Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từng có lần duy nhất công bố tên tuổi của hai phi công không quân chết khi bay tập vì chiến đấu cơ của họ bị rớt ở tỉnh Sơn Đông, hồi năm 2013.

Chuyện phi công không quân Trung Quốc tử nạn khi bay tập

30/08/2017, 07:22

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từng có lần duy nhất công bố tên tuổi của hai phi công không quân chết khi bay tập vì chiến đấu cơ của họ bị rớt ở tỉnh Sơn Đông, hồi năm 2013.

Hình ảnh chiếc Su-27 bốc cháy sau khi rớt-Ảnh: Sydney Morning Hearald

Hai phi công tử nạn là Wu Yongming 36 tuổi, phó chỉ huy tham mưu của một trung đoàn và Yu Liang, chỉ huy trưởng một tiểu đoàn không quân.

Wu người tỉnh Hồ Nam và Yu người Tứ Xuyên và cả hai đều là những phi công giỏi, theo tuyên bố của không quân Trung Quốc.

Tên của Yu và Wu đều được lên tường Anh hùng liệt sĩ ở Bảo tàng hàng không Trung Quốc ở Bắc Kinh. Bức tường này trước đó đã ghi nhớ công trạng của 1.747 liệt sĩ thuộc binh chủng không quân.

Theo không quân PLA, vào chiều 31.3.2013, một chiến đấu cơ Su-27 bị rơi ở gần thành phố biển Rongcheng ở tỉnh Sơn Đông, khiến hai phi công thiệt mạng. Không có thông tin về người chết hoặc bị thương ở dưới mặt đất. Vụ rớt máy bay chiến đấu xảy ra khi hai phi công đang bay tập.

Vụ công bố chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ này được tiến hành hai ngày trước Ngày tảo mộ, dịp người Trung Quốc tưởng nhớ những người quá cố.

Mãi đến ngày 28.4.2013, vụ rớt máy bay mới có thông tin chi tiết từ một nhân chứng quay được cảnh tượng ấy và đưa lên mạng YouTube: chiếc Su-27 do Liên Xô chế tạo bay vụt qua thành phố Rongcheng rồi rơi như một chiếc lá trước khi nổ tung trên mặt bùn của bán đảo Sơn Đông ở biển Hoàng Hải.

Nhân chứng kể: “Nó dập dềnh rồi nổ! Nó rơi đùng xuống đất”.

20 phút sau vụ rớt, cột khói đen vẫn xịt nghi ngút, cho thấy có vẻ bình xăng vẫn đầy và tai nạn xảy ra không lâu sau khi cất cánh, có lẽ từ Jinan.

Theo các cựu sĩ quan và và sĩ quan không quân đương nhiệm, có thể nhiên liệu không chảy được ở một bình xăng bên cánh, dẫn đến sự mất quân bình trọng lực và góp phần khiến chiếc SU-27 rơi vào một vùng xoáy bằng rồi đâm thẳng như một con diều lao xuống đất.

Chiếc ghế nhảy dù còn nguyên trong đống sắt, cho thấy 2 phi công chết vì họ bật dù quá trễ.

Phi công liệt sĩ Wu Yongming

“Hy sinh không đúng thời điểm”

Đại tá không quân PLA Dai Xu nói: “Tai nạn là cái giá phải trả, để cải thiện khả năng chiến đấu. Đó là cái giá của khoa học tiến bộ”. Đây là một động thái cho thấy PLA ngày càng minh bạch và Trung Quốc luôn tôn vinh người lính, theo Wang Yanan, phó tổng biên tập Tri thức vũ trụ.

Nhà phân tích quân sự Wang nói: “Trung Quốc giữ bí mật mọi thông tin quốc phòng trong những năm 1970 và 1980. Nhưng từ những năm 1990, chính quyền dần dần bắt đầu công bố thông tin cá nhân về những người lính hy sinh, dù đôi lúc họ hy sinh không đúng thời điểm”.

Wang còn nói thông tin về hai phi công bị rớt máy bay được công bố sớm, điều cho phép người dân biết nhiều hơn về những “đóng góp cho Tổ quốc của những anh hùng”.

Wang nói: “Hiện tại, không quân Trung Quốc lập thành tích an toàn khi bay tập. Nhưng các tai nạn lúc bay tập thì không thể tránh khỏi. Khi phi công chọn nghiệp binh, họ cũng rước lấy những hiểm họa”.

Trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, bài viết của sĩ quan không quân Shen Jinke tuyên dương hai phi công là những anh hùng đại diện cho 400.000 quân nhân “trung thành và can đảm” của không quân PLA.

Phi công tử nạn Yu Liang

Phi công bị “dán” dưới đất

Theo các nhà quan sát quân sự, càng tìm hiểu nội tình một trong những lực lượng không quân bí mật nhất thế giới, họ càng không có được ấn tượng tốt nào về không quân Trung Quốc.

Vì phi công Trung Quốc không được tin cậy, không được huấn luyện bài bản. Các chuyến bay tập bị hạn chế, bị kiểm soát kỹ và xa rời điều kiện chiến đấu thực tế.

