Buổi chiều, cánh cổng nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy khép hờ. Nhìn vào bên trong, vắng lặng. Nhà quàng, nhà chờ, nơi chứa tử thi không một bóng người. Chỉ có tiếng tụng kinh vang lên đều đặn, nhẹ nhàng và trầm buồn...

Chuyên gia trang điểm tử thi tiết lộ về nghề “rùng rợn” nhất thế gian

Một Thế Giới | 26/12/2015, 08:00

Buổi chiều, cánh cổng nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy khép hờ. Nhìn vào bên trong, vắng lặng. Nhà quàng, nhà chờ, nơi chứa tử thi không một bóng người. Chỉ có tiếng tụng kinh vang lên đều đặn, nhẹ nhàng và trầm buồn...

Bén duyên với nghề

Lách qua cổng, chúng tôi bước vào. Văn phòng nhà vĩnh biệt chỉ có vài người. Ở phòng cuối, một người đàn ông đang sửa soạn ra về. Chúng tôi đến gặp anh. "Sao vắng vẻ quá vậy anh ?". Nở nụ cười thân thiện anh cho biết : nhà vĩnh biệt mà đắt khách thì đâu có gì hay anh ơi. Ở đây ngày có ngày không, thậm chí có khi cả tuần không có một trường hợp nào. Hôm nay ở đây có một người mất nhưng lại vô danh đang chờ pháp y khám nghiệm . . .

Nhà vĩnh biệt bệnh viện Chợ Rẫy nằm bên ngoài khuôn viên bệnh viện. Bệnh nhân chẳng may qua đời nếu thân nhân chưa kịp nhận để đưa về mai táng sẽ được chuyển về đây. Người xấu số được để trên băng ca phủ kín vải trắng đặt trên xe cứu thương ra bằng cửa sau đến nhà vĩnh biệt theo đúng thông lệ : "vào cửa trước, ra cửa sau".

Tại nhà vĩnh biệt luôn có 6 nhân viên (toàn nam) thay nhau túc trực. Những người này được trang bị trang phục chống vi khuẩn. Khi một thi thể được chuyển đến sẽ được cho vào hộc lạnh có nhiệt độ từ - 2 đến - 10 độ C. Người chết thường ở vào các trường hợp bệnh nặng, tai nạn giao thông, ẩu đả nếu không có trưng cầu giám định sẽ được cho đi mai táng.

Trong trường hợp phải mổ tử thi, phải có giấy trưng cầu giám định của công an và có lệnh của ban Giám đốc bệnh viện. Bác sĩ pháp y mổ theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định. Sau khi mổ xong, tử thi được khôi phục lại bình thường, trang điểm, tẩm formol mới cho vào quan tài...
nha Vinh biet, benh vien Cho Ray, tu thi
Ngăn lạnh nơi chứa tử thi. 

Anh mời chúng tôi ngồi lại. Câu chuyện dần mở ra. Anh là Nguyễn Hoàng Minh, 52 tuổi người có 33 năm làm công việc trang điểm cho người chết. . .

Anh vốn xuất thân là một bảo vệ của bệnh viện. Nhân có một khóa học về pháp y, anh được chuyển về khoa giải phẫu bệnh. Nói giải phẫu bệnh chứ thật ra là mổ tử thi. Tại đây anh cùng một số anh em khác được đào tạo để có một tay nghề tốt phục vụ cho công việc.

Trải qua khóa học, anh có dịp vừa học vừa chỉ vẽ thêm cho các đàn em khóa sau. Theo anh, công việc này đòi hỏi tính thẩm mỹ rất cao. Một vết mổ được khâu lại rất khó. Vết khâu phải nhỏ, gọn và đặc biệt là không ra máu. Từ khâu vá tử thi, anh Minh bén duyên với công đoạn làm đẹp không biết từ lúc nào. Anh tâm sự, nghề trang điểm không có trường đào tạo, không có thầy dạy nghề mà tất cả do năng khiếu và do óc thẩm mỹ cộng với tinh thần cầu tiến của mình mới làm được.

Điều chủ yếu và quan trọng nhất của người trang điểm tử thi là không được. . . sợ. Đã sợ thì không thể làm được nghề này. Anh Minh, cho biết thêm trang điểm cho người chết khó gấp vạn lần người sống. Quan trọng nhất là gương mặt. Gương mặt người chết luôn bị biến dạng và phải làm sao cho sự biến dạng đó mất đi để gương mặt trở về với sự tươi tỉnh như khi còn sống.

Học cách trang điểm người sống để sau đó áp dụng cho người chết là bí quyết của nghề này. Nói thế cũng không ngoa vì chúng tôi phải sử dụng các dụng cụ trang điểm dành cho người sống - anh Minh tâm sự với chúng tôi như thế . . .

