Thời tiết đang bước vào những ngày hè nắng nóng gay gắt, nhất là các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Nắng nóng khiến nhiều người mất nước, phải thường xuyên sử dụng các loại nước giải khát, nhất là nước giải khát có đường với dung lượng khá lớn để đánh tan cơn khát. Điều này đã vô hình trung lợi bất cấp hại.

Nắng nóng gay gắt, uống nhiều nước chanh, cam coi chừng nguy hiểm

12/06/2020, 05:40

Thời tiết đang bước vào những ngày hè nắng nóng gay gắt, nhất là các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Nắng nóng khiến nhiều người mất nước, phải thường xuyên sử dụng các loại nước giải khát, nhất là nước giải khát có đường với dung lượng khá lớn để đánh tan cơn khát. Điều này đã vô hình trung lợi bất cấp hại.

Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người uống rất nhiều nước cam, chanh để giải khát, nhưng điều này có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật - Ảnh minh họa

Nhiều bệnh tật phát sinh do lạm dụng nước giải khát

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhu cầu sử dụng nước giải khát của người dân rất cao. Việc uống đủ nước sẽ giúp cơ thể giải nhiệt, đồng thời làm giảm mất nước. Do đó, không ít người đã dùng rất nhiều loại nước uống như: cam, trà tắc, chanh dây… để đánh tan cơn khát.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) việc giải khát bằng nước cam, nước chanh… với một dung lượng lớn để đánh tan cơn khát của mình sẽ gây ra lợi bất cập hại.

Phân tích của bác sĩ Nhàn cho thấy, nếu uống dung lượng các loại nước giải khát trên từ 500ml đến 1.000ml thì cơ thể sẽ dung nạp một lượng đường 40-80 gam. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tiêu thụ mỗi ngày ở cả người lớn và trẻ em nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50 gam.

“Đối với những người trẻ, khỏe mạnh thì khi uống nhiều, nạp lượng đường nhiều như trên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu uống liên tục nhiều ngày liền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sớm hoặc bị thừa cân, hoặc gây rối loạn mỡ trong máu. Đối với người từ độ tuổi trung niên trở lên, đặc biệt những người đang mắc các bệnh mãn tính, mặc dù vẫn tuân thủ theo chế độ ăn của bác sĩ, nhưng nếu uống nhiều có thể làm tăng đường huyết, dẫn đến hôn mê”, bác sĩ Nhàn cho biết.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nhàn việc uống quá nhiều nước đá có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, vì phần lớn các cơ sở sản xuất nước đá tự phát, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, việc uống lượng nước đá lớn trong thời gian ngắn cũng có thể làm co mạch máu ở dạ dày gây khó hấp thu, viêm họng hoặc choáng nhẹ do giảm nhịp tim, tụt huyết áp...

Đối với trẻ em, nếu uống nhiều nước ngọt, nước đá, nước có ga... chỉ giúp trẻ thấy "đã khát" nhưng không có tác dụng bù nước mà lại gây ra những hậu quả xấu như: viêm họng, béo phì, hạn chế phát triển chiều cao.

Vậy nên ăn uống như thế nào?

Tất nhiên, việc thiếu nước trong mùa hè nắng nóng này sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể dễ dẫn đến các bệnh cảm, sốt… Do đó, theo bác sĩ Nhàn, để giải khát trong những ngày hè nắng nóng, người dân có thể chọn nước lọc để giải khát, hoặc nước trái cây như bí đao, rau má, dưa hấu, nước dừa... nhưng hạn chế việc bổ sung đường.

Đối với những người mắc bệnh mãn tính có thể uống những loại nước trái cây nguyên chất với lượng vừa đủ và lưu ý không nên thêm đường. Đặc biệt với những người đang mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế tối đa việc uống nước ép. Thay vào đó nên ăn sinh tố vì chứa đầy đủ chất xơ, không làm tăng đường huyết đột ngột.

Thời tiết nắng nóng, không chỉ khiến con người cáu gắt, mệt mỏi mà còn dễ phát sinh nhiều bệnh tật, nhất là trẻ em và người già. Những bệnh tật như đột quỵ ở người lớn tuổi, ho, viêm họng, nóng sốt ở trẻ em…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc chế biến thức ăn, cũng như sử dụng những thực phẩm phù hợp cho những ngày hè nắng nóng cũng góp phần ngăn chặn những căn bệnh trên.

TS.BS Lâm Vĩnh Niên (Trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết việc chế biến thức ăn phù hợp trong tiết trời nắng nóng là rất quan trọng, giúp người dân hạn chế nguy cơ mắc các bệnh trên.Trong chế biến phải lưu ý chế biến dễ ăn, dễ tiêu hóa, thích hợp với khẩu vị trong mùa hè, các thức ăn nên luộc, hấp, nấu canh... hơn là xào, rán, nướng vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát nước.

Đối với trẻ em, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, để đảm bảo sức khỏe vào mùa hè nắng nóng cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm cần thiết, gồm chất bột đường (cơm, bún, phở, mì...), chất đạm (thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành...), chất béo (dầu, mỡ, bơ...), rau, trái cây... trong các bữa ăn chính.

TS.BS Lâm Vĩnh Niên lưu ý chế độ dinh dưỡng đối với trẻ bên cạnh việc ăn theo chế độ cân đối, mùa hè cần lưu ý bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Nguồn vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại trái cây, rau quả sẵn có trong mùa hè, như: cam, chuối, đu đủ, bơ, dứa, dưa hấu, rau dền, mồng tơi, bí đao, cà rốt... giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch phòng chống các bệnh mùa hè. Ngoài ra, cũng dành thời gian cho các trẻ hoạt động thể lực, rèn luyện cơ thể. Bất cứ hoạt động thể lực vừa sức nào cũng đều có lợi: bơi, võ, đá bóng, bóng chuyền... Giảm thời gian xem tivi, xem máy tính bảng...

Hồ Quang

Bài liên quan
Nắng nóng làm tăng nguy cơ đau tim
Trang Hindutan Times dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo nắng nóng không chỉ gây mất nước hoặc kiệt sức mà còn làm tăng nguy cơ đau tim.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nắng nóng gay gắt, uống nhiều nước chanh, cam coi chừng nguy hiểm