PLA có nhiều máy bay, nhưng khi tỷ lệ tai nạn trong thời bình cao cho thấy các phi công không được lên trời nhiều, hoặc không được huấn luyện bay trong điều kiện chịu sức ép phải chiến đấu.

Người hâm mộ quân sự Trung Quốc xem vụ rớt Su-27 ở Sơn Đông là một thất bại, nhưng “dân trong nghề” xem đó là dấu hiệu không quân PLA có thể phải bắt đầu đào tạo phi công thiện chiến để tương xứng với các phần cứng kỹ thuật tốn kém của họ nhằm có thể cạnh tranh với không quân Mỹ hoặc Nhật Bản.

Chuyên gia Robert Rubel (từng tốt nghiệp Học viện hải quân Mỹ và nay là giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên biển của Đại học chiến tranh hải quân Mỹ) nói:

“Họ cần phải chuốc liều. Tôi luôn bị mất kiểm soát trên mỗi kiểu máy bay tôi muốn bay thử. PLA còn phải học điều hành chiếc tàu sân bay trong những đêm mây mù không trăng, không có đường chân trời và các phi công phải học hạ cánh trên đường bay rất ngắn. Điều cốt tử nữa là họ phải lập được văn hóa rút được kinh nghiệm từ những sai lầm”.

Từ sau lần công bố hai liệt sĩ không quân, PLA không công bố các vụ việc khác.

Không quân Trung Quốc cũng đã được trang bị nhiều máy bay sản xuất trong nước, đã có thể hạ cánh trên chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Chiếc Liêu Ninh do Ukraine đóng, bán lại cho Trung Quốc.

Bộ phim vạch trần cơ chế chỉ huy của không quân PLA

Điều thú vị là PLA cũng có một bộ phim ca ngợi khả năng của phi công Trung Quốc, cứ như một phiên bản xuất phẩm Top Gun của Mỹ.

Phim Những chiến sĩ của bầu trời được công chiếu năm 2010, kể về một chỉ huy tài ba của không quân PLA trong thế kỷ 21, đồng thời chỉ ra những nhược điểm của lực lượng. Các nhân vật trong phim này cũng đeo mắt kính, chạy xe mô-tô để tán tỉnh các huấn luyện viên nữ khi rảnh rỗi, chẳng khác nam tài tử Tom Cruise của Top Gun.

Sự khác biệt lớn với phim Mỹ là nhóm sĩ quan Trung Quốc đều là những người tốt.

Tinh thần của Những chiến sĩ của bầu trời là trong môi trường khoa học mới của PLA, các phi công sẽ được thưởng khi thể hiện sự sáng tạo, bay trong điều kiện chịu sức ép phải chiến đấu và dám liều lĩnh kể cả khi cần phải phá tan một bức tranh.

Nhân vật chính, Thượng tá Yue, cũng thích những cuộc phiêu lưu “thứ dữ” như nhân vật do Tom Cruise thể hiện trong Top Gun.

Trong thực tế, chỉ huy không quân Mỹ thường chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp, còn phi công được huấn luyện để tự quyết định bay thế nào, chiến đấu ra sao.

Họ trải qua vô số tình huống khẩn cấp trên máy ảo để phân tích các thông số chính rồi tự ra những quyết định xử lý tức khắc, ví dụ khi nào cần bật ghế nhảy dù khi không còn kiểm soát được chiếc máy bay.

Nhưng trong phim của Trung Quốc, Thượng tá Yu phải tuân vô số lệnh và phải từ bỏ quyết định của chính anh.

Những chiến sĩ của bầu trời thách thức những thỏa thuận ngầm trong hệ thống tránh chuốc liều của Trung Quốc, nơi các quyết định đều từ “trên” ban xuống, “dưới” chỉ việc thực hiện.

Phim còn nhằm chứng minh PLA thoát khỏi kiểu quản lý “cha chung không ai khóc”, và cảnh mở màn - một phi công không quân bị tòa án binh xử kỷ luật sau khi chiếc Su-27 của anh ta đâm va vào một con chim, nhằm đề cập các phi công Trung Quốc giàu tham vọng nhưng thường bị “dán dính” dưới đất.

Tại tòa án binh, Yue giải thích vì sao anh không nghe lệnh bật ghế nhảy dù: “Tôi cho rằng chiếc máy bay cũng có linh hồn” và cử tọa tại tòa đồng loạt đứng lên hoan hô tán thưởng phát biểu này.

Thượng tá Yue cũng không thể sử dụng quyền vì anh vẫn phải nghe theo chỉ đạo của bí thư quân ủy vốn không có kinh nghiệm chiến đấu.

Yue còn bị một chỉ huy phó giở thói quan liêu giấy tờ ‘trù dập”, thường “bàn lui” với những đề xuất của anh.

Vĩnh Thụy (theo Sydney Morning Herald)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện phi công không quân Trung Quốc tử nạn khi bay tập