Nhiệm kỳ vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đào tạo, tư vấn, là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Ngày 8.7, tại Hà Nội, CLB Pháp chế doanh nghiệp tổ chức hội nghị Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ 2019-2024, nghe báo cáo về đề án nhân sự ban chủ nhiệm cho nhiệm kỳ tới.
Báo cáo của CLB cho hay, Đại hội CLB pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ 4 (2019-2024) tổ chức ngày 30.5.2019 đã bầu ra Ban Chủ nhiệm CLB gồm 21 người. Trong đó có đại diện cơ quan nhà nước, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, công ty luật, chuyên gia, luật sư…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chủ nhiệm, Ban Thường vụ CLB đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của CLB thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ của mình; chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời triển khai đồng bộ các hoạt động của CLB.
Ban Chủ nhiệm cũng thường xuyên lãnh đạo thực hiện kế hoạch chăm sóc, phát triển hội viên. Song song đó, nâng cao vai trò của CLB “là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật” thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp và các hội nghị đối thoại, hội thảo, tọa đàm…
Không chỉ dừng lại ở đó, Ban Chủ nhiệm CLB còn thường xuyên chỉ đạo CLB tham gia các hoạt động của Bộ Tư pháp và ngành tư pháp, đặc biệt là tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành chủ trì.
Báo cáo cũng cho biết, mặc dù còn một số hạn chế, tuy nhiên nhìn chung các thành viên của CLB hoạt động tích cực, nhiệt tình, đoàn kết, năng động, sáng tạo và thống nhất cao trong chỉ đạo, trong làm việc, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh tại cơ sở và có nhiều đóng góp cho CLB.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp cũng trình bày định hướng, quan điểm dự kiến Ban Chủ nhiệm và Ban Thường vụ CLB nhiệm kỳ 5 (2024-2029).
Theo đó, cần xây dựng một ban chủ nhiệm có ủy viên ở đủ các vùng miền, tăng cường vị trí, vai trò của đại diện lãnh đạo hiệp hội, lãnh đạo các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; coi trọng và bổ sung chức danh chuyên trách để có nhiều thời gian làm việc tại CLB; có cơ chế phù hợp tuyển chọn người có chuyên môn, trình độ cao để làm nhiệm vụ chuyên trách trong việc điều hành CLB.
Theo ông Lãm, tiêu chuẩn tham gia Ban Chủ nhiệm và Ban Thường vụ CLB nhiệm kỳ 5 cần có năng lực và kinh nghiệm quản lý, điều hành; có khả năng đoàn kết, tập hợp được các tổ chức, cá nhân và đóng góp cho kinh tế địa phương, trung ương; có sức khỏe, tâm huyết với công việc…
Ngoài ra, thành viên ban chủ nhiệm còn phải có trí tuệ và uy tín trong ban chủ nhiệm. Nếu là ủy viên ban thường vụ phải là người có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và chỉ đạo hoạt động; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình kinh tế trong nước và thế giới; đóng góp tích cực vào hoạt động của CLB…
Trên cơ sở định hướng và tiêu chuẩn nêu trên, cơ cấu ban chủ nhiệm nhiệm kỳ 5 dự kiến 27 người, bao gồm cán bộ lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp (1), đại diện lãnh đạo hội, hiệp hội doanh nghiệp, CLB pháp chế doanh nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu có nguyện vọng tham gia (22-23), công ty luật, một số luật sư, luật gia có trình độ, kinh nghiệm công tác (3-4), chuyên gia các lĩnh vực có uy tín, kinh nghiệm quản lý…
Cụ thể, Ban Chủ nhiệm CLB khóa 5 sẽ gồm 1 chủ nhiệm, 5 phó chủ nhiệm, trong đó 1 phó chủ nhiệm chuyên trách phụ trách chuyên môn, 1 phó chủ nhiệm phụ trách mảng chăm sóc và phát triển hội viên; 3 phó chủ nhiệm phụ trách các lĩnh vực công tác được chủ nhiệm phân công. Ngoài ra, Ban Thường vụ CLB dự kiến 7 người, Ban Kiểm tra 3 người.
Tại cuộc họp, các thành viên thống nhất cao với báo cáo của CLB. Dự kiến tháng 10.2024 sẽ tổ chức Đại hội CLB Pháp chế doanh nghiệp lần thứ 5, nhiệm kỳ (2024-2029).
Góp ý tại hội nghị, các thành viên CLB cho rằng cần “nâng tầm” CLB Pháp chế doanh nghiệp hơn nữa như mở rộng công tác đào tạo, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, kết nạp hội viên…
Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink chia sẻ rằng nhu cầu tư vấn pháp luật của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn. “Trước đây nhiều khi doanh nghiệp cần tư vấn để “lách luật” thì hiện nay họ mong muốn được tư vấn để làm “đúng luật”, ông Vinh nói.
Gửi tham luận đến hội nghị, Luật sư Hoàng Đại Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Một Thế Giới cho rằng dù tên gọi là CLB, nhưng CLB Pháp chế doanh nghiệp có tầm vóc của một hội, hiệp hội trung ương.
Do đó, ông Thanh đề nghị thời gian tới cần mở rộng và nâng tầm hoạt động của CLB hơn nữa và có thể tính đến việc đổi tên CLB thành hiệp hội hoặc hội, đồng thời cần nhanh chóng thành lập một cơ quan báo chí trực thuộc hội.
Nhiều đại biểu cũng tán đồng ý kiến này và đề nghị sớm triển khai các công việc trên.