Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, các trường hợp tái chiếm vỉa hè thì thành phố sẽ có biện pháp xử lý. Sắp tới, thành phố sẽ có cuộc họp đánh giá lại vấn đề này và phải có lộ trình, chứ không làm theo kiểu chiến dịch, xong rồi thôi.

Chủ tịch TP.HCM: 'Dẹp vỉa hè không phải làm theo kiểu phong trào, chiến dịch’

Phan Diệu | 07/12/2017, 05:31

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, các trường hợp tái chiếm vỉa hè thì thành phố sẽ có biện pháp xử lý. Sắp tới, thành phố sẽ có cuộc họp đánh giá lại vấn đề này và phải có lộ trình, chứ không làm theo kiểu chiến dịch, xong rồi thôi.

Chiều 6.12, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thay mặt UBND TP.HCM trả lời các vấn đề mà đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra tại phiên chất vấn.

Thành phố rất quyết liệt trong việc dẹp vỉa hè

Đề cập về công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lo lắng bởi sau hơn 10 tháng thành phố triển khai quyết liệt việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng hiện nay tình trạng tái chiếm vẫn diễn ra.

"Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhiều lần khẳng định địa phương nào để tình trạng tái chiếm xảy ra thì xử lý nghiêm người đứng đầu. Vậy ông đánh giá lại thực trạng này hiện nay như thế nào? Có phải thiếu một kế hoạch tổng thể trong chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè? Giải pháp gì giải quyết bền vững, tạo được sự đồng thuận của người dân? Thành phố đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào chưa khi để vỉa hè bị tái lấn chiếm?", đại biểu Trâm chất vấn.

Trả lời vấn đề này, ông Phong cho biết, UBND TP.HCM rất quyết liệt trong vấn đề này. Sau kỳ họp HĐND thường kỳ, UBND TP.HCM sẽ chủ trì cuộc họp để đánh giá tổng thể lại vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, cũng như công tác sắp xếp lại lòng đường, vỉa hè để có những giải pháp triển khai có hiệu quả theo hướng phải hết sức kiên trì, đeo bám việc này.

“Về cơ sở pháp lý chúng ta đã đầy đủ, nhưng không thể làm theo kiểu phong trào, chiến dịch”, ông Phong nói.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, vừa qua, UBND TP.HCM đã giao cho chủ tịch UBND các quận huyện để xác định rõ phương án tổ chức, sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường như thế nào cho phù hợp với điều kiện từng nơi và có giải pháp đeo bám để giải quyết một cách có hiệu quả tình hình này. Riêng trường hợp tái chiếm phải có biện pháp xử lý. Sắp tới, thành phố sẽ có cuộc họp đánh giá lại vấn đề này và phải có lộ trình, chứ không làm theo kiểu chiến dịch, xong rồi thôi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn trong buổi họp ngày 6.12 - Ảnh: Phan Diệu

Xử lý người đứng đầu nếu trẻ bị bạo hành

Trả lời về các ý kiến liên quan đến đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố đã tăng cường đầu tư hỗ trợ giáo dục mầm non, huy động vốn đầu tư xây dựng mầm non công lập. Thành phố đã phê duyệt 14 dự án trường mầm non tham gia chương trình kích cầu, tổng mức đầu tư là 916 tỉ đồng; 81 dự án tham gia chương trình huy động vốn đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng mức đầu tư 4.339 tỉ đồng.

Ngoài ra, TP.HCM đưa việc sửa chữa, mở rộng, xây mới các trường mầm non vào chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ toàn bộ lãi vay với số vốn vay lên tới 100 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn TP.HCM có thêm 240 phòng học mới cho trẻ mầm non. Hiện nay, thành phố cũng có 1.200 trường mầm non với 15.500 phòng học. Trong đó, tại 9 quận huyện tập trung khu chế xuất, khu công nghiệp có 600 trường, chiếm 50% tổng số trường.

Nhờ vậy, công tác giáo dục mầm non phát triển liên tục một cách tích cực, chất lượng nuôi dạy trẻ nâng cao. Mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình phát triển rộng, góp phần giảm quá tải cho hệ thống công lập.

Tuy nhiên, công tác quản lý các trường mầm non lại chưa chặt chẽ, thiếu giám sát. Tương tự, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, phẩm chất cho đội ngũ giáo viên chưa kịp thời; dẫn đến một số hành vi ngược đãi trẻ em gây bức xúc.

Do đó, ông Phong đề nghị thành phố tiến hành rà soát hệ thống mầm non tư thục về cả chất lượng từ nay đến ngày 30.1.2018. Qua đó, xem xét trường, nhóm trẻ nào chưa được cấp phép thì hỗ trợ các trường đăng ký giấy phép. Đặc biệt, thành phố sẽ kiên quyết đình chỉ những trường không đủ tiêu chuẩn và sẽ kiến nghị lắp camera giám sát tại các trường, nhóm trẻ tư thục.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý, ông Phong cũng yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra công tác chăm sóc, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Các cơ quan chức năng thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về những nơi giữ trẻ có phép lẫn không phép để phụ huynh lựa chọn.

“Tới đây, thành phố sẽ xem xét xử lý kỷ luật người đứng đầu phường xã, quận huyện nếu để xảy ra bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em tại địa phương mình”, ông Phong khẳng định.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch TP.HCM: 'Dẹp vỉa hè không phải làm theo kiểu phong trào, chiến dịch’