Thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7% và lạm phát dưới 4%.
Trong năm 2022, GDP quý 2 tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước được đưa về mức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỉ USD…
Tại cuộc thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chuyên gia trong và ngoài nước bày tỏ ủng hộ các chính sách và giải pháp vừa qua của Chính phủ. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam là một trong số ít các quốc gia phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ và trên diện rộng. Thành tích tiêm chủng xuất sắc giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động. Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% trước đây lên 7%, đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tán thành với nhận định của Chính phủ Việt Nam về tình hình kinh tế thế giới, khẳng định kinh tế và môi trường vĩ mô tại Việt Nam khá tốt, quá trình phục hồi đi đúng hướng, nhu cầu trong nước phục hồi, ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt.
Bà cho rằng thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, đòi hỏi hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều phối chính sách tài chính và tiền tệ. "Với các giải pháp mà Việt Nam đã triển khai, tôi hiểu quý vị mong muốn bảo vệ người dân trước việc tăng giá xăng dầu và hàng hóa, trong bối cảnh cú sốc ngắn hạn trên toàn cầu", bà Dorsati Madani nói.
Bà bày tỏ kỳ vọng Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7%, lạm phát khoảng 3,8% trong năm 2022; tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được triển khai – được đánh giá là rất phù hợp với kinh tế số, phát triển xanh, hướng tới mô hình phát triển mới bền vững hơn và mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong vài chục năm tới.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tán thành với phát biểu của Thủ tướng là cần đặt việc làm, ổn định xã hội, bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất vào vị trí trọng tâm của chính sách phục hồi.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết triển vọng phát triển kinh tế và lạm phát tại châu Á đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng các số liệu vẫn cho thấy Việt Nam có triển vọng phục hồi rất tốt; dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau. Tương tự, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định Việt Nam đang phục hồi rất nhanh và vững chắc sau dịch COVID-19 trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới mới đây, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0-7,5%. Khi đó, khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5-3,8%.
Còn trường hợp giá dầu thô hạ xuống thấp hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng… thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8-8,4% và khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8-4,1%.
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, ông Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch COVID-19. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.
“Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,51%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát”, ông Thịnh nêu.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
“Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, ông Thịnh cho hay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tới, Chính phủ sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng.
Đồng thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm khoảng 32-34% GDP, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỉ lệ bội chi ngân sách bình quân năm khoảng 3,7% GDP.Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.