Hôm 9.2, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng "COVID-19 chưa kết thúc với chúng ta", kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn để chống lại đại dịch sau khi thông báo số ca mắc và tử vong trên thế giới giảm trong tuần qua.

WHO nói về hậu COVID-19 nếu nhiễm Omicron, cảnh báo toàn cầu dù số ca giảm

Sơn Vân | 10/02/2022, 06:02

Hôm 9.2, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng "COVID-19 chưa kết thúc với chúng ta", kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn để chống lại đại dịch sau khi thông báo số ca mắc và tử vong trên thế giới giảm trong tuần qua.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã khởi động chiến dịch mới trị giá 23 tỉ USD để tài trợ cho những nỗ lực của cơ quan này nhằm khởi xướng việc triển khai công bằng các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới.

Ông cảnh báo rằng "bệnh tật không có biên giới" và biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao chỉ ra rằng "bất kỳ cảm giác an toàn nào cũng có thể thay đổi trong chốc lát".

Được công bố vào cuối ngày 8.2, báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO cho thấy số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới giảm 17% so với tuần trước, trong đó Mỹ giảm 50%, còn số ca tử vong trên toàn cầu giảm 7%.

Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Tùy thuộc vào nơi bạn sống, có thể cảm thấy như đại dịch COVID-19 đã gần kết thúc, hoặc có thể cảm thấy như nó đang ở mức tồi tệ nhất. Chúng tôi biết loại vi rút này sẽ tiếp tục phát triển, nhưng chúng tôi không phòng vệ được. Chúng tôi có các công cụ để ngăn ngừa căn bệnh này, xét nghiệm và điều trị nó”.

who-noi-ve-hau-covid-19-neu-nhiem-omicron1.jpg
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus: Omicron chỉ ra rằng bất kỳ cảm giác an toàn nào cũng có thể thay đổi trong chốc lát

Dễ lây lan hơn các biến thể khác nhưng nhìn chung gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, Omicron chiếm gần 97% số ca mắc COVID-19 được xác định bởi GISAID - nền tảng theo dõi vi rút quốc tế, còn Delta chiếm chỉ hơn 3%.

WHO đã báo cáo tổng cộng hơn 19 triệu ca COVID-19 mới với dưới 68.000 trường hợp tử vong từ ngày 31.1 đến ngày 6.2. Các chuyên gia cho biết con số này có thể thấp hơn thực tế.

Số ca mắc COVID-19 giảm ở từng nơi trong số 6 khu vực của WHO, ngoại trừ phía đông Địa Trung Hải, nơi báo cáo mức tăng 36%, đặc biệt là ở Afghanistan, Iran và Jordan.

Ở châu Âu, số ca COVID-19 giảm 7%, nhờ sự giảm đáng kể ở Bỉ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha ngay cả khi các quốc gia ở Đông Âu như Azerbaijan, Belarus và Nga tăng số ca hàng ngày.

Tại châu Mỹ, số ca mắc COVID-19 giảm 36%, trong đó Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1,87 triệu ca mới nhưng đã giảm 50% so với tuần trước.

Vắc xin dường như có hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh nặng do Omicron. Nhiều chuyên gia cho biết tiêm mũi tăng cường ước tính làm tăng hiệu quả của vắc xin lên hơn 75% với tất cả loại có sẵn dữ liệu, dù tỷ lệ này đã giảm 3 đến 6 tháng sau khi tiêm.

Hôm 9.2, WHO, Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Na Uy - Jonas Gahr Støre và các bộ trưởng y tế đã dẫn đầu cuộc giới thiệu để xin tài trợ mới cho chương trình ACT-Accelerator nhằm cung cấp các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin COVID-19 cho mọi người trên thế giới.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres nói: “Nếu muốn đảm bảo tiêm vắc xin cho tất cả mọi người để chấm dứt đại dịch này, trước tiên chúng ta phải tiêm sự công bằng vào hệ thống. Sự bất bình đẳng về vắc xin là thất bại đạo đức lớn nhất của thời đại chúng ta; con người và các quốc gia đang phải trả giá”.

Ông Cyril Ramaphosa cho biết các nước giàu đã tiêm lượng vắc xin COVID-19 cứu mạng nhiều hơn 14 lần và thực hiện các xét nghiệm nhiều hơn 80 lần so với các nước có thu nhập thấp. Ở châu Phi, chỉ 8% người dân đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ. Trong khi nhiều nước giàu triển khai liều vắc xin thứ ba hoặc thậm chí thứ tư, ông Cyril Ramaphosa lưu ý rằng nhiều nhân viên y tế và người cao tuổi dễ bị tổn thương ở châu Phi vẫn không được bảo vệ.

Ông Cyril Ramaphosa nhấn mạnh: “Sự kết thúc của đại dịch này đã ở trong tầm mắt, nhưng chỉ khi chúng ta cùng hành động vì sự bình đẳng và đoàn kết”.

Lời kêu gọi được đưa ra khi nhiều nước phương Tây giàu có - những nhà tài trợ chính cho WHO - đang nới lỏng các hạn chế chống đại dịch sau khi số ca COVID-19 bắt đầu giảm.

"Hãy trung thực. Không có gì chắc chắn các nhà lãnh đạo ở các nước phương bắc sẽ phản ứng để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu chống lại COVID-19”, ông Gahr Støre nói. Thế nhưng, ông cũng thúc đẩy việc vận động để các nhà lãnh đạo thấy rằng “họ thực sự quan tâm đến việc lựa chọn tiếp tục cam kết và gắn bó”.

