Liệu pháp “chữa lành” đang diễn ra nhan nhản khắp nơi, thật giả, thực hư khó phát hiện. Chưa bao giờ vấn đề “chữa lành” bị nói nhiều, thuyết giảng nhiều và đưa ra mua bán nhiều như bây giờ.
Thế giới gia đình

‘Chữa lành’ - một hoạt động bị biến thành tệ nạn

Tú Viên 17:48 30/01/2024

Liệu pháp “chữa lành” đang diễn ra nhan nhản khắp nơi, thật giả, thực hư khó phát hiện. Chưa bao giờ vấn đề “chữa lành” bị nói nhiều, thuyết giảng nhiều và đưa ra mua bán nhiều như bây giờ.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần tăng lên trong cộng đồng nhằm giúp con người làm dịu những bất an trở nên cần thiết. Nắm bắt nhu cầu đó của xã hội, nhiều dịch vụ "chữa lành" được tạo ra. Thế nhưng, nó đang bị lạm dụng một cách quá đà. Những đào tạo khám phá lỗi tiềm thức, chữa lành đồng hành trị liệu tâm lý, khai thông mọi tắc nghẽn tinh thần và vật chất, tarot khám phá sự thật ẩn giấu bên trong… đang xuất hiện nhan nhản, kèm theo đó là những lời mời chào tham gia dịch vụ. Chi phí có thể từ vài trăm ngàn cho việc xem bói bài tarot đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng cho những khóa học chữa lành do các chuyên gia tự xưng đứng lớp.

Sự bùng nổ các khóa học núp dưới việc chữa lành, khai mở thế giới nội tâm, nhất là với hình thức trực tuyến hiện nay mang tính chất tự phát, ăn theo trào lưu, chưa có sự kiểm soát, cho phép của cơ quan chức năng nên dẫn đến tình trạng bát nháo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều người do cả tin, không tìm hiểu kỹ nên đã nghe theo những lời mời chào ngon ngọt của các “dịch vụ chữa lành” để rồi tiền mất tật mang, những vấn đề tâm lý của bản thân không những không được tháo gỡ mà lại chất chồng thêm nhiều ưu phiền, bế tắc.

12052020_103458.jpeg
Nhiều người đã tiền mất tật mang vì theo những khóa học "chữa lành" được quảng cáo nhan nhản trên mạng

Theo Facebooker Hoàng Nguyên Vũ, những người rao bán thứ gọi là “chữa lành” ấy, không phải bác sĩ tâm lý, không có chuyên môn tâm lý hay tâm thần, hay bất cứ logic nào, mà chỉ giỏi thao túng tâm lý. Họ có một công thức chung: phải nổi tiếng (nổi tiếng sẵn hoặc bằng mọi cách nổi tiếng trên mạng xã hội); tự huênh hoang khoác phong cách sang chảnh hoặc thậm chí thượng lưu, thành lập những câu lạc bộ sang giàu hay phong cách sống gì đó để tạo niềm tin, dễ dàng lôi kéo và dẫn dắt "con mồi".

Ở nhiều quốc gia, để có thể tham gia hoạt động tư vấn tâm lý, người nào đó phải được đào tạo chuyên sâu nhiều năm, thậm chí phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên ngành, chứ không chỉ được đào tạo ở bậc đại học. Người đó cũng cần có nhiều giờ thực nghiệm thực tế trước khi chính thức được hoạt động tư vấn tâm lý. Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, ngoại trừ hoạt động của các bác sĩ tâm thần, chưa có quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp là tư vấn tâm lý.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm (Đoàn Luật sư TP.HCM) khuyến cáo, khi có nhu cầu tham gia các khóa chữa lành, mọi người cần phải xác minh chất lượng khóa học, uy tín người dạy bằng nhiều cách như: Tìm kiếm trên mạng thông tin về người đứng lớp và đơn vị tổ chức; đề nghị công khai bằng cấp, chứng chỉ, lý lịch khoa học; xác nhận độ uy tín đa chiều thông qua người quen, các nhà chuyên môn uy tín. Nếu thấy bất cứ dấu hiệu mập mờ hoặc hành vi xấu liên quan đến việc “chữa lành” cần tố giác ngay đến các cơ quan chức năng.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng “chữa lành” không phải là một phương pháp chữa bệnh vì cái mà nó chữa không phải bệnh. Như người có dấu hiệu bệnh tâm thần (động kinh, hoang tưởng…), hoặc rối loạn tâm thần (trầm cảm, stress, lo âu) phải do các bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề khám, chẩn đoán và điều trị bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Ông Quang cũng cho hay, hiện nay nở rộ các lớp “chữa lành”, thậm chí có người còn mạo nhận là chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, thu tiền giá cao. “Chữa lành” không còn đơn lẻ nữa mà trở thành trào lưu, nếu tiếp tục để nó tự phát nở rộ mà không có biện pháp quản lý, sẽ gây nhiều ảnh hưởng và hệ luỵ cho người dân. Cần phải quản lý hoạt động này với sự xem xét của nhiều bộ, ngành. Chẳng hạn, Ban Tôn giáo chính phủ phải xem các lớp “chữa lành” tự mở có phải của một giáo phái nào không; Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý về văn hóa vì có yếu tố liên quan đến tâm linh xem có ảnh hưởng đến tự do tín ngưỡng hay không; Bộ Công an phải xác định xem những hành vi này có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lừa đảo hay không... để có hướng giải quyết.

“Các bộ ngành phải cùng vào cuộc xem xét xác định nó là loại hình nào để cùng phối hợp quản lý. Vấn đề này cần phải có sự quản lý để làm lành mạnh xã hội. Sau khi xem xét, nếu phương pháp “chữa lành” mang tính tích cực thì phải đưa vào quản lý, còn nếu mang lại quả tiêu cực thì cần phải loại bỏ”, TS Nguyễn Huy Quang đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Chữa lành’ - một hoạt động bị biến thành tệ nạn