Thời phong kiến, xã hội nước Nam theo đạo Nho, cũng bởi thế mà những quy chuẩn được đặt ra để bao bọc con người trong khuôn khổ giáo lý. Nam thì nào “Tam cương, ngũ thường”, “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”… nữ thì “Tam tòng, tứ đức”. Thân phận giới nữ cũng bởi thế mà chế ngự nơi “trướng rũ, màn che”. Việc xã hội phần nhiều cho nam nhi, nên cái sự học để tiến thân, nữ giới tuyệt nhiên không được dự vào. Ấy vậy, vẫn có trường hợp ngoại lệ.
Trong muôn vàn tiến sĩ Nho học bước ra từ “cửa Khổng, sân Trình” thời Lý cho tới thời Nguyễn, rặt toàn nam nhi. Vậy mà thời nhà Mạc, vẫn lọt “cửa” một nữ tiến sĩ. Nữ tiến sĩ được đề cập tới ở đây là Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ duy nhất của khoa cử nước Nam, được Đại Nam dư địa chí ước biên, trong phần Tỉnh Hải Dương có ghi:
Am Đàm Hoa, Tiến sĩ gái;
Thầy võ tuyển xã Đan Luân.
(Xã Đan Luân, thuộc huyện Đường An, Hải Dương, có ông Vũ Thạnh đỗ Thám hoa đời Lê Trung hưng. Sau vì bị bãi chức về quê dạy học. Học trò ông nhiều người đỗ đạt. Trong đó số người đỗ võ tuyển cũng nhiều).
Bà Duệ (hay Dụ) vốn quê xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay là phường Văn An), thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bà sống vào buổi cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII khi đất nước đang còn trong cảnh phân lý Nam – Bắc triều. Cái sự học khác người của bà, nguyên do được Hải Dương phong vật chí, trong mục Tài nữ cho biết là: “Nguyên phần mộ tổ tiên bà ở núi Trì Ngư, xưa truyền thầy địa lý đã đoán đó là kiểu đất “nhất kính chiếu tam vương” (một mặt gương soi ba vua). Thế rồi người mẹ nằm mơ thấy ngôi sao rơi vào bụng mà sinh ra bà, dung nhan rất mỹ lệ, thông minh khác thường”.
Ấy là nói về cái nguồn cơn phát nên nghiệp nghiên bút nơi mộ tổ tiên bà Duệ. Thời xưa, mệnh số con người thường được quy cho khoa địa lý là bởi thế. Còn thực tế việc học của Nguyễn Thị Duệ ra sao?
Xem trong Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Hải Dương, nơi mục “Liệt nữ”, ta được hay rằng “Bà thông minh hơn người, học rộng hay chữ, hơn 10 tuổi giả làm con trai, theo thầy học tập”. Vốn bản tính thông minh, học một biết mười nên hiểu biết của bà ngày một rộng, lại nổi tiếng văn chương hay. Dạo ấy nhằm thời nhà Mạc. Theo Công dư tiệp ký, trong bài “Lễ phi Nguyễn thị”, thì lúc ấy, nhà Mạc đã suy, phải rút lên Cao Bằng, cha bà đem bà lên đây lánh nạn và học hành.
Nhà Mạc dù đã sút kém nhiều phần so với trước, nhưng vẫn thu hút nhân tài để duy trì sự tồn tại. Khi nhà Mạc mở khoa thi Hội, số người ra ứng thí khá đông. Khoa ấy bà đỗ thứ nhất, thầy dạy của bà đỗ thứ hai. Đến khi vua Mạc ban yến cho các tân tiến sĩ, nhìn dung mạo của bà đẹp đẽ lạ thường nên lấy làm lạ, hỏi ra mới biết bà là con gái, bèn nạp bà vào cung để dạy cho cung nữ, ban hiệu là Lễ nghi cố vấn.
Sau này khi nhà Mạc mất, như ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí thì “bà ẩn cư trong dân gian. Vua Lê biết tiếng, triệu bà vào cung, sai dạy các cung nữ, ban hiệu là Nghi cư quan”. Thời nào, tài năng của bà cũng được trọng dụng. Vẫn sách trên cho hay “Bà ở trong cung, lấy văn chương phụng sự nhà vua, không rời hai bên tả hữu. Mỗi khi vua hỏi, bà dẫn việc xưa nay trong Kinh Sử để đối đáp. Vua Lê khen ngợi, cấp cho các thứ tiền thuế trong xã ấy làm ngụ lộc”.
Học vấn của bà, đến quan viên khác cũng phải lấy làm kính nể. Công dư tiệp ký cho biết “Những bài thi Hội, thi Đình và các bài văn của đình thần đều phải qua tay bà khảo định”. Lại đâu chỉ có thế, bà còn được biết đến là người rộng lượng, không giữ oán thù. Vẫn theo Công dư tiệp ký, thì xưa anh trai bà bị một người làng giết chết. Đến khi bà được vinh hiển, người ấy hầu hạ bà rất kính cẩn, bà không nhắc đến việc báo thù xưa. Bởi vậy mà người đời rất phục đức độ của bà.
Đến năm 70 tuổi, bà về quê dựng am Đàm Hoa để ở rồi mất. Trong Lối xưa xe ngựa nghiên cứu về khoa cử của TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh có cho hay, bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu là Diệu Huyền. Sau khi mất, bà được đời sau đưa vào phụng thờ nơi Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương, như một hình thức ghi nhận tài năng, danh vị của nữ tiến sĩ tài danh đất học Hải Dương.
Bình sinh, văn thơ bà làm rất nhiều, nhưng bị mất mát cũng lắm. Duy có bài Gia ký còn giữ lại được. Trong đó có câu thể hiện rõ tài trí, ước vọng của bà, cũng như là nói thay cho giới quần thoa vậy:
Nữ nhi dù đặng có lề,
Ắt là tay thiếp kém gì Trạng nguyên.
Nguyễn Thị Duệ rõ là trường hợp hiếm trong xã hội Nho giáo nước Việt xưa kia. Nhưng cũng qua bà, ta thấy được phần nào đức hạnh đủ đầy, ý chí vươn lên cũng năng lực của giới cài trâm vậy.
Trần Đình Ba