Theo thống kê của Reuters, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 400 triệu sau khi biến thể Omicron hoành hành, đẩy hệ thống y tế ở một số quốc gia đến bờ vực.

WHO nói về tình trạng hậu COVID-19 nếu nhiễm Omicron

Còn quá sớm để biết chắc chắn, nhưng nhiều bác sĩ tin rằng có thể có những ảnh hưởng lâu dài do nhiễm biến thể Omicron.

COVID-19 kéo dài là một thuật ngữ mô tả các triệu chứng dai dẳng mà bệnh nhân gặp phải sau lần nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên. Nó được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa là một loạt các vấn đề sức khỏe mới, tái phát hoặc đang diễn ra mà người ta có thể gặp phải 4 tuần hoặc hơn sau lần đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, ước tính đã ảnh hưởng đến 100 triệu người trên toàn cầu.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, nói mọi tác động kéo dài thường xuất hiện khoảng 90 ngày sau khi các triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu biến mất.

Nhìn chung, một số ước tính cho thấy hơn 1/3 số người sống sót sau COVID-19 sẽ phát triển một số triệu chứng kéo dài. Các triệu chứng gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở, lo lắng, rụng tóc và các vấn đề khác. Triệu chứng kéo dài có nhiều khả năng xảy ra với người mắc COVID-19 nặng và phải nhập viện, nhưng nghiên cứu cho thấy nó có thể xuất hiện ngay cả khi nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ.

Omicron đã bắt đầu lây lan trên thế giới vào cuối năm ngoái, thường gây bệnh nhẹ hơn Delta nhưng vẫn khiến các bệnh viện quá tải.

Maria Van Kerkhove nói bà chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra rằng triệu chứng COVID-19 kéo dài sẽ thay đổi theo biến thể Omicron.

who-noi-ve-hau-covid-19-neu-nhiem-omicron.jpg
Nhiễm Omicron dù mắc bệnh nhẹ nhưng vẫn có thể bị triệu chứng COVID-19 kéo dài

Tiến sĩ Linda Geng của Đại học Stanford (Mỹ), người đồng chỉ đạo một trong nhiều phòng khám chuyên về COVID-19 kéo dài, cho rằng không thể nói chắc chắn, nhưng rất có thể sẽ có một làn sóng bệnh nhân mới bị tình trạng hậu COVID-19.

Linda Geng cho hay: “Chúng tôi phải rất thận trọng, rất cẩn thận và chuẩn bị”.

Trong khi đó, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra nguyên nhân đằng sau tình trạng bí ẩn này.

Viện Sinh học Hệ thống (thành phố Seattle, Mỹ) cho biết đã xác định 4 yếu tố chính giúp dự đoán ai sẽ bị triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đó là mắc tiểu đường loại 2, tải lượng vi rút cao, virus EBV (gây bệnh Herpes) tái hoạt, tự kháng thể.

Tiến sĩ Jim Heath, Chủ tịch của Viện Sinh học Hệ thống, cho biết: “Việc xác định các yếu tố này là một bước tiến quan trọng. Chúng ta không chỉ hiểu về COVID-19 kéo dài và khả năng điều trị, mà còn biết cả những bệnh nhân nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính cao nhất".

Nhóm nghiên cứu ở Seattle (Mỹ) đã thu thập mẫu của 309 bệnh nhân COVID-19 để điều tra các đặc điểm chung ở những người bị triệu chứng kéo dài. 

Theo đó, tải lượng vi rút liên quan chặt chẽ với một số triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra virus Epstein-Barr (EBV) được kích hoạt trở lại rất sớm sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đáng kể đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong tương lai. EBV là một loại vi rút phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi còn nhỏ, gây ra các triệu chứng trong khoảng 2 tuần. EBV đôi khi tái hoạt động do các yếu tố bao gồm căng thẳng, mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố. EBV có thể được kích hoạt trở lại ở bệnh nhân COVID-19 do hệ miễn dịch bị trục trặc.

Yếu tố thứ ba liên quan đến COVID-19 kéo dài dường như là bệnh tiểu đường loại 2. Rõ ràng những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng COVID-19 nghiêm trọng cao hơn so với các loại vi rút khác.

Cuối cùng, các nhà khoa học thấy khi người ta có lượng tự kháng thể cao hơn thì sẽ có kháng thể chống SARS-COV-2 thấp hơn. Kháng thể là protein của hệ miễn dịch tấn công các mầm bệnh, như vi rút SARS-CoV-2. Trong khi tự kháng thể tấn công các bộ phận của cơ thể chúng ta do nhầm lẫn. Sự hiện diện của tự kháng thể có nguy cơ gây bệnh do các mô khỏe mạnh bị tổn thương.

Các nhà khoa học cũng đang xem xét liệu vắc xin có thể là một phần của câu trả lời không. Một nhóm của Đại học Yale (Mỹ) đang nghiên cứu khả năng tiêm vắc xin có thể làm giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Hai nghiên cứu khác đưa ra bằng chứng ban đầu rằng việc tiêm vắc xin trước khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giúp ngăn ngừa tình trạng hậu COVID-19 hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của nó.

Bài liên quan
Nghiên cứu đầu tiên về bất thường ở phổi gây tình trạng khó thở hậu COVID-19
Những bất thường được xác định trong phổi của người mắc COVID-19 kéo dài có thể đưa ra lời giải thích tiềm năng vì sao một số người bị khó thở sau lần nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO nói về hậu COVID-19 nếu nhiễm Omicron, cảnh báo toàn cầu dù số ca giảm