Từ những chuyến đi và những trải nghiệm riêng, Trần Quang Đức trở lại để kể về một thức uống có lịch sử lâu đời của người Việt.

Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt

Tiểu Vũ | 24/12/2021, 20:15

Từ những chuyến đi và những trải nghiệm riêng, Trần Quang Đức trở lại để kể về một thức uống có lịch sử lâu đời của người Việt.

Chuyện Trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt là cuốn cẩm nang về trà được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hoà giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình qua lá trà.

Cuốn sách dẫn dắt độc giả đi từ Trà nguồn cội - giống cây, tên gọi, thú vui uống trà, lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc - từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà, chậm rãi bước đến Trà thưởng thức - về cách pha hãm và dụng cụ trà, và kết lại ở Trà tinh thần - những kết nối quanh chén trà.

Phụ lục Thưởng trà giai phẩm tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, Chuyện Trà đưa người đọc vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.

Như được nghe qua hàng ngàn câu chuyện về tách trà của cha ông, Chuyện Trà giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua những sử liệu chi tiết mà tác giả thu thập được, cùng với đó làm rõ thêm bằng những kiến giả, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa. Những câu chuyện thú vị về kĩ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được Trần Quang Đức kể lại thật hấp dẫn.

chuyen-tra-1-.jpeg
Chuyện Trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt do Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành 12.2021

Trong tự tựa cho cuốn sách, tác giả Trần Quang Đức viết: “Chuyện Trà được tôi khởi thảo vào đầu năm 2020, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên diễn ra trong cả nước. Sau nửa năm, cuốn sách bị tạm gác do dịch tình trong nước được khống chế, việc dạy việc nhà choán hết thời gian. Tới tháng 5.2021, khi đại dịch lại hoành hành khắp bắc nam, tôi lánh vào Đà Lạt để tập trung hoàn thành cuốn sách. Chuyện Trà chắc chắn không thể hoàn thành sớm nếu không có sự giúp đỡ và động viên của những người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của tôi…”

Không chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức, tác giả còn tuyển chọn những câu chuyện của người xưa thưởng trà, có thể kể đến như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát … Câu chuyện của những nhân vật đặc biệt này khiến Chuyện Trà thêm phần đặc sắc, như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị.

Nhận xét về tác phẩm, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nói: "Không chỉ như suối nguồn tuôn chảy về kiến thức mà nhiều quãng là sự cô đọng, nhấn nhá của từng ngụm trà được ủ vừa đủ, rót ra đúng lúc. Có hương thơm thoảng của hoa và cỏ lá rừng già, có cái chát nhẹ nhưng ngọt dịu cuống lưỡi, có cái thanh mát như bạc hà lẩn khuất, uống rồi vẫn còn dư vị đâu đây, còn muốn nâng chén lên tiếp tục thưởng thức.”

Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2013, Ngàn năm áo mũ - công trình đầu tiên của anh được xuất bản, bổ sung những nét phác họa chi tiết hơn vào khoảng trống mờ nhạt mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam, đồng thời thổi một luồng gió mới, góp phần thúc đẩy phong trào cổ phục cũng như cổ phong trên cả nước. Từ đó đến nay, anh vẫn luôn giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông, truyền đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho người học nhiều lứa tuổi.

Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).

Bài liên quan
Những cây cầu và ý thức văn hóa của con người
Nhờ có cầu, giao thông phát triển, kinh tế được nâng lên, nhưng thực tế cho thấy ý thức giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm mỹ quan cho những cây cầu hiện đại của một bộ phận người dân còn quá kém.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt