Thời hạn sử dụng tương đối ngắn của vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất đang là bài toán trong việc triển khai tới các nước nghèo nhất thế giới.

Hạn dùng ngắn của vắc xin AstraZeneca và bài toán phân phối tới các nước nghèo nhất

Sơn Vân | 16/02/2022, 15:21

Thời hạn sử dụng tương đối ngắn của vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất đang là bài toán trong việc triển khai tới các nước nghèo nhất thế giới.

Theo các quan chức và tài liệu nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà hãng tin Reuters xem xét, đây là vấn đề nhức đầu mới nhất làm ảnh hưởng đến COVAX, dự án chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu do WHO đồng lãnh đạo nhằm mục đích tiêm chủng cho những người cần trên thế giới.

Ban đầu, các quốc gia nghèo hơn tụt hậu so với các nước giàu trong việc đảm bảo nguồn cung vắc xin COVID-19. Lý do vì các nước giàu sử dụng sức mạnh tài chính của họ để có được những liều vắc xin đầu tiên.

Khi việc sản xuất vắc xin tăng lên và các nước giàu bắt đầu cung cấp liều lượng dư thừa, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc quản lý các lô hàng lớn, đặc biệt là ở châu Phi.

Việc từ chối các lô vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn, cùng sự bất bình đẳng ban đầu, do dự và các rào cản khác góp phần làm cho tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở châu Phi rất thấp. Hiện chỉ có khoảng 10% người dân châu Phi tiêm vắc xin COVID-19, so với hơn 70% ở các nước giàu hơn.

han-dung-ngan-cua-vac-xin-astrazeneca-khien-cac-nuoc-ngheo-nhat-thieu-nguon-cung1.jpg
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuẩn bị liều vắc xin AstraZeneca tại bệnh viện ở thị trấn Narok, Kenya - Ảnh: Reuters

Nhiều loại vắc xin COVID-19 sẽ đến chỉ sau vài tháng và đôi khi vài tuần trước ngày sử dụng, làm tăng thêm sự tranh giành để có được mũi tiêm trong tay. Một số quốc gia phải tiêu hủy các liều vắc xin hết hạn sử dụng, trong đó có 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca ở Nigeria vào tháng 11.2021.

Theo dữ liệu của COVAX và các quan chức, vấn đề về thời hạn sử dụng ngắn phần lớn liên quan đến vắc xin AstraZeneca.

Các kho dự trữ vắc xin ở một số quốc gia Trung và Tây Phi trong tuần kết thúc vào ngày 6.2 đã cho thấy vấn đề này.

Hầu hết trong số 19 quốc gia châu Phi có vắc xin AstraZeneca hết hạn, so với một số ít nước lưu trữ vắc xin hết hạn từ hãng khác. Trong tổng số liều vắc xin hết hạn được các quốc gia đó công bố ở tuần kết thúc vào ngày 6.2, khoảng 1,3 triệu là AstraZeneca, 280.000 liều Johnson & Johnson, 15.000 liều Moderna và 13.000 liều Sputnik.

Nhiều loại vắc xin COVID-19 khác dự kiến ​​sẽ bị từ chối vì các quốc gia châu Phi và COVAX cho biết từ tháng 1.2022 sẽ không chấp nhận vắc xin còn hạn sử dụng dưới 2 tháng rưỡi.

Tuy nhiên, Benin đã nhận được 80.400 liều vắc xin AstraZeneca từ COVAX vào ngày 30.1, dự kiến ​​hết hạn hôm 28.2. Quốc gia Tây Phi này cũng nhận được 100.000 liều vắc xin Sputnik Light từ Nga, với cùng thời hạn sử dụng, nhưng nằm ngoài sáng kiến ​​của COVAX. Theo tài liệu, vắc xin của các hãng khác có thời hạn sử dụng lâu hơn nhiều.

AstraZeneca, nhà cung cấp vắc xin COVID-19 lớn thứ hai cho COVAX sau Pfizer, nói kể từ khi bắt đầu triển khai toàn cầu, hơn 250 triệu sản phẩm của họ đã rời khỏi các nhà máy trong vòng chưa đầy 2 tháng rưỡi trước khi hết hạn.

Thời hạn sử dụng ngắn thường không phải là vấn đề với nước giàu có chuyên môn và cơ sở hạ tầng. Ngược lại, điều đó là trở ngại cho các nghèo.

Người phát ngôn của AstraZeneca cho biết vắc xin phải trải qua các cuộc kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng và chỉ ra rằng công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19 ở các nước nghèo hơn. Với sự đóng góp từ các nước giàu, nhiều liều vắc xin AstraZeneca đã được COVAX phân phối nhiều hơn bất kỳ loại nào khác.

Người phát ngôn nói: “AstraZeneca đã cung cấp 2,6 tỉ liều vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, khoảng 2/3 trong số đó được phân phối cho các nước có thu nhập trung bình và thấp”.

Khối lượng vắc xin COVID-19 được giao nhiều hơn rất nhiều so với liều lượng bị lãng phí, nhưng tổn thất về cơ bản là một phần bởi áp lực thời gian. Điều này khiến các liều vắc xin của AstraZeneca bị từ chối ngay cả trước khi được xuất xưởng.

Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), tổ chức phi lợi nhuận đồng điều hành COVAX cùng WHO, cho biết chỉ tính đến các liều vắc xin COVID-19 được tặng, chiếm gần 1 tỉ liều do COVAX phân phối, khoảng 30 triệu liều AstraZeneca đã bị từ chối hoặc hoãn lại vào năm ngoái bởi các nước nghèo. Con số đó chiếm 1/4 số vắc xin AstraZeneca được tặng thông qua COVAX.

Theo Reuters, hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca do EU chia sẻ vẫn chưa được phân phối. EU là nhà tài trợ vắc xin COVID-19 lớn nhất của COVAX.

han-dung-ngan-cua-vac-xin-astrazeneca-khien-cac-nuoc-ngheo-nhat-thieu-nguon-cung.jpg
Một lô vắc xin AstraZeneca do COVAX phân phối đến sân bay quốc tế Accra, Ghana - Ảnh: Reuters

Vấn đề chính là thời hạn sử dụng vắc xin AstraZeneca chỉ trong 6 tháng kể từ ngày đóng chai, ngắn nhất trong số các nhà cung cấp hàng đầu cho COVAX. Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng của AstraZeneca đôi khi có thể mất hàng tháng.

Hệ thống phức tạp của COVAX chỉ định liều vắc xin COVID-19 cho các nước và yêu cầu của các nhà tài trợ phân phối chúng đến các quốc gia được chọn, thường ăn sâu vào vòng đời ngắn của vắc xin, đôi khi chỉ còn vài tuần trước khi hết hạn.

Việc kiểm tra chất lượng được thực hiện bởi tất cả nhà sản xuất vắc xin COVID-19, nhưng hạn chế về thời gian không phải là vấn đề với các nhà cung cấp hàng đầu khác của COVAX. Vắc xin Johnson & Johnson có tuổi thọ 2 năm khi đông lạnh, vắc xin Pfizer là 9 tháng và Moderna là 7 tháng, theo hướng dẫn bảo quản đã được WHO phê duyệt.

Một số quốc gia châu Phi đã cảnh báo trong tài liệu của WHO, hàng triệu liều vắc xin Moderna và Pfizer cũng có thể bị lãng phí, với vấn đề thường liên quan đến việc hấp thu vắc xin thấp và không đủ thiết bị dây chuyền lạnh để phân phối ở vùng sâu vùng xa.

Gia hạn thời hạn sử dụng

GAVI đã khuyến khích AstraZeneca nộp đơn lên WHO để gia hạn thêm ngày hết hạn sử dụng vắc xin COVID-19, nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa dẫn đến việc nộp đơn chính thức. AstraZeneca cho biết quá trình này rất phức tạp do mạng lưới rộng lớn của các công ty sản xuất vắc xin trên toàn cầu.

Một trong những đối tác sản xuất của AstraZeneca, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã được WHO cấp phép cho thời hạn sử dụng vắc xin này là 9 tháng thay vì 6 tháng như ban đầu. Thế nhưng, các lô khác do AstraZeneca sản xuất ở các nước còn lại trên thế giới vẫn chỉ có 6 tháng.

"Chúng tôi đang thảo luận với WHO nhưng đây là một nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi dữ liệu phải được thu thập từ khắp mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi", phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết.

Người phát ngôn của WHO không bình luận về cuộc đàm phán với AstraZeneca.

Trung bình, các nước châu Phi đã sử dụng 2/3 số liều vắc xin COVID-19 đã nhận, nhưng con số này giảm xuống còn 11% ở Burundi và 15% tại Congo. Trong khi các nước lớn khác, bao gồm Madagascar, Zambia, Somalia và Uganda, chỉ sử dụng khoảng 1/3 số liều vắc xin COVID-19 đã nhận, trích dẫn các số liệu từ cuối tháng 1.2022 từ GAVI.

GAVI nói tổng tỷ lệ lãng phí là khoảng 0,3% số liều vắc xin COVID-19 được phân phối vào giữa tháng 12.2021. Tổ chức này từ chối chia sẻ thêm số liệu cập nhật, nhưng cho biết tỷ lệ dự kiến ​​sẽ tăng.

Bài liên quan
Người nhận 2 liều vắc xin Pfizer/Moderna có thể tiêm mũi AstraZeneca tăng cường chống Omicron
Hôm 13.1.2022, AstraZeneca cho biết liều thứ ba vắc xin COVID-19 của mình (Vaxzevria) tạo ra kháng thể cao hơn chống lại Omicron và các biến thể khác như Beta, Delta, Alpha, Gamma.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạn dùng ngắn của vắc xin AstraZeneca và bài toán phân phối tới các nước nghèo nhất