Những cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Syria khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Trump có ‘nắn gân’ Tổng thống Nga Putin, khi hai lãnh đạo Mỹ - Nga gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 7.7.

Liệu Tổng thống Trump sẽ ‘nắn gân’ Tổng thống Nga Putin?

05/07/2017, 11:00

Những cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Syria khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Trump có ‘nắn gân’ Tổng thống Nga Putin, khi hai lãnh đạo Mỹ - Nga gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 7.7.

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump sẽ gặp chính thức vào ngày 7.7 - Ảnh: Reuters

Nhà Trắng và Điện Kremlin ngày 4.7 xác nhận hai vị Tổng thống Mỹ - Nga sẽ hội đàm chính thức chứ không phải họp bên lề (không chính thức) khi hai ông dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức).

Ông Trump sẽ nói gì với ông Putin?

Khi tranh cử, ông Trump từng khen ông Putin là “một lãnh đạo mạnh mẽ” và là người mà ông muốn cùng tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga. Nhưng khi sắp đối diện ông Putin, ông Trump gặp sức ép ở quê nhà là phải có thái độ cứng rắn với Điện Kremlin.

Nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã báo động các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa (đảng của ông Trump) và Dân chủ. Họ thúc ép phải trừng phạt Nga mạnh với lý do Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Steve Pifer, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có thâm niên về quan hệ Mỹ - Nga, nói rằng ông Trump sẽ không thể đạt được tiến bộ có ý nghĩa nào với Nga về mọi sự, trừ khi ông Trump “dám đương đầu” với ông Putin về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Pifer nói: “Tổng thống phải nêu chuyện này ra và phải nói các câu kiểu như “Vladimir, đừng làm thế nữa, sẽ có hậu quả đấy”.

Cho đến nay, ông Trump chưa tỏ ý sẽ tỏ ra cứng rắn nên càng khiến có sự đồn đoán về kết quả tiềm năng từ cuộc gặp giữa hai vị tổng thống.

Bà Angela Stent, một giáo sư ở đại học Georgetown và là cựu quan chức tình báo về Nga, nói: “Bóng của các vụ điều tra phủ lên cuộc gặp này”.

Ông James Jay Carafano, Phó chủ tịch Viện chính sách đối ngoại - an ninh quốc gia thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) nghi ngờ khả năng ông Trump dám “đương đầu” với ông Putin: “Tôi nghĩ không thể có chuyện ông Trump trách ông Putin về vụ Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điều thú vị là sẽ được xem Putin diễn trò gì”.

Ông Carafano cũng nói giá trị chính trong lần đầu dự hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ là làm quen với nhiều nguyên thủ quốc gia gồm ông Putin, ở mức độ cá nhân.

Ông Trump liều lĩnh khi gặp cựu điệp viên KGB

Các nghị sĩ như Thượng nghị sĩ Cory Gardner (Cộng hòa) lo ngại Nga kéo dài nội chiến Syria bằng cách ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Nội chiến Syria đã gây bất ổn cho khu vực và khiến làn sóng người tị nạn tràn qua châu Âu.

Ông Gardner là một trong 6 nghị sĩ được mời đến Nhà Trắng hồi tháng trước để bàn về chuyện đối ngoại với ông Trump trong bữa ăn tối. Ông nói: “Tổng thống cần nói thẳng rằng việc Nga tiếp tục gây hấn trên toàn thế giới là không thể chấp nhận được và họ sẽ phải lãnh trách nhiệm”.

Trong khi đó, các chuyên gia chính sách đối ngoại nói rằng khả năng ứng phó với Nga của ông Trump bị suy yếu, từ việc chỉ định một công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga. 17 cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Nga tài trợ cho tin tặc tấn công máy chủ của đảng Dân chủ hồi năm ngoái, để tạo thuận lợi cho ông Trump thắng ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Nga phủ nhận cáo buộc này, trong khi ông Trump liên tục nói rằng ý nghĩ có sự thông đồng là “trò săn phù thủy” để đảng Dân chủ đẩy trách nhiệm cho việc bà Clinton thất cử.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại còn nói riêng việc ông Trump gặp ông Putin, một cựu điệp viên Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB), đã là một sự liều lĩnh. Bà Julie Smith, một cựu trợ lý an ninh quốc gia thời Tổng thống Barack Obama, nói: “Nếu ông Trump cười, khoác tay ông Putin và nói “Tôi hân hạnh được gặp ông, chúng ta cùng tìm một hướng tiến tới...” thì tôi nghĩ Quốc hội sẽ phản ứng cực kỳ tiêu cực với những hành xử này”.

Ông Trump đã tỏ ý muốn hợp tác với Nga để đánh thắng quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và để giảm kho vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng nói bóng gió rằng ông Trump sẵn sàng nhượng bộ Nga để đổi lấy sự giúp đỡ đó. Đã có tin đồn ông Trump sẽ nới lỏng lệnh cấm vận Nga, thậm chí trả lại hai cơ sở ngoại giao của Nga ở New York và bang Maryland.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Obama đã tịch thu hai cơ sở trên và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để trừng phạt Nga tấn công mạng, ngay trước khi ông mãn nhiệm.

“Ông Trump như con ngựa bị trói hai chân trước”

Trong khi một vài quan chức chính phủ gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson ủng hộ việc làm thân với Nga, thì các quan chức khác như Phó tổng thống Mike Pence và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley lại có quan điểm "diều hâu" với Nga. Sự thiếu một chiến lược thống nhất này khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng, và làm giảm sự kỳ vọng Mỹ tiếp tục đi đầu để giúp xử lý những khủng hoảng ở Syria, Ukraine - những nơi rất cần sự hợp tác của Nga.

Một nhà ngoại giao Đức giấu tên nói với Reuters: “Ông Trump như một con ngựa bị trói hai chân trước. Ông ấy có thể thực hiện bất kỳ bước chạy nào tới Nga. Nếu ông ấy cố gắng, sẽ có người lập tức nghi ngờ đó là tất cả những yếu tố của một âm mưu lớn”.

Một quan chức Mỹ nói rằng chính phủ của ông Trump vẫn đang xem xét chính sách đối với Nga, một tiến trình không thể hoàn tất trong chỉ 1, 2 tháng.

Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster nói về cuộc gặp của hai ông Trump - Putin: “Mỹ và toàn thể phương Tây đang phát triển một quan hệ mang tính xây dựng với Nga. Nhưng Tổng thống cũng nói rõ chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đối đầu với hành vi gây bất ổn của Nga”.

Lần thứ ba cố gắng tái khởi động

Ông Trump là Tổng thống Mỹ gần đây nhất cố gắng tăng cường mối quan hệ Mỹ - Nga vốn luôn phức tạp. Hai vị tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama ngay thời kỳ đầu nhiệm kỳ đã cố gắng cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, nhưng sau đó các mối quan hệ này suy thoái.

Một điều đáng lo là Tổng thống Trump rõ ràng thiếu quan tâm vào những chi tiết chính sách và ông có khuynh hướng “phát biểu linh tinh” với các lãnh đạo nước ngoài.

Cố vấn an ninh quốc gia McMaster đã nói ông Trump “không có kế hoạch cụ thể” cho cuộc gặp ông Putin, và chủ đề nói chuyện sẽ là “bất kỳ điều gì Tổng thống muốn nói. Điều quan trọng với Tổng thống là hiểu ông cần mặt đối mặt với người ông đang phải đối phó”.

Ông Michael McFaul, từng là Đại sứ Mỹ tại Moscow thời ông Obama, cho biết ông sợ ông Trump sẽ nói chuyện với ông Putin mà không có các mục tiêu rõ ràng: “Tôi hy vọng ông ấy sẽ nghĩ, thứ nhất là mục tiêu của chúng ta ở Ukraine và Syria là gì? Thứ hai là làm sao có thể đạt điều đó trong cuộc gặp với ông Putin?”.

Vĩnh Thụy (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu Tổng thống Trump sẽ ‘nắn gân’ Tổng thống Nga Putin?