Nguyễn Quang Hải, cầu thủ được xem là hay nhất của bóng đá Việt Nam vài năm gần đây đã thất bại trong chuyến xuất ngoại lần đầu tiên trong đời. Nhưng nếu nhìn tích cực, đây là bài học cho cả nền bóng đá Việt Nam.

Chuyện Nguyễn Quang Hải: Đi một ngày đàng...

Đặng Hoàng | 05/06/2023, 19:30

Nguyễn Quang Hải, cầu thủ được xem là hay nhất của bóng đá Việt Nam vài năm gần đây đã thất bại trong chuyến xuất ngoại lần đầu tiên trong đời. Nhưng nếu nhìn tích cực, đây là bài học cho cả nền bóng đá Việt Nam.

Quang Hải gia nhập Pau FC đầu mùa giải 2022/23 theo hợp đồng có thời hạn 2 năm. Anh được thi đấu chính thức lúc đầu nhưng thời gian đá trên sân giảm dần, sau đó phải ngồi ghế dự bị và không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu suốt một thời gian dài. Chính vì thế, việc hợp đồng giữa Pau FC với Quang Hải kết thúc sớm một năm là không có gì bất ngờ.

Quang Hải không đáp ứng được mong đợi của Pau FC

Một CLB có thương hiệu ở châu Âu có thể sẽ không ký hợp đồng với Quang Hải vì ngoài V-League, anh chưa chứng minh được khả năng ở bất kỳ giải vô địch quốc gia danh giá nào ở châu Á, cho dù là Thai-League. Quang Hải đã bỏ qua những bước đệm cần thiết như Thai-League, J-League hoặc K-League khi rời V-League, thì việc thi đấu cho đội Pau FC là phù hợp với Quang Hải.

Pau FC là đội trung bình của Ligue 2, thường xuyên tuyển chọn cầu thủ với mức giá hợp lý hoặc mượn từ các đội bóng khác, có nghĩa là CLB này thực sự cần chuyên môn của Quang Hải. Pau FC đã ký hợp đồng 2 năm với Quang Hải là đủ để nói rằng: Pau FC - Quang Hải, hai bên cần nhau.

Bóng đá cũng như học đường, phải lần lượt tốt nghiệp cấp 3 rồi mới đến cao đẳng hay đại học, và nếu muốn có học vị tiến sĩ phải chinh phục được tấm bằng thạc sĩ. Do đó, việc chọn Pau FC không khác nào Quang Hải muốn “học nhảy”. Có thể Quang Hải muốn có vị trí chính thức ở Pau FC để khẳng định mình ở môi trường mới, sau đó tỏa sáng ở Ligue 2 và từ đó bước lên chinh phục những nấc thang cao hơn, danh giá hơn.

Nếu Quang Hải thành công ở Ligue 2 thì điều này không chỉ tốt cho bản thân anh mà còn là tấm gương, là con đường thành công mà nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ tự tin tiếp bước. Tiếc thay Quang Hải đã không đáp ứng được sự mong đợi của Pau FC và giấc mơ chinh phục trời Âu tan vỡ. Nhưng đó là góc nhìn bi quan, còn nếu xem đây là bài học thì câu chuyện Quang Hải rất có giá trị!

Từ những câu chuyện của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu trước đây và bây giờ là Quang Hải, các cầu thủ bóng đá Việt Nam khi đã tỏa sáng ở V-League cần thực tế hơn, đó là nên chinh phục Thai-League sau đó là K-League hoặc J-League rồi hãy mơ đến môi trường bóng đá châu Âu.

Ví dụ rõ nhất và gần nhất đó là trường hợp của thủ môn đội tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm. Lâm đã thành công ở V-League rồi Thai-League, nhưng chưa thể chinh phục được J-League. Và khi quay lại V-League, Lâm lại tỏa sáng.

Hiểu rõ điều này để chúng ta không thất vọng trước câu chuyện được cường điệu hóa về Quang Hải.

Thai-League xuất khẩu tốt hơn V-League

Sau thành công của Dangda, Theerathon, Chanathip, Tristan Do - những tuyển thủ quốc gia Thái Lan thành danh ở Thai-League và tỏa sáng ở J-League 1, bóng đá Thái Lan tiếp tục giới thiệu một ngôi sao mới: Supachok Sarachat. Chân sút này đã thi đấu cho Hokkaido Consadole Sapporo với hợp đồng cho mượn 6 tháng kèm theo phụ lục mua đứt, điều khoản khá giống như Chanathip Songkrasin cách đây nhiều năm. Bước đi của tiền vệ tấn công Supachok giống như đàn anh, đó là khẳng định mình ở Thai-League sau đó nâng cao trình độ ở J-League hoặc K-League, hai giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á, trước khi nuôi giấc mộng ở bầu trời châu Âu rộng lớn.

Từ những câu chuyện thành công và thất bại của các cầu thủ Thái Lan và Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu, chúng ta không thể phủ nhận Thai-League hơn hẳn V-League về mọi mặt. Về chuyên môn, đầu vào Thai-League khó hơn V-League, từ đó đầu ra của Thai-Leauge cũng chất hơn V-League.

Cho đến nay cũng chỉ có mỗi Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam thi đấu thành công ở Thai-League. Ngược lại, quá nhiều cầu thủ Thái Lan đã thành công ở V-League từ 10 - 20 năm trước đây. Nhưng cho đến nay, khi Thai-League vượt trội V-League thì không còn cầu thủ Thái Lan nào thi đấu ở V-League nữa.

Làm thế nào nâng chất V-League? Đó cũng là bài toán không dễ có lời giải đã và đang dành cho VFF, VPF. Vì “chất lượng” V-League và cầu thủ Việt Nam là tỷ lệ thuận.

***

Từ câu chuyện của Quang Hải, có thể nói là bài học cho bản thân Hải cũng như cho các cầu thủ Việt Nam và cả nền bóng đá Việt Nam là thế.

Nếu không có gì thay đổi, Quang Hải sẽ khoác áo Công an Hà Nội và chính thức trở lại V-League 2023 ở lượt đấu 12 vào ngày 23.6 khi đội bóng này tiếp Hà Tĩnh. Khi đó Quang Hải có như Văn Lâm, sẽ lại tỏa sáng?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện Nguyễn Quang Hải: Đi một ngày đàng...