Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rất có thể bùng nổ, chỉ vì Tổng thống Donald Trump quá thất vọng với “người bạn lớn” là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

'Chuyện tình' Mỹ - Trung đổ vỡ có thể làm bùng nổ đại chiến thương mại

06/07/2017, 16:10

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rất có thể bùng nổ, chỉ vì Tổng thống Donald Trump quá thất vọng với “người bạn lớn” là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau hồi tháng 4 - Ảnh: Getty Images

Theo báo Guardian (Anh), ý tưởng về “cuộc hôn nhân lớn” để xử lý những vấn đề như CHDCND Triều Tiên không thành và không thể biết được điều gì sẽ xảy ra khi hai lãnh đạo Mỹ - Trung nói chuyện với nhau ở hội nghị thượng đỉnh G-20.

“Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”

Ông Trump từng nói ông Tập là “người rất tốt, yêu tổ quốc và nhân dân Trung Quốc” sau khi hai vị lãnh đạo có cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida) của ông Trump. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Trump nói: “Tôi thật sự thích ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy cũng thích tôi”.

Nhưng ở cuộc gặp thứ hai, là một cuộc gặp bên lề giữa hai lãnh đạo tại Hamburg (Đức) vào cuối tuần này, sự trân trọng giữa họ có thể đã nhạt phai. Các nhà phân tích cảnh báo rằng sau “kỳ trăng mật bất thường và ngắn ngủi”, quan hệ Mỹ - Trung đang va vào đá, sau khi ông Tập và ông Trump không tìm được tiếng nói chung để kiềm chế lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngày 4.7, ông Kim Jong-un cho thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) để “tặng quà Ngày độc lập cho bọn đế quốc Mỹ đê tiện”. Đây là một hành động không cải thiện được bầu không khí giữa Washington với Bắc Kinh.

Việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ làm tăng nỗi lo xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump từng có nhiều năm gièm pha Bắc Kinh, nhất là việc ông trách Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ.

Ông Trump viết trong chiến dịch tranh cử: “Có những người muốn tôi đừng gọi Trung Quốc là kẻ thù. Nhưng họ đúng là như thế”.

Và ngay khi trúng cử, ông Trump nhận cuộc điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan. Đây là một cú “thọc tay vào mũi” Bắc Kinh vốn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, tháng 2.2017, ái nữ Ivanka của ông Trump đã đến thăm Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington để làm hòa. Chồng cô, Jared Kushner trở thành trung gian chính cho bố vợ tỉ phú và lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc để phí nhiều mối lợi

Hai tháng sau, hai ông Trump - Tập gặp nhau ở Florida. Tại đây, ông Trump đã thay những lời công kích thành những “lời có cánh”, như “Tôi nghĩ về lâu dài, chúng ta sẽ có một mối quan hệ rất hữu hảo”; đồng thời hết lời khen ngợi ông Tập và “người vợ tài năng đến khó tin” của ông Tập.

Vài tuần qua, những “lời có cánh” đã biến mất khi có những tín hiệu cho thấy ông Trump hết tin ông Tập sẵn sàng kiềm chế Triều Tiên.

Cuối tháng 6, ông đã đăng tải trên Twitter về sự thất vọng này: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc để giúp trong vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên nó không hiệu quả. Ít ra thì tôi biết Trung Quốc đã cố gắng”.

Tuần qua, Washington trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, tuyên bố bán vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD cho Đài Loan, đưa tàu chiến Mỹ vào đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Đây là những động thái mà các chuyên gia mô tả là sự hờn dỗi công khai để chuyển tải sự thất vọng của Mỹ đến Bắc Kinh.

Khi được hỏi về “chuyện tình” Trump - Tập đã thật sự kết thúc hay chưa, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáu kỉnh đáp: “Kỳ trăng mật” Trung - Mỹ chỉ là một cách diễn tả của giới truyền thông. Quan chức Trung - Mỹ không sử dụng cách diễn tả này”.

Nhưng giáo sư Zhu Feng, Chủ nhiệm Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nói: “Quan hệ Mỹ - Trung đang đi vào giai đoạn bất ổn mới. Tương lai của mối quan hệ này rất đáng lo”.

Orville Schell, Chủ nhiệm Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung (Mỹ) nói việc ông Trump dành “tình cảm dạt dào” cho ông Tập là một phần trong ý đồ vô hại này: Đề nghị một cuộc “hôn nhân lớn” để hai cường quốc cùng đối đầu với Triều Tiên. Nhưng Tổng thống Mỹ nhận thấy câu trả lời của Trung Quốc (ngưng nhập than Triều Tiên) là không thích đáng, nên “nay ông Trump quay lưng và làm nóng chuyện này”.

Ông Schell nói: “Tôi nghĩ ông Tập để phí nhiều mối lợi. Nếu ông ấy chịu bắt tay với ông Trump và kiềm chế Triều Tiên, tôi nghĩ ông ấy sẽ hưởng lợi lớn từ nhiều mảng gồm thương mại, Biển Đông, biển Hoa Đông. Nhưng xem ra ông ấy không sẵn lòng”.

Ông Trump sẽ lại dồn Trung Quốc vào đại chiến thương mại tổng lực?

Bjorn Conrad, Phó chủ tịch Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc (ở Berlin, Đức) nói: Khi đã lọt vào Nhà Trắng, ông Trump xếp xó những lời hứa “sẽ vặn hỏi” Bắc Kinh về những hoạt động thương mại “tham tàn” của Trung Quốc, vì hy vọng Bắc Kinh sẽ ép Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhưng Bắc Kinh không sẵn lòng lập liên minh, điều này có nghĩa nguy cơ về cuộc chiến thương mại tổng lực Mỹ - Trung có thể quay trở lại.

Ông Conrad nói: “Nay chính phủ Mỹ lại chuyển trọng tâm và Trung Quốc quay lại thế bị tấn công. Tôi sẽ không nói đó là một sai lầm khi ông Tập không nhận lấy lời đề nghị để đổi lấy hòa bình trên mặt trận thương mại”.

Ông còn nói Tổng thống Mỹ đã hy vọng việc cặp kè với Bắc Kinh để ép Triều Tiên sẽ giúp ông có thể “đạt được một thắng lợi đối ngoại nhanh chóng và rõ ràng”, nhưng hóa ra thực tế lại quá phức tạp.

Trước thềm cuộc gặp ông Tập ở hội nghị thượng đỉnh G-20, ông Trump nói bóng gió rằng những đề nghị của ông với lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn đó: “Có lẽ Trung Quốc sẽ mạnh tay với Triều Tiên và kết thúc hẳn vụ vô lý này!”. Đó là câu nói trên Twitter của ông Trump sau khi Bình Nhưỡng phóng thử quả tên lửa ICBM “mừng” Ngày độc lập của Mỹ.

Ông Schell dự đoán ở Đức, ông Trump sẽ cố gắng thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc lần cuối cùng, nhưng ông Tập sẽ không chấp nhận.

Ông Conrad nói vấn đề hiện nay chính là mức độ tàn phá của “chuyện tình đổ vỡ” này sẽ như thế nào: “Mỹ sẽ có căng thẳng trong thương mại với Trung Quốc, hầu như chắc chắn là thế. Nhưng cũng còn nhiều cách khác để gỡ. Kịch bản tốt nhất là một tranh chấp thương mại “tinh tế” tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Kịch bản tệ nhất là ông Trump sẽ tiến hành các bước chủ nghĩa bảo hộ trắng trợn và đưa cả hai vào một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực”.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chuyện tình' Mỹ - Trung đổ vỡ có thể làm bùng nổ đại chiến thương mại