Các nhà khoa học đã xác định được 2 loại tế bào cụ thể trong mũi có thể là điểm khởi đầu nhiễm coronavirus ở người và điều này giúp giải thích tốc độ lây lan nhanh của vi rút SARS-CoV-2 trên khắp thế giới.

Phát hiện 2 loại tế bào trong mũi là điểm khởi đầu nhiễm coronavirus

24/04/2020, 14:11

Các nhà khoa học đã xác định được 2 loại tế bào cụ thể trong mũi có thể là điểm khởi đầu nhiễm coronavirus ở người và điều này giúp giải thích tốc độ lây lan nhanh của vi rút SARS-CoV-2 trên khắp thế giới.

Nghiên cứu cho thấy 2 loại tế bào cụ thể trong mũi được xác định là điểm nhiễm trùng ban đầu đối với COVID-19 - Ảnh: ncl.ac.uk

Theo Nature Medicine, nhóm khoa học quốc tế thuộc tập đoàn Human Cell Atlas (HCA), trong đó có các chuyên gia tại Đại học Newcastle (Anh), đã xác định được 2 loại tế bào cụ thể trong mũi có thể là điểm khởi đầu nhiễm coronavirus ở người. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những tế bào hình đài (goblet cells) và tế bào lông rung (ciliated cells) trong mũi có hàm lượng protein đầu vào cao được coronavirus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào khác của người. Xác định này của các nhà nghiên cứu có thể giúp giải thích tốc độ lây nhiễm nhanh của COVID-19.

Bệnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp. Các triệu chứng ở bệnh nhân có thể tương tự như cúm, bao gồm sốt, ho và đau họng, trong khi một số người có thể không có biểu hiện triệu chứng, nhưng họ vẫn có thể mang vi rút. Trong trường hợp xấu nhất, vi rút gây viêm phổi, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.

Người ta tin rằng vi rút lây lan qua các hạt hô hấp được tạo ra do ho hoặc hắt hơi của người bị nhiễm bệnh, và rõ ràng là dễ dàng truyền sang người. Các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng tìm hiểu chính xác cách thức vi rút lây lan để giúp ngăn chặn dịch bệnh và phát triển vắc xin. Dù đã biết được rằng vi rút SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 sử dụng một cơ chế tương tự coronavirus gây ra dịch SARS 2003 để lây nhiễm các tế bào của người, nhưng cho đến nay chưa xác định được chính xác các loại tế bào nào trong mũi liên quan đến sự lây lan.

Để tìm ra những tế bào nào có thể liên quan đến việc lan truyền COVID-19, các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều bộ dữ liệu của tập đoàn Human Cell Atlas (HCA) để giải trình tự RNA đơn bào từ hơn 20 mô khác nhau của những người không bị nhiễm. Trong số đó có các tế bào phổi, khoang mũi, mắt, ruột, tim, thận và gan. Các nhà khoa học đã tìm kiếm các tế bào riêng lẻ biểu hiện cả 2 loại protein đầu vào chính được coronavirus sử dụng để lây nhiễm các tế bào của người.

Lần đầu tiên, các tế bào cụ thể trong mũi được liên kết với COVID-19. Mặc dù có nhiều yếu tố góp phần vào việc truyền vi rút, những kết quả này phù hợp với tốc độ lây nhiễm vi rút nhanh chóng được quan sát cho đến nay. Vị trí của các tế bào này trên bề mặt bên trong mũi làm cho chúng có khả năng tiếp cận với vi rút rất cao và cũng có thể tạo điều kiện lây nhiễm cho những người khác.

Hai protein đầu vào quan trọng là ACE2 và TMPRSS2 cũng được tìm thấy trong các tế bào giác mạc ở mắt và trong niêm mạc ruột. Điều này cho thấy có thể có một con đường lây nhiễm khác thông qua mắt và ống dẫn lệ, và cũng cho thấy khả năng lây truyền qua đường phân - miệng.

Khi các tế bào bị tổn thương hoặc chống lại nhiễm trùng, các gien miễn dịch khác nhau được kích hoạt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sản sinh các thụ thể ACE2 trong tế bào mũi có khả năng được kích hoạt đồng thời với các gien miễn dịch này.

Human Cell Atlas (HCA) là một tập đoàn toàn cầu với mục tiêu là lập các bản đồ tham chiếu của tất cả các tế bào người để hiểu biết về sức khỏe và bệnh tật. Hơn 1.600 người ở 70 quốc gia tham gia vào cộng đồng HCA và dữ liệu này có sẵn cho các nhà khoa học trên khắp thế giới. Bằng cách mô tả chính xác các đặc điểm của từng loại tế bào riêng biệt, atlas tế bào người giúp các nhà khoa học chẩn đoán, kiểm soát và điều trị các bệnh, bao gồm COVID-19, theo một cách hoàn toàn mới.

Vũ Trung Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện 2 loại tế bào trong mũi là điểm khởi đầu nhiễm coronavirus