Theo Focus, các nhà nghiên cứu từ Strasbourg (Đức) và Vũ Hán (Trung Quốc) thông báo các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở dạng trầm trọng thường bị đột quỵ một cách rất đáng ngờ. Các triệu chứng thần kinh thuộc nhiều loại khác nhau đã được quan sát thấy ở 36,4% bệnh nhân mắc coronavirus mà họ tham gia điều trị, đó là chóng mặt, đau đầu, lên cơn động kinh.
Cùng với các đồng nghiệp, Frank Erbguth, giáo sư thần kinh học và là người đứng đầu trung tâm thần kinh tại Phòng khám Nuremberg (Đức) đã phân tích bệnh án của 214 bệnh nhân bị coronavirus để tìm lời đáp cho câu hỏi phải chăng vi rút Sars-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng đến phổi và bộ máy hô hấp mà còn ảnh hưởng đến thần kinh và não.
Giáo sư Frank Erbgut cho rằng các triệu chứng được mô tả là có thể, tuy nhiên, theo ông, qua thông tin hiện có, vi rút Sars-CoV-2 không gây ra tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Ông giải thích rằng hiện tại trên thế giới có hơn 2 triệu ca nhiễm được xác nhận, theo đánh giá qua những gì đã biết, các rối loạn đáng kể của hệ thần kinh không xuất hiện nhiều. Coronavirus không phải là mầm bệnh đánh trước hết vào hệ thần kinh.
Nếu vi rút tấn công hệ thần kinh và cơ thể phản ứng quá mức thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng lâu dài; nhưng vì hiện tại không đủ thông tin, nên không thể dự đoán chắc chắn.
Có thể ở những người mắc COVID-19 trầm trọng, nguy cơ phát triển đột quỵ tăng lên khi để phòng thủ miễn dịch, cơ thể huy động cả các chất dẫn truyền thần kinh gây viêm, được gọi là interleukin và D-dimers, các sản phẩm phân rã chủ yếu liên quan đến đông máu.
Đây là trường hợp dễ hình thành cục máu đông có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ. Theo vị giáo sư Đức, số ca đột quỵ cũng tăng lên khi mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác, do đó, về mặt này, coronavirus mới không gây ra nhiều lo ngại.
Giáo sư cũng đề cập đến ca bệnh một người đàn ông Nhật Bản gần đây đã gây xôn xao trong giới y tế, khi coronavirus không gây viêm phổi, mà viêm não. Vi rút Sars-CoV-2 có thể lây nhiễm não mà không ảnh hưởng đến phổi. Các bác sĩ đã tìm thấy các vi rút tương ứng không phải trong vòm họng, mà là trong dịch não, dẫn đến giả định rằng vi rút Sars-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến não mà không ảnh hưởng đến phổi.
Frank Erbgut hoài nghi về khả năng này. Theo ông, xét nghiệm âm tính trong vòm họng không có nghĩa là vi rút chưa bao giờ ở đó, cũng như vi rút chưa xâm nhập vào phổi. Trong một số trường hợp nhất định, vi rút có thể dẫn đến viêm màng não nhưng thật mơ hồ nếu cho rằng vi rút chỉ đánh vào não chứ không nhắm vào các cơ quan khác.
Về hiện tượng bệnh nhân bị mất khứu giác và vị giác tạm thời, Frank Erbgut lưu ý rằng về bản chất, không phải một dây thần kinh riêng biệt chịu trách nhiệm về vị giác, mà chủ yếu là cả cơ quan khứu giác với các sợi thần kinh từ mũi đi qua xương sọ đến trước não. Khi bị nhiễm coronavirus, các sợi thần kinh khứu giác có thể bị viêm và đôi khi chúng hoạt động hạn chế hoặc không hoạt động dẫn đến mất khứu giác.
Vũ Trung Hương