Mới đây, những hình ảnh nam công chức mặc áo ngũ thân đi làm Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế thu hút sự quan tâm của dư luận. Hình ảnh này cũng đánh dấu sự trở lại của áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân nhưng hình ảnh cũng gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Chuyện nam công chức Huế mặc áo ngũ thân đi làm - NTK Chương Đặng: 'Tôi thấy ổn'

11/09/2020, 16:41

Mới đây, những hình ảnh nam công chức mặc áo ngũ thân đi làm Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế thu hút sự quan tâm của dư luận. Hình ảnh này cũng đánh dấu sự trở lại của áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân nhưng hình ảnh cũng gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Theo dự kiến, các công chức Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế sẽ mặc áo dài thí điểm vào ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng - Ảnh: Internet

Ngày 7.9, các cán bộ công chức khối văn phòng Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế đã mặc áo truyền thống đến cơ quan làm việc. Trong đó, hình ảnh các nam công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống với áo màu xanh đậm, quần trắng gây chú ý trong dư luận.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, trang phục sẽ được mặc thí điểm vào các ngày thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng, góp phần bảo tồn và quảng bá về “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Áo dài mà nam giới công chức Huế mặc là áo dài ngũ thân.

Theo các nghiên cứu về trang phục xưa, áo dài ngũ thân của nam giới đặc trưng có 5 thân và 5 nút, cổ áo đứng. Áo được phân thành nhiều loại khác nhau nhưng có 2 kiểu cơ bản là áo kiểu tay thụng và dài tay chẹt. 4 thân ở trước và sau tượng trưng cho "tứ thân phụ mẫu", thân trong tượng trưng cho người con. 5 nút áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Theo nhà thiết kế (NTK) áo dài Chương Đặng: “Tôi thấy âu phục cũng ổn, áo dài cũng rất ổn. Kết hợp cả hai lại càng ổn chứ không có vấn đề gì”.

Anh chia sẻ thêm dưới góc độ của một NTK áo dài:

- Hình ảnh nam giới với áo dài, khăn đống, quần trắng, mang guốc … và tất cả những biến tấu trên những chi tiết này, thay đổi qua những mốc thời gian khác nhau có thể gọi nôm na là trang phục truyền thống. Tức: trong một giai đoạn của quá khứ, phần lớn người ta mặc nó để phù hợp với kì vọng của đám đông về diện mạo của mình. (Trong lúc hoàng kim của quá khứ, lẽ dĩ nhiên vẫn có người chống lại; và họ có quyền đó cho cá nhân họ).

- Những thử nghiệm gọi nôm na là cách tân, như bỏ guốc thay bằng giầy, bỏ quần trắng thay bằng quần tây hay quần jeans, bỏ khăn đống, đeo kính, và sau cùng là tấn vào chiếc áo: từ lụa qua vải đến cả phi bóng, từ the đến vải đũi thêu tay vẽ tay hay in họa tiết … đủ thứ. Tất nhiên, so với áo dài nữ, áo dài nam còn đang trong đường hầm tăm tối chưa thấy le lói ánh sáng đèn pin!

Anh cho rằng "Trong thời trang, phản biện là vô cùng cần thiết, chịu nói về nó là tốt rồi; cách chúng ta tư duy về thời trang trả lời rất rất rất nhiều thứ về cuộc đời, sự nghiệp, thậm chí cả đường tình duyên, gia đạo luôn. Không tin, mọi người cứ tự ngẫm về những trường hợp quanh mình sẽ thấy ngay".

Chỉ cần người mặc tuyệt đối tuân thủ qui tắc vàng: Sự hài hòa

Mọi văn hóa, mọi quốc gia, mọi dân tộc người ta đều tôn trọng một người nam có phong thái đĩnh đạc; nói chuyện rõ ràng, giọng mạnh không chát quá lớn quá; di chuyển gãy gọn dứt khoát, phóng khoáng lịch duyệt, biết người biết ta.

