Sáng 22.11.2016, một lượng lớn bao cao su, băng vệ sinh đã được phát hiện nổi trắng mặt hồ Linh Đàm. Sự kiện diễn ra ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến khiến nhiều người phải đỏ mặt xấu hổ và lắc đầu ngao ngán…

Chuyện bao cao su trắng hồ và dây thần kinh xấu hổ…

27/11/2016, 09:24

Sáng 22.11.2016, một lượng lớn bao cao su, băng vệ sinh đã được phát hiện nổi trắng mặt hồ Linh Đàm. Sự kiện diễn ra ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến khiến nhiều người phải đỏ mặt xấu hổ và lắc đầu ngao ngán…

Công nhân môi trường dọn dẹp bao cao su, băng vệ sinh nổi trắng hồ Linh Đàm sáng 22.11

Quả thật, ngay cả các ông Tây chuyên làm “chuyện bao đồng” dọn rác như ông Kendall hay ông Benjamin, người phát hiện và đưa các hình ảnh trên lên mạng, cũng phải thấy… xấu hổ thay cho dân ta. Bao cao su hay băng vệ sinh, chỉ việc đề cập trong câu chuyện thôi đã là chuyện tế nhị đối với người Á Đông, thế mà nay lại có thể “trơ trẽn” nổi lềnh bềnh khi đã dùng rồi, trên một mặt hồ công cộng có cái tên khá “thiền phật” Linh Đàm…

Nếu để liệt kê ra hết thói tật của “Người Việt xấu xí” trong thời nay thì phải kể trước tiên đến ý thức kém cỏi trong việc xả rác, xả thải và cao hơn là bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực này, phải thừa nhận là nước ta lạc hậu rất xa so với sự phát triển chung của thế giới.

Rác ngập khắp nơi, dù đó có là các đô thị văn minh hay chốn thôn quê đồng ruộng, từ các con sông con suối cho đến bờ biển, đảo xa. Cách đây khoảng nửa năm, dường như các du khách phương Tây cảm thấy cần phải “đồng lòng” dạy cho dân ta một “bài học vệ sinh” nên đồng loạt “ra quân” dọn rác, từ Hà Nội đến TP.HCM, để làm gương.

Một thống kê mới đây của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Tổng cục Quản lý môi trường Bộ Y tế cho biết là có khoảng năm triệu người còn phóng uế bừa bãi, có nghĩa là cứ hễ có 20 người Việt thì có một người thường xuyên thích cái thú “Nhất quận công, nhì ị đồng”!

Theo cơ chế tự nhiên, đương nhiên mỗi con người là một “nhà máy xả thải”. Tuy nhiên, chính ý thức là nơi mỗi một người quyết định nơi xả thải cho mình. Chỉ cần ra ngõ là chúng ta có thể gặp những… “anh hùng xả thải”: vất rác bừa bãi, khạc nhổ trên đường, tiêu tiểu bậy bạ, thậm chí đến những thùng nước bẩn, những con chuột chết cũng bị vất ra đường để cho xe cộ làm cái công việc “chế biến khô chuột” cực kỳ dơ bẩn…

Còn đối với các nhà máy xả thải “thứ thiệt” thì ta có cả lô cả lốc, trong đó tiêu biểu hơn cả là vụ Formosa gây chấn động trong thời gian qua.

Phát triển thì ì ạch, nhưng huỷ hoại môi trường thì nước ta lại thuộc hàng “thứ dữ” của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức bảo vệ động vật thế giới chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội thảo chống buôn bán động vật hoang dã. Thái tử nước Anh là William không phải qua chơi trong dịp vừa qua mà để dự hội thảo ấy và đưa ra những thông điệp kêu gọi bảo tồn động vật hoang dã.

Không chỉ tàn phá các khu rừng mưa nhiệt đới, tiêu diệt các loài động vật quý hiếm trong nước mà Việt Nam còn “xuất khẩu” thói huỷ hoại môi trường sang các nước châu Phi. Theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế thì Việt Nam là nơi mà vì nó hàng ngàn con voi và tê giác châu Phi bị tiêu diệt để lấy ngà, sừng, vì là một nơi trung chuyển ngà voi cho các khách hàng của Trung Quốc và Mỹ, đồng thời là nơi tiêu thụ sừng tê đứng đầu trên thế giới! Mới đây, nước ta phải tiêu hủy hơn hai tấn ngà voi và 70 ký sừng tê nhập lậu để thể hiện thiện chí bảo tồn.

Tư duy “săn bắt hái lượm” dường như vẫn còn đậm nét ở nước ta nên ngay cả các phương tiện truyền thông, khi hay tin một ngư dân nào đó đánh bắt được cái loài cá thuộc dạng sách đỏ, vẫn đồng loạt đưa tin chụp ảnh và “chúc mừng” những người ngư dân này như thể họ được “lộc trời” như ngày trước.

Luật lệ đầy đủ, thậm chí có cả lực lượng cảnh sát môi trường thế nhưng những vụ hủy hoại môi trường chẳng mấy thấy bị ra toà, xử phạt. Ngày nay, trên rừng dưới biển thì hiếm, nhưng những “sơn hào hải vị” động vật quý hiếm hay các loài gỗ quý được bày bán hầu như công khai ở các nhà hàng “hương rừng”, “hương biển”, trong các cửa hàng đồ nội thất.

Mới đây, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã phát hiện một trung tâm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã rất lớn ở làng Nhị Khê, Hà Nội, nơi theo điều tra có lượng sản phẩm ước tính lên đến 50 triệu đô la Mỹ, trong đó riêng sừng tê đã là 579 chiếc!

Dường như nhiều người ở nước ta có suy nghĩ là chuyện bảo vệ môi trường là chuyện của… người khác, của những người giàu, của những nước giàu, của những ông Tây nào đó chứ chẳng phải chuyện của mình. Họ không biết là các triết gia môi trường đã có một “tổng kết” theo kiểu “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”: cây chết, rồi người cũng chết…

Vấn đề có lẽ là ở ý thức lẫn môi trường. Người Việt thường xả rác ở trong nước nhưng khi đi sang các nước có luật lệ nghiêm khắc như Singapore thì cũng nhất nhất chấp hành luật lệ. Do vậy, trước hết có lẽ là luật lệ nghiêm khắc rồi mới đến ý thức, đến sự kích thích, phục hồi những “dây thần kinh” tự trọng, xấu hổ, như trong vụ bao cao su nổi trắng hồ Linh Đàm…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện bao cao su trắng hồ và dây thần kinh xấu hổ…