Sau sự cố cháy nổ với những hậu quả khủng khiếp xảy ra tại chung cư Carina, nhiều người sống tại chung cư mới bắt đầu quan tâm hơn tới bảo hiểm cháy nổ. Nhiều cư dân bắt đầu chú ý tới việc chung cư mình đang sống đã được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ hay chưa.
Dẫn số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huyền -Phó Cục trưởng Cục Quản lý phụ tráchgiám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay trên toàn quốc có 43.693 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (chiếm 56% tổng số cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ). Trong đó, có rất nhiều chung cư dù đã đưa người dân vào sinh sống đã lâu nhưng vẫn chưa hề mua bảo hiểm cháy nổ.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Cảnh sát PCCC thành phố, tính đến ngày 4.4 vừa quamới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng mua bảo hiểm cháy, nổ. Trong số 179 chung cư cao tầng đã thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ, có khoảng hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp.
Ông Huyền cho biết theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15.4 tới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Cụ thể, đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ sẽ phải đóng phí bảo hiểm 0,05%/năm. Các loại nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) sẽ phải đóng phí bảo hiểm phòng chống cháy nổ bắt buộc lên đến 0,1%/năm.
Ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định 23, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.
Song, ông Huyền cũng cho biết cơ sở nào chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, không có biên bản hoặc biên bản quá 1 năm về kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy... sẽ không đủ điều kiện để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Còn trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Tuyết Nhung