"Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của bộ, ngành, địa phương mình, không để EC áp dụng 'thẻ đỏ', sớm tháo gỡ cảnh báo 'thẻ vàng', đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, tái cấu trúc ngành thủy sản nói chung", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Tháng 1.2019 EC mới gỡ "thẻ vàng"?
Ngày 3.8tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành ven biển để chỉ đạo các giải pháp quản lý tàu cá khai thác hải sản trên biển và lộ trình tháo gỡ “thẻ vàng” mà hiện nay Đoàn thanh tracủa Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa gỡ bỏ.
Theo Bộ NN-PTNN, sau hơn 8 tháng dính “thẻ vàng”, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình hình. Đó là cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong luật Thủy sản năm 2017; tích cực tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU; tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ...
Trong đợt kiểm tra từ ngày 16 đến 24.5 vừa qua, Đoàn thanh tra EC đã ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ NN-PT-NT trong triển khai các hành động chống khai thác IUU.
Theo kế hoạch vào tháng 10 tới, Đoàn nghị viện Châu Âu gồm 30 thành viên, trong đó có 8 nghị sĩ sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam và đến tháng 1.2019, Đoàn thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của này, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do đặc điểm của nghề khai thác hải sản là nghề cá nhân dân, chủ yếu là các tàu cá của cá nhân, hộ gia đình tham gia nên hoạt động khai thác nhỏ lẻ, không theo tổ chức quy củ, phần lớn ngư dân làm nghề truyền thống, nhận thức và việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế.
"Những đặc điểm này đã gây ra hậu quả tiêu cực như khai thác tận diệt, khai thác hải sản cấm đánh bắt, xâm phạm vùng biển nước ngoài... Đặc biệt là việc ngư dân đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Việt Nam và quan hệ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", ôngnói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh việc EC cảnh báo “thẻ vàng” là nguy cơ cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU và các thị trường khác, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
"Nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả, ngành thủy sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi EC nâng mức từ 'thẻ vàng'lên 'thẻ đỏ'. Khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống ngư dân và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm
Phó thủ tướng yêu cầu trước mắt là phải triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản để phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.
Từ đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PT-NT, các bộ, ngành trung ương, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.
Theo đó, các nội dung quan trọng cần chú ý là hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung, và các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng; xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; xử lý nghiêm các tàu cá có dấu hiệu khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tham mưu các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hải sản; cùng các bộ phối hợp, có thông tin với các tổ chức, đối tác thương mại quốc tế hiểu rõ hơn về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; tham mưu hoạch định các giải pháp, biện pháp để ứng phó với những rào cản thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hàng của Việt Nam.
"Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của bộ, ngành, địa phương mình, không để EC áp dụng 'thẻ đỏ', sớm tháo gỡ cảnh báo 'thẻ vàng', đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của quốc tế; đồng thời tái cấu trúc ngành thủy sản nói chung", Phó thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho biết: "Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không ngăn chặn được tình trạng vi phạm tại địa phương".
Phó thủ tướng tái khẳng định, một nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng đánh bắt cá trái phép là do nguồn lợi thủy sản vùng biển của Việt Nam bị khai thác quá mức; trình độ, chất lượng lao động ngành thủy sản, ngư dân còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh những nhiệm vụ cấp bách nêu trên, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế mà ngành thủy sản có vai trò quan trọng. Trong đó phải tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để phát triển kinh tế ven biển gắn với đào tạo nghề cho người dân vùng ven biển để chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân, từ đó giảm áp lực cho việc khai thác hải sản.
"Dođó, bên cạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản, thì nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tạo thêm việc làm cho ngư dân, mở rộng không gian lao động sản xuất cho người dân", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lam Thanh