Thời thế thay đổi. Những thức của con nhà nghèo xưa kia như mắm cáy, tép rang, nước vối, khoai khô, củ dong riềng luộc… có ai ngờ sau này lại leo ngồi chễm trệ trên những bàn tiệc sang trọng, trở thành đặc sản, đồ hiếm hoi, trân quý.

Chuyện nước mắm (kỳ 3): Nghèo thì rau mắm lại càng thấm lâu...

26/01/2018, 16:04

Thời thế thay đổi. Những thức của con nhà nghèo xưa kia như mắm cáy, tép rang, nước vối, khoai khô, củ dong riềng luộc… có ai ngờ sau này lại leo ngồi chễm trệ trên những bàn tiệc sang trọng, trở thành đặc sản, đồ hiếm hoi, trân quý.

Nước mắm là món không thể thiếu trong bữa cơm truyền thống của người Việt - Ảnh: Internet

Kỳ 1: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-nuoc-mam-80505.html

Kỳ 2: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-nuoc-mam-ky-2-80607.html

Không có mắm không phải bởi vì dân không có mắm. Bác nhà thơ Phạm Tiến Duật dưới âm ti mà nghe được câu này chắc gật đầu công nhận. Thôi thì hàng hóa hiếm hoi, bao nhiêu của ngon vật lạ nhà nước thu nắm hết, mắm chai chỉ dành cho cán bộ và dân thành thị, nên nông dân đành tự cấp tự túc như thuở kháng chiến 9 năm. Chả cần đợi phân phối mắm chai Cát Hải loại 3, những nhà nghèo ở quê, nghèo mấy đi chăng nữa, luôn có vại mắm cáy hoặc mắm còng. Nhà nào khá giả, dư dật hơn thì thêm những hũ mắm tôm, mắm tép. Tất cả đều tự làm, đúng tinh thần tự lực cánh sinh.

Cần phân biệt cái vại với cái chum. Cùng làm bằng đất sét nung già, gọi là sành, nhưng cái vại thì nhỏ và thẳng, cao cỡ hơn 55-60 phân (cm), đường kính 40-45 phân, đựng mắm hoặc để muối dưa cải, nén cà… Còn chum có cái lớn cái nhỏ, lưng cong, đít chum và miệng chum thắt lại, giữa phình to ra. Có chum to đến mức đổ vào đó vài tạ thóc, hoặc đựng nước mưa ăn cả tuần. Chum là một thứ tài sản không phải nhà nông dân nào thời ấy cũng có. Thày bu tôi, suốt mấy chục năm làm ruộng, chỉ sắm được 2 cái chum đựng thóc, cất kỹ trong buồng. Thóc phơi thật nỏ, đổ vào chum để cả năm chả sao, cứ khô rang rang. Lại nhớ hồi tôi ở nhà tập thể giáo viên tại quận 5 Sài Gòn, dạo năm 1980 trở về sau hay bị cúp điện cúp nước bèn xuống phố sành sứ đầu đường Nguyễn Chí Thanh mua cái chum 200 lít để chứa. Mấy thầy trò khệ nệ khênh lên tận tầng 5. Đến khi chuyển nhà năm 2000 không dùng nữa, cho chả ai lấy, bỏ thì thương vương thì tội, không hơi sức đâu đem xuống đất, bèn để ngoài hành lang, viết chữ rõ to dán vào: “Chum còn rất tốt, ai lấy cũng được, miễn phí”. Thế mà mấy tháng giời mới có người khuân đi.

Để làm mắm, dân quê tôi chỉ dùng vại sành. Vại trên chợ huyện không có, phải ra tận chợ An Dương ngoài Phòng mua, hàng của những vùng chuyên về sành sứ như Thổ Hà, Bát Tràng đem đi khắp miền Bắc, rồi dùng xe cải tiến kéo về. Còn mắm, bu tôi xuống mạn Bàng La, Đồ Sơn (Hải Phòng) mua cáy mua còng. Cần phân biệt cáy khác với còng. Con cáy thuộc họ cua nhưng chỉ to hơn 2 đốt ngón tay, sống trong bãi ven biển, chân nó nhiều lông mịn nên dính đầy đất, rửa sạch bọn này mệt lắm, rất tốn nước. Bọn còng thì nhỏ hơn nhưng sạch, mai rất cứng, màu đẹp, có 2 cái còng to màu đỏ, nhiều khi còng cái (còng lớn) còn to hơn cả thân nó. Người ta chỉ làm mắm cáy mắm còng mà không làm mắm rốc (bây giờ gọi là cua đồng), mắm rạm bởi 2 con rạm - rốc này sống ở nước ngọt, tanh lắm, chỉ để nấu chín, không ăn sống được. Tuy nhiên, nấu canh với rau đay, mùng tơi, mướp thì nhất con rạm, ngọt ngon béo không thể tả.

Cáy rửa thật sạch, giã dập, sau đó trộn muối đều đổ vào vại, đậy nắp cho kín kẻo đám ruồi vào đẻ trứng sẽ sinh dòi bọ. Có nhà còn cẩn thận lấy bùn sạch trộn rơm thành thứ keo đắp phủ kín nắp vại. Tôi chưa từng thấy ở đâu thứ công nghệ sản xuất thực phẩm sạch, an toàn nào mà lại đơn giản đến thế. Cáy ngấm muối thịt rã dần ra, thành thứ nước sền sệt. Sau khoảng 3 tháng, mở vại mắm cáy, mùi thơm của thứ nước mắm dân dã thật dễ chịu, cứ thoang thoảng hương bùn đất cỏ cây quê nhà. Tôi cam đoan ngay cả những nước chấm “hảo hạng” Vạn Vân, Phan Thiết, Cát Hải loại 1 cũng phải nép mình sau mắm cáy. Thứ mắm của dân nghèo đã nuôi họ qua bao cơn khốn khó, thời tao loạn chiến tranh, thiếu thốn đủ bề. Chỉ cơm độn khoai lang, khoai khô, củ sắn, ăn với ngọn khoai lang, ngọn bí, rau muống, luộc chấm mắm cáy là đủ vét sạch nồi. Trong đám rau, hợp với mắm cáy nhất là bọn ngọn khoai lang. Sơn hào hải vị cũng không bằng. Hôm nào ăn bữa cơm ngọn rau lang chấm mắm cáy, đứng lên không nổi, còn cái miệng vẫn cứ thòm thèm.

Trong ngôn ngữ ẩm thực ở miền Bắc những năm chưa xa có câu thành ngữ “cơm rau mắm”. Đó là cách nói, vừa thể hiện hoàn cảnh sống nghèo khó, thiếu thốn, vừa bộc lộ cái tình chân thật, ngượng nghịu của chủ nhà. Có ở vào thời bao cấp khan hiếm thịt cá, hầu như chỉ thấy miếng thịt nạc, con cá rán trên mâm cơm ngày giỗ tết, còn lại quanh năm suốt tháng thuần những rau dưa mới thấy lời mời dùng “bữa cơm rau mắm” mang cả dấu ấn lịch sử thời đại. Rau là thức ăn chủ lực, chủ yếu rau muống, rau cải, rau lang, cũng chả có mỡ để nấu để xào, đem luộc tất, thì đi kèm với nó chỉ có mắm. Rau và mắm thành bạn song hành dắt nhau vào dạ dày người nghèo. Rồi tới khi khá giả hơn, trải đủ hết giò chả nem mọc, sơn hào hải vị, nhưng trong ký ức chưa phai về một thời hàn vi, ai đó vẫn cung kính chân thành mời bạn bè, người quen, rằng “mời các bác hôm nào ghé nhà em xơi bữa cơm rau mắm nhé”. Khiêm tốn vậy thôi, cái tình là chính, chứ nhà em chả để các bác phải thèm nhạt đâu.

Thời thế thay đổi nhiều. Những thức của con nhà nghèo xưa kia như mắm cáy, tép rang, nước vối, khoai khô, củ dong riềng luộc… có ai ngờ sau này lại leo ngồi chễm trệ trên những bàn tiệc sang trọng, trở thành đặc sản, đồ hiếm hoi, trân quý. Khi thịt cá phè phỡn chán ngán thì mắm cáy rau lang lại lên ngôi. Cuộc hoán đổi thế sự chả thể nào nói trước được.

Tôi có ông anh họ, anh Giá, sống ngoài phố Phòng, cứ mỗi lần về quê chỉ đòi ăn cơm độn khoai khô với mắm cáy, rau lang rau muống. Sau bữa ăn, anh tặc lưỡi, giá có hai cái bụng mà thưởng thức mắm cáy rau ngọn khoai lang. Anh thưa với thày tôi, người nhà quê thì thèm thịt cá, nhưng dân phố chúng cháu lại chỉ mong được như thế này. Bọn trẻ con chúng tôi nghe nói chỉ tủm tỉm cười, dường như đứa nào cũng thầm nghĩ ông này dở hơi, dở dở ương ương. Sau này chính mình phải sống giữa ồn ào phố thị trong cuộc mưu sinh vất vả, mới hiểu anh mình thật lòng. Thày tôi, cứ mỗi khi nhà làm vại mắm cáy mới lại nhắc vơ con nhớ để phần anh Giá. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện nước mắm (kỳ 3): Nghèo thì rau mắm lại càng thấm lâu...