, điều kiện tự nhiên từ muôn đời nay như đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước, hai dân tộc. Như lời thơ của Vi-lay-Kẹo-ma-ni trong bài thơ "Hai anh em sinh đôi": "Anh ở bên kia, tôi bên này - Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ", đó là gắn kết tự nhiên mãi mãi, muôn đời, cùng chia sẻ, cùng tiến lên giàu mạnh”, Chủ tịch nước nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Người Việt Nam coi nhân dân Lào là anh em một nhà