Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, đã cảnh báo về COVID-19 kéo dài trong một cuộc họp báo. Ông nói rằng có một số triệu chứng liên quan mà mọi người cần lưu ý.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ cảnh báo về tình trạng hậu COVID-19 đáng lo, nói không cần nhập viện điều trị

Sơn Vân | 18/02/2022, 22:58

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, đã cảnh báo về COVID-19 kéo dài trong một cuộc họp báo. Ông nói rằng có một số triệu chứng liên quan mà mọi người cần lưu ý.

COVID-19 kéo dài là một thuật ngữ mô tả các triệu chứng dai dẳng mà bệnh nhân gặp phải sau lần nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên. Nó được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa là một loạt các vấn đề sức khỏe mới, tái phát hoặc đang diễn ra mà người ta có thể gặp phải 4 tuần hoặc hơn sau lần đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, ước tính đã ảnh hưởng đến 100 triệu người trên toàn cầu.

Một số ước tính cho thấy hơn 1/3 số người sống sót sau COVID-19 sẽ phát triển một số triệu chứng kéo dài. Triệu chứng kéo dài có nhiều khả năng xảy ra với người mắc COVID-19 nặng và phải nhập viện, nhưng nghiên cứu cho thấy nó có thể xuất hiện ngay cả khi nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ.

"Chắc chắn COVID-19 kéo dài là thứ mà chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi đang nghiên cứu về nó khá chuyên sâu", Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói.

Làm thế nào để biết liệu bạn có đang phát triển triệu chứng hậu COVID-19 không? Nó có thể xảy ra sau khi bạn mắc COVID-19 nhẹ.

chuyen-gia-dich-te-hang-dau-my-canh-bao-ve-hau-covid-19-dang-lo1(1).jpg
Tiến sĩ Anthony Fauci: Không nhất thiết phải nhập viện để điều trị COVID-19 kéo dài

Dưới đây là những gì Tiến sĩ Anthony Fauci muốn bạn biết về các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

1. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài không phải lúc nào cũng rõ ràng

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, các triệu chứng COVID-19 kéo dài không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ dàng giảm bớt. Một người có thể bị mệt mỏi và đau cơ (đau nhức), người khác có vấn đề về phổi và khó thở.

Ông nói: “Hơn một năm qua, chúng tôi biết rằng bạn không nhất thiết phải nhập viện để điều trị COVID-19 kéo dài, từ những người có triệu chứng nhẹ, trung bình cho đến những người có nhu cầu nhập viện”.

2. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài

Các triệu chứng COVID-19 kéo dài như khó thở, mệt mỏi, đau nửa đầu, khó chịu ở ngực, sương mù não, chóng mặt, nôn mửa… thường xuất hiện từ 4 đến 8 tuần sau khi lần nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên qua đi.

Jason Maley, Giám đốc phòng khám COVID-19 kéo dài của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess tại thành phố Boston (Mỹ), cho biết: “Vì có rất nhiều người nhiễm Omicron, chúng tôi cho rằng những người đó nếu không may sẽ dẫn đến nhiều trường hợp COVID-19 kéo dài hơn. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì từng được chứng kiến ​​về biến thể Omicron để nói rằng nó sẽ không gây ra COVID-19 kéo dài".

Đây là danh sách các triệu chứng do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê:

Khó thở hoặc thở gấp

Mệt mỏi

Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần (còn được gọi là tình trạng khó chịu sau gắng sức).

Khó suy nghĩ hoặc tập trung (đôi khi được gọi là sương mù não).

Ho

Đau ngực hoặc đau dạ dày

Đau đầu

Tim đập nhanh hoặc đập mạnh

Đau khớp hoặc cơ

Bồn chồn, sốt ruột

Bệnh tiêu chảy

Các vấn đề về giấc ngủ

Sốt

Chóng mặt khi đứng (lâng lâng)

Phát ban

Thay đổi tâm trạng

Thay đổi mùi hoặc vị

Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

3. COVID-19 kéo dài có thể liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường hoặc làm bệnh này trầm trọng hơn.

"Có một số yếu tố dường như liên quan trong các nghiên cứu gần đây với COVID-19 kéo dài, từ những thứ như bệnh tiểu đường loại 2 đến tải lượng vi rút... cũng như những thứ như tự kháng thể. Chúng tôi không thực sự hiểu nhiều lắm, nhưng chúng tôi đang học theo nghĩa đen trên cơ sở từng tuần, từng tháng”, Tiến sĩ Anthony Fauci nói.

4. Cách bảo vệ chống lại COVID-19 kéo dài

Tiến sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn các bệnh viện quá tải vì người mắc COVID-19 và cần phải nhấn mạnh vào việc tránh số người bị hậu COVID-19 tràn lan.

"Chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng. Chúng tôi muốn làm điều đó và không coi nhẹ COVID-19 kéo dài. Điều quan trọng nhất là giữ cho người dân không phải nhập viện vì hầu hết các lý do… không chỉ liên quan đến COVID-19, mà còn là ảnh hưởng của nó với phần còn lại của xã hội, bên ngoài bối cảnh của căn bệnh này".

5. Đeo khẩu trang

Đeo khẩu trang vẫn là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 và nên tiếp tục đeo ở những khu vực đông người trong nhà.