Về trang phục áo dài, để nó hài hòa thì nó phải dễ hiểu: Chọn loại vải, màu vải trên những gam trầm cơ bản: trắng, đen, xám, xanh … và 50 sắc thái của chúng dựa trên thái độ nhưng không trộn chúng lại, áo dài nam mà có trên 3 màu thì bắt đầu … loạn. Những họa tiết càng nhỏ càng tốt, nhỏ mà có võ, nhỏ mà chắc, mà cứng … cáp! Kết hợp với một chiếc quần tây màu tối, thậm chí quần jeans cũng phù hợp, nhưng quan trọng là màu tối, phom ống quần vừa thẳng, độ dài vừa phải. Kết hợp với đôi giầy tây “ăn nói”; đôi giày tây “ăn nói” của đàn ông giống như giày cao gót đàn bà mang trong tiệc cưới của mình: phải thật êm chân, màu cơ bản là trắng, đen, nâu hoặc xanh navi; không bóng quá và không dính bụi; không có hình dạng kì lạ khiến người ta không đoán được size giầy của mình; đàn ông mặc cảm về kích cỡ e là khó ... mang giày đẹp, càng khó mặc áo dài đẹp".

Hình ảnh các công chức Huế mặc áo dài gây nhiều tranh cãi trái chiều - Ảnh: Internet

Một số ý kiến khác ủng hộ cho trang phục này như anh Trần Tuấn có ý kiến rằng “Cần thận trọng khi yêu cầu nam công chức, viên chức mặc áo dài khi đi làm và theo ý kiến cá nhân thì trang phục áo dài nam nên để cho những sự kiện quan trọng”.

Ông Nguyễn Đức Toàn cũng nhận xét rằng “1 tuần hay những ngày quy định trong tháng cũng nên mặc vài lần để quảng bá hình ảnh hay giữ gìn nét truyền thống”.

Anh Nguyễn Trung Thành bày tỏ quan điểm “Không những nên vui mà còn có tín hiệu đáng mừng, khi trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đưa vào đời sống công sở một “ Thứ áo” đặc trưng của nam giới xưa”.

Chị Trần Đan Vy đặt ra câu hỏi rằng "Tại sao nữ giới mặc áo dài được khen còn nam giới mặc áo dài lại phản đối? Họ mặc cũng hay mà. Các nguyên thủ, lãnh đạo trong các sự kiện quan trọng cũng thường mặc áo dài như một sự tự hào và quảng bá văn hóa Việt"

Một số ý kiến của các facebooker

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho rằng những ý kiến trái chiều về mặc áo dài nam nơi công sở sẽ bất tiện chỉ là võ đoán. Áo dài ngũ thân may theo đúng truyền thống rất gọn gàng, không bó chặt vào người hay lại rộng lùng thùng. Ngoài ra, việc mang giày Tây với áo ngũ thân cũng khá phù hợp. Vua Khải Định thời xưa cũng hay phối đồ theo cách này.

Trả lời trên Dân Trí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ rằng “Nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống vào mỗi thứ Hai đầu tháng của Sở VH-TT Thừa Thiên Huế là một ý tưởng đột phá, cần được ủng hộ…”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc mặc áo dài sẽ tôn vinh văn hoá dân tộc, giúp chúng ta ý thức hơn về cội nguồn, từ đó thêm tự hào về đất nước mình. Ông nói rằng “Trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi ngược lại, công việc để phục vụ trang phục. Chính vì thế, việc ăn mặc phải làm sao cho thuận tiện nhất cho công việc mình làm”. Và “việc tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống là một việc làm hợp lẽ đạo đức. Vấn đề của chúng ta là làm sao thiết kế áo dài này phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại, cân nhắc kỹ hơn nữa việc mặc khi nào, ở đâu, với ai để việc mặc bộ quốc phục lên người thực sự tôn vinh và là niềm tự hào của người mặc và của văn hóa dân tộc”.

Ông cũng nói thêm rằng cũng cần phải “suy nghĩ một cách nghiêm túc về trang phục truyền thống của dân tộc, hướng tới hình thành một bộ quốc phục thể hiện niềm tự hào Việt Nam”.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế cho biết trên truyền thông rằng Sở đang lắng nghe tất cả ý kiến từ phía dư luận. Việc nam cán bộ, công chức ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào thứ hai tuần đầu mỗi tháng, các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này.

Nhật Hạ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện nam công chức Huế mặc áo ngũ thân đi làm - NTK Chương Đặng: 'Tôi thấy ổn'