Nhiều cử tri ở Cần Thơ khi tiếp xúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã phản ánh về các Trạm BOT tại đây.

Chủ tịch Quốc hội giải thích về các Trạm BOT ở Cần Thơ

Văn Vĩnh | 06/12/2017, 17:18

Nhiều cử tri ở Cần Thơ khi tiếp xúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã phản ánh về các Trạm BOT tại đây.

Cử tri Phạm Đăng Tình đã dẫn chuyện về BOT Cai Lậy trong những ngày qua, để nói về Trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp. Cử tri Tình cho rằng, nhà đầu tư chỉ cải tạo trên mặt đường hiện hữu nhưng thu phí rất cao. Do đó, ông đề nghị thanh tra xem có lợi ích nhóm hay không? Ngoài ra, ông cũng đề nghị miễn phí 100% cho các phương tiện gần trạm thu phí trong bán kính 5-7km...

Đó là ý kiến được đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri P.Ba Láng, Q.Cái Răng, của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ do Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân dẫn đầu. Trước đó, khi bà Ngân tiếp xúc cử tri tại H.Phong điền (TP.Cần thơ) vào chiều qua - 5.12, một số cử tri cũng đặt vấn đề về các Trạm BOT trên quốc lộ 1 này.

Cụ thể, cử tri Trang Hữu Thu (H.Phong Điền) góp ý, BOT trên quốc lộ 1 đặt ở P.Ba Láng, Q.Cái Răng, từ P.Ba Láng đến TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) đoạn đường có 25km mà thu phí thấp nhất 25.000 đồng, cao nhất 180.000 đồng.

Từ TX.Ngã Bảy đến trung tâm H.Châu Thành (Sóc Trăng) là 20km, không làm gì! Từ H.Châu Thành tới cầu Trà Canh (Sóc Trăng) làm có 12km và đặt trạm thu phí cho đoạn này với giá thấp nhất 25.000 đồng, cao nhất 140.000 đồng. 2 trạm này cách nhau chưa tới 50km...

Về BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, Phó giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, trạm này bắt đầu thu phí từ tháng 4.2016 và thu phí 4 loại xe. Mức phí từ 35.000 – 200.000 đồng/lượt.

“Về quá trình miễn giảm phí cho trạm này thì ngày 18.8, Sở GTVT có nhận đơn của 13 doanh nghiệp yêu cầu có chính sách miễn giảm qua trạm này. Ngày 1.9, Sở GTVT TP.Cần Thơ đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ xem xét”, ông Dũng nói. Và ngày 14.9, Sở GTVT và nhà đầu tư có buổi tiếp xúc để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, cũng như các đề xuất để miễn giảm.

Ông Dũng cho biết, đến ngày 19.9, Tổng cục Đường bộ có văn bản hướng dẫn về chính sách miễn giảm cho trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. “Ngày 21.9, UBND TP.Cần Thơ chính thức có văn bản gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ về việc miễn giảm cho doanh nghiệp.

Ngày 12.10, Tổng cục Đường bộ, UBND TP.Cần Thơ, Hậu Giang và nhà đầu tư đã ngồi lại để xem xét chính sách miễn giảm, cũng như đưa ra 1 số phương án. Ngày 6.11, Tổng cục Đường bộ đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ GTVT có chính sách miễn giảm”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, chính sách miễn giảm cụ thể, ở vùng lân cận là P.Ba Láng (Q.Cái Răng) và xã Tân Phú Thạnh (Hậu Giang), các xe sẽ được miễn giảm 50%. Còn các phương tiện lưu thông qua trạm này sẽ được miễn giảm chung từ 10-20%.

Ngày 4.12, Tổng cục Đường bộ, UBND TP.Cần Thơ, Hậu Giang, nhà đầu tư đã họp lại lần cuối và trình phương án miễn giảm chung như sau: thứ nhất, các phương tiện lưu thông qua trạm này đều được miễn giảm từ 10 -15%,còn từ 30.000 – 180.000 đồng.

Còn đối với vùng lận cận sẽ giảm 35% so với miễn giảm chung, cụ thể giảm còn từ 20.000 – 130.000 đồng.

“Tờ trình dự thảo này đang được Tổng cục Đường bộ trình Bộ GTVT. Về phía Sở GTVT TP.Cần Thơ đã tập hợp đầy đủ và đề xuất 296 xe miễn giảm qua trạm thu phí này”, ông Dũng nói .

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong việc thực hiện chủ trương này, có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở chỗ đặt trạm thu phí ở đâu, mức thu phí như thế nào, thời gian thu phí ra sao.

"Nó có vấn đề chưa hợp lý ở một số dự án thôi. Tôi ví dụ như ở Cai Lậy có những vấn đề cần phải xem xét điều chỉnh. Chứ chúng ta không nên đánh giá BOT là sai, là xấu, là không đúng. Nói như thế chúng ta không huy động được nguồn lực. Mà chờ nhà nước có tiền đầu tư thì còn lâu lắm" - bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, chủ trương BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nắm và tiến hành giám sát chuyên đề về chủ trương, đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao, tức là BOT.

“Chủ trương đầu tư BOT rất đúng đắnđể huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Thúc đẩy xây dựng các công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển KT - XH của địa phương, vùng hay cả nước. Thực tế cho thấy nhiều công trình đầu tư theo hình thức BOT đã sử dụng và phát huy được hiệu quả của mình”, bà Ngân nói.

“Nếu không có BOT thì làm gì tới năm 2021 chúng ta thông tuyến cao tốc Bắc - Nam. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có tiêu chí chọn nhà đầu tư và làm đường mới hay làm trên nề cũ.Chứ quốc lộ 1 này người ta đang đi, nộp phí giao thông đường bộ mà anh rải thảm chất nó lên rồi đặt trạm và anh không miễn phí cho các hộ dân, doanh nghiệp xung quanh đó là bất hợp lý”, bà nói thêm.

Quốc hội đã yêu cầu Bộ GTVT tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, cơ sở làm theo hình thức BOT, cũng như có biện pháp để xử lý những vướng mắc, ví dụ như Trạm BOT Cai Lậy.

“Tất cả giải pháp đã có nhưng tôi mong muốn bà con nhận thức như thế này, BOT là chủ trương đúng. Chúng ta cần huy động 1 lượng tiền trong điều kiện ngân sách còn quá hạn hẹp. Doanh nghiệp có tiền thì người ta bỏ tiền vào đầu tư nhưng đặt trạm ở chỗ nào, mức thu phí ra sao, thời gian thu hồi vốn thế nào… phải hợp lý và công khai cho dân biết. Tôi nghĩ nếu được như thế dân sẽ đồng thuận rất cao”, bà Ngân nhấn mạnh.

Trả lời cử tri về vụ VN Pharma có chìm xuống không? Chủ tịch Quốc hội khẳng định vụ việc này không chìm xuống và đang được điều tra bổ sung, sau đó sẽ được đưa ra xét xử trở lại.

Thanh Ngọc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội giải thích về các Trạm BOT ở Cần Thơ