Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội dẫn câu “cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như đi cầu thang không có tay vịn”.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, ngày 25.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chú ý bảo hiểm nông nghiệp
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lời câu so sánh “cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như là đi cầu thang mà không có tay vịn”. Do đó, sau hơn 20 năm, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm của chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết dư địa để phát triển thị trường bảo hiểm trong nước còn nhiều, cả về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô, cũng như các hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm. Thời gian qua, tăng trưởng ở lĩnh vực này tương đối tốt và còn nhiều tiềm năng. Do đó, tháo gỡ vướng mắc của thị trường bảo hiểm là một việc rất quan trọng để phát triển thị trường vốn.
Mặt khác, theo Chủ tịch Quốc hội, xét về mặt sản phẩm, hàng hóa thì bảo hiểm là một loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Trong khi đó, các văn kiện đại hội Đảng đều nhấn mạnh vào việc thực hiện tốc độ tăng dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào những loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học công nghệ…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về bảo hiểm vi mô trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết nước ta là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay bù đắp thiệt hại do thiên tai còn nặng về sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong nhân dân.
Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm cho lâm nghiệp, ngư nghiệp gần như chưa có. Đối với bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi thì được làm thí điểm theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, song thực tế triển khai rất khó khăn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời kỳ triển khai thí điểm sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp lại diễn ra đúng thời kỳ rủi ro khi có dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng. Khi áp dụng mô hình này đã không đủ sức để đền bù cho thiệt hại do dịch bệnh trên. Từ đó việc triển khai thí điểm không còn được phát triển mà lụi dần đi.
“Mặc dù dự thảo luật đã có tiếp thu nhưng nội dung về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường này trong thời gian tới. Khi có thiệt hại do thiên tai, bão lũ, bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của Nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, khó trong tính toán phí bảo hiểm... nhưng khó cũng phải làm để phát triển mạnh bảo hiểm trong lĩnh vực này theo tiến bộ của thế giới và làm cho người nông dân yên tâm khi có bệ đỡ là bảo hiểm. Nếu có rủi ro, tổn thất, thiệt hại, người nông dân hoàn toàn có thể khôi phục lại được sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, dân mình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trong đó có cả bảo hiểm tài sản, kể cả bảo hiểm liên quan đến thời tiết, cũng cần được tính toán đến.
Không để cả thị trường chờ văn bản hướng dẫn
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở luật gốc là Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường số, môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.
Về thời điểm có hiệu lực của luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề nghị lấy mốc thời gian là 1.7.2023. Chủ tịch Quốc hội cho rằng giải trình của Chính phủ về vấn đề này không thuyết phục. Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay không có lý do gì để kéo dài thời gian có hiệu lực của luật.
“Nếu phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành thì Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện, không để tình trạng luật ban hành xong lại để cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản hướng dẫn đã phải được trình Quốc hội kèm theo dự thảo luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thể lấy lý do không ban hành kịp văn bản hướng dẫn để chậm trễ áp dụng luật được, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa phải phòng chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, việc có một luật mới được ban hành có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.