Chiếc bật lửa Zippo

Trong các loại ngành nghề, có lẽ cái nghề của anh Minh ít được ai theo đuổi. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết trong nhà vĩnh biệt này, chỉ có mỗi mình anh là đảm đương công việc đầy tính đặc thù này.

Nghề trang điểm cho người chết là một nghề khó đòi hỏi sự kiên trì và lòng can đảm. Như đã nói, làm công việc này không được phép sợ người chết. Tính nhân văn của nghề này là làm giảm được nỗi đau của thân nhân người chết vì thế đòi hỏi một cái tâm thật trong sáng và một tấm lòng rộng mở . . .

Thông thường, 10 gia đình người bị nạn có đến 8 gia đình yêu cầu chỉ nên trang điểm nhẹ không nên đậm quá. Nói thì nói thế nhưng cũng phải làm theo từng lứa tuổi. Mặt phải có phấn son. Lông mày lông mi phải chỉnh lại. Trước đây môi được tô son đỏ nhưng giờ lại khác, phải theo da môi để có được sự trung thực hơn.

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Minh càng lúc càng thú vị. Dường như lâu lắm rồi ít được ai quan tâm đến nghề nghiệp, nay có dịp anh Minh thố lộ với tất cả nỗi niềm của mình.

Anh cho biết vài năm trước, có trường hợp một Việt kiều về thăm quê đã bị tử nạn khi chiếc xe anh ta đi đâm vào cột điện bên đường. Thi thể được đưa vào nhà vĩnh biệt. Sau khi khám nghiệm pháp y xong, nạn nhân được đưa vào hộc lạnh. Thân nhân người chết đến tìm anh và bày tỏ mong muốn được anh giúp đỡ trước khi mẹ nạn nhân từ nước ngoài về nhìn mặt con lần cuối.

Tôi kéo hộc lạnh ra nhìn nạn nhân. Trên trán một vết lõm khá lớn. Đường khâu ở da đầu lẫn với tóc và máu khô. Trên mặt nhiều điểm lỗ chỗ. Tóm lại, nếu người thân nhìn vào không khỏi không đau đớn xót xa.

Tôi nhận lời làm nhưng trong lòng rất lo lắng. Cắt bỏ đường khâu cũ trên da dầu, mở lại vết thương nơi trán lõm tôi thấy chỉ có một miếng gòn nhỏ. Không được. Tôi bỏ cục gòn cũ, dùng một cục bông to nhúng formol rồi nặn cho vừa với vết lõm đặt vào đầy đặn. Kéo da đầu khâu lại. Tôi vuốt từng sợi tóc, cẩn thận từng mũi khâu cố tạo cho bằng được nét tự nhiên như chưa từng bị mổ.

Những vết rách lỗ chỗ trên mặt tôi dùng kim và chỉ nhỏ may lại. Sau đó, tôi trang điểm lại thật đẹp . . .

Bà mẹ về đến đã ngất xỉu ngay cổng nhà vĩnh biệt. Bà muốn nhìn mặt đứa con trai lần cuối. Mọi người dìu bà vào và kéo hộc lạnh ra. Con bà nằm đó, tươi tỉnh như lúc còn sống. Trong một lúc thảng thốt bà buột miệng: "nó có bị gì đâu mà chết ?"

Người nhà nạn nhân đưa mắt nhìn tôi bằng sự biết ơn và cảm phục. Sau đó, nạn nhân được tẩn liệm. Trong một lần trò chuyện trước khi đưa nạn nhân rời khỏi nhà vĩnh biệt, thân nhân người xấu số đã tặng cho tôi chiếc bật lửa hiệu Zippo này để gọi là thay cho lời cám ơn. Chiếc bật lửa đó đã theo tôi nhiều năm nay như một kỷ niệm khó quên.
nha Vinh biet, benh vien Cho Ray, tu thi
Anh Minh và chiếc bật lửa Zippo 

Trong lần tiếp xúc với bác sĩ Hoàng Văn Thịnh, trưởng khoa giải phẫu bệnh bệnh viện Chợ Rẫy được ông tâm sự : "Không ai muốn thấy người thân mình chết trong tình trạng không toàn vẹn. Vì thế công việc làm đẹp người chết rất cần thiết bởi nhờ đó làm dịu được nỗi đau của người sống. Những việc làm thầm lặng của các anh em rất đáng được ghi nhận".

Vâng, chúng tôi rất đồng ý với ý kiến của bác sĩ Thịnh. Chia tay anh Minh, cũng mong anh mãi mãi là ngọn lửa hồng cho những gia đình không may có người bị nạn.

Theo Trần Chánh Nghĩa/VietNamNet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
32 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia trang điểm tử thi tiết lộ về nghề “rùng rợn” nhất thế gian