Tiến sĩ Megan Srinivas, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu chính sách y tế dịch thuật tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho biết: “Điều quan trọng là mọi người phải hiểu mức độ cơ bản về lý do tại sao họ nên đeo khẩu trang. Nhiều lý do khiến người dân không đeo nó là do nhận được thông điệp hỗn hợp từ các nhà lãnh đạo bang, địa phương và quốc gia. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể giúp người dân là xóa bỏ quan niệm sai lầm và những điều giả dối đó, chỉ cho họ biết khẩu trang có hiệu quả như thế nào và thực tế là chúng an toàn".

6. Làm thế nào để an toàn trước COVID-19?

Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cộng đồng. Bất kể bạn sống ở đâu, hãy tiêm vắc xin COVID-19 và nhận mũi tăng cường càng sớm càng tốt.

Nếu sống trong khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp, bạn hãy đeo khẩu trang N95, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, tránh đám đông lớn, không đi vào không gian trong nhà với những người không quen biết, đặc biệt là quán bar, thực hành tốt vệ sinh tay...

Tình trạng hậu COVID-19 nếu nhiễm Omicron

Omicron đã bắt đầu lây lan trên thế giới vào cuối năm ngoái, thường gây bệnh nhẹ hơn Delta nhưng vẫn khiến các bệnh viện quá tải.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, nói mọi tác động kéo dài thường xuất hiện khoảng 90 ngày sau khi các triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu biến mất.

Maria Van Kerkhove nói bà chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra rằng triệu chứng COVID-19 kéo dài sẽ thay đổi theo biến thể Omicron.

Tiến sĩ Linda Geng của Đại học Stanford (Mỹ), người đồng chỉ đạo một trong nhiều phòng khám chuyên về COVID-19 kéo dài, cho rằng không thể nói chắc chắn, nhưng rất có thể sẽ có một làn sóng bệnh nhân mới bị tình trạng hậu COVID-19.

Linda Geng cho hay: “Chúng tôi phải rất thận trọng, rất cẩn thận và chuẩn bị”.

Trong khi đó, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra nguyên nhân đằng sau tình trạng bí ẩn này.

Viện Sinh học Hệ thống (thành phố Seattle, Mỹ) cho biết đã xác định 4 yếu tố chính giúp dự đoán ai sẽ bị triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đó là mắc tiểu đường loại 2, tải lượng vi rút cao, virus EBV (gây bệnh Herpes) tái hoạt, tự kháng thể.

Tiến sĩ Jim Heath, Chủ tịch của Viện Sinh học Hệ thống, cho biết: “Việc xác định các yếu tố này là một bước tiến quan trọng. Chúng ta không chỉ hiểu về COVID-19 kéo dài và khả năng điều trị, mà còn biết cả những bệnh nhân nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính cao nhất".

Nhóm nghiên cứu ở Seattle (Mỹ) đã thu thập mẫu của 309 bệnh nhân COVID-19 để điều tra các đặc điểm chung ở những người bị triệu chứng kéo dài. 

Theo đó, tải lượng vi rút liên quan chặt chẽ với một số triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra vi rút Epstein-Barr (EBV) được kích hoạt trở lại rất sớm sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đáng kể đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong tương lai. EBV là một loại vi rút phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi còn nhỏ, gây ra các triệu chứng trong khoảng 2 tuần. EBV đôi khi tái hoạt động do các yếu tố bao gồm căng thẳng, mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố. EBV có thể được kích hoạt trở lại ở bệnh nhân COVID-19 do hệ miễn dịch bị trục trặc.

Yếu tố thứ ba liên quan đến COVID-19 kéo dài dường như là bệnh tiểu đường loại 2. Rõ ràng những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng COVID-19 nghiêm trọng cao hơn so với các loại vi rút khác.

Cuối cùng, các nhà khoa học thấy khi người ta có lượng tự kháng thể cao hơn thì sẽ có kháng thể chống SARS-COV-2 thấp hơn. Kháng thể là protein của hệ miễn dịch tấn công các mầm bệnh, như vi rút SARS-CoV-2. Trong khi tự kháng thể tấn công các bộ phận của cơ thể chúng ta do nhầm lẫn. Sự hiện diện của tự kháng thể có nguy cơ gây bệnh do các mô khỏe mạnh bị tổn thương.

Các nhà khoa học cũng đang xem xét liệu vắc xin có thể là một phần của câu trả lời không. Một nhóm của Đại học Yale (Mỹ) đang nghiên cứu khả năng tiêm vắc xin có thể làm giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Hai nghiên cứu khác đưa ra bằng chứng ban đầu rằng việc tiêm vắc xin trước khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giúp ngăn ngừa tình trạng hậu COVID-19 hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của nó.

Bài liên quan
Cuộc sống ác mộng của người bị hậu COVID-19 dai dẳng gần 2 năm, cầu cứu 27 bác sĩ
Anh Ed Hornick (người Mỹ) kể lại khoảng thời gian ác mộng khi mắc nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19) kể từ tháng 5.2020 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ cảnh báo về tình trạng hậu COVID-19 đáng lo, nói không cần nhập viện điều trị