Một bé gái 10 tuổi được các bác sĩ chẩn đoán đột quy do xuất huyết não. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị dị dạng mạch máu bẩm sinh. Đây là một trường hợp bị đột quỵ khá hy hữu, vì bệnh nhân chỉ mới có 10 tuổi.
May mắn cứu được bệnh nhân đột quỵ, nhập viện quá ‘thời gian vàng’
Bệnh viện đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều trị bệnh đột quỵ
Bước tiến mới trong việc khôi phục não sau đột quỵ
Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ bị đột quỵ thoát chết trong gang tấc
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bênh viện Đa Khoa Quốc Tế SIS Cần Thơ (Bệnh viện đột quỵ Cần Thơ) cho biết trường hợp hy hữu trên là bé gái L.K.N.(10 tuổi, quê ở Hậu Giang).
Trước đó, vào ngày 10.6.2020, N. đang ngồi học trong lớp đột ngột đau đầu dữ dội và ói. Giáo viên ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón bé về. Lúc này, mặt N. bắt đầu tái xanh, miệng nói lắp bắp, khi được đỡ đi thì gần như chân của bé không còn đứng vững. Gia đình nghi cháu có vấn đề về não nên lập tức chuyển đến Bệnh viện đột quỵ Cần Thơ.
Bác sĩ Cường cho biết, kết quả kiểm tra tại đây cho thấy bé gái này bị đột quỵ do xuất huyết não. Sau đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và kết luận bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. “Đây là nguyên nhân gây ra đột quỵ trên”, bác sĩ Cường nói.
Ngay lập tức, các bác sĩ ở đây đã tiến hành can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA (ứng dụng chụp mạch số hóa xóa nền). “Sau thời gian can thiệp, đến hôm nay (13.6) bé đã tỉnh táo, da niêm hồng. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ôm người thân”, bác sĩ Cường cho biết thêm.
Theo người nhà, bé N. sinh ra như bao đứa trẻ bình thường khác, bé phát triển mạnh khỏe, học giỏi, không có bất kỳ bất thường nào. Từ khi lên 5 tuổi bé lâu lâu hay kêu nhức đầu, nhưng nghỉ ngơi tí thì bé trở lại bình thường. Do đó gia đình chỉ nghĩ cháu đi nắng thì bị nhức đầu nên không đưa đi bệnh viện kiểm tra.
TS.Bs Trần Chí Cường chia sẻ, đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh, và không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc một số ít có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh. Phương pháp điều trị hiệu quả đối với đột quỵ ở trẻ em là can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới. Ngoài ra, sau can thiệp trẻ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào. Khác với trước đó phẫu thuật mổ hở để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí là tổn thương tâm lý đến các bé còn nhỏ tuổi.
Theo bác sĩ Cường, may mắn của bé gái này là gia đình nghi cháu có vấn đề về não nên đưa ngay đến bệnh viện chuyên trị đột quỵ, bảo đảm được“ thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ, giúp bác sĩ can thiệp kịp thời, nếu chậm trễ trễ hơn thì khả năng cứu sống sẽ rất thấp.
“Khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh, gia đình phải sớm cho trẻ đi tầm soát mạch máu não. Hiện nay MRI 3Tesla sử dụng từ trường (lực hút nam châm) là thiết bị tầm soát mạch máu não an toàn nhất, đưa ra hình ảnh rõ nét sớm phát hiện các dị dạng mạch máu để kịp thời điều trị ngăn ngừa đột quỵ, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Cường khuyến cáo.
Hồ Quang