Báo New York Times đã có bài viết về Di sản văn hóa thế giới - Cố đô Huế của nhà báo Edward Wong. Tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ những di tích nhưng bên cạnh đó đã nêu ra không ít lo ngại về nguy cơ khu di tích này sẽ bị Unesco liệt vào danh sách những khu di tích có tình trạng nguy hiểm.
Trải dài bên bờ sông Hương, Huế là nơi đóng đô của nhà Nguyễn (1802-1945) – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, với nhiều di tích để lại: một quần thể di tích với cung điện, các ngôi mộ hoàng triều nằm rải rác trên những ngọn đồi xanh tươi và các biệt thự gỗ của giới quan chức thời ấy.
Các di tích này tồn tại trong điều kiện thời tiết đặc trưng của xứ Huế là ẩm ướt và sương mù trong thời gian dài, cùng với cuộc chiến tranh cách đây nhiều thập kỷ. Thành nội Huế trong bối cảnh cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 cũng từng xuất hiện trong film “Áo giáp thép” (Full Metal Jacket) của đạo diễn Stanley Kubrick.
Nhưng không phải do thời tiết, chiến tranh mà mối đe dọa đối với các di tích này đến từ con người khi mà việc gìn giữ, trùng tu, bảo tồn… chưa được xem trọng. Ngoài ra, việc xâm phạm vành đai quần thể di tích trong quá trình đô thị hóa sẽ góp phần biến những di sản thành phế tích mà trong thời gian gần đây, Unesco và các tổ chức di sản thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Với việc đô thị hóa vi phạm vào hành lang của quần thể di sản tiếp tục như hiện nay, sự “bức tử” các di tích cố đô Huế chỉ còn là vấn đề thời gian! Và việc tước danh hiệu di sản thế giới đối với quần thể di sản Huế là điều hoàn toàn có thể xảy ra!
Không khó để thấy thực trạng đó: Hiện có một đường cao tốc chạy xuyên qua ngọn đồi đối diện với ngôi mộ theo phong cách cổ của vua Khải Định - điều này làm ảnh hưởng đến phong thủy hoặc tính địa chất của ngôi mộ. Trước đó, vào năm 2005 đồi Vọng Cảnh được quy hoạch làm khách sạn, resort… nhưng bị phản ứng từ nhân dân và dư luận. Cuối cùng, dự án đồi Vọng Cảnh buộc phải dừng lại.
Dự án xây dựng resort, khách sạn trên đồi Vọng Cảnh được duyệt bởi chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không những gặp phải những phản ứng từ nhân dân, dư luận mà còn cả từ Bộ Văn hóa Thông tin. Cụ thể vào ngày 3.2.2005, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin là ông Trần Chiến Thắng đã có công văn số 382/VHTT-DSVH gởi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cụ thể như sau:
“Khu vực đồi Vọng Cảnh là một điểm nằm trong không gian qui hoạch của một số di tích như: Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế. Đây là khu di tích đầu tiên của Việt Nam được UNESCO quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá Thế giới... Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cân nhắc kỹ lưỡng dự án xây dựng khu du lịch, đặc biệt là khách sạn cao tầng trên đồi Vọng Cảnh...”
Trong dịp tết về thăm quê, ông Nguyễn Khoa Điềm – nguyên UVBCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban TTVH Trung ương, trong chỗ thân tình đã nhắc nhở các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và anh chị em phóng viên báo chí rằng : “Làm gì cũng phải bảo đảm tính pháp lý. Không ai được đứng trên pháp luật. Luật ở đây là Luật Di sản. Luật Di sản có cả di sản và thắng cảnh. Sông Hương, đồi Vọng Cảnh cũng là di sản, giống như Phong Nha Kẻ Bàng cho nên phải đối xử với nó hết sức cẩn thận. Làm gì cũng phải nghĩ đến đại cuộc. Đụng đến di sản văn hoá thì phải dừng lại.” (Báo Tiền Phong số 35, ngày 18.2.2005).
Lời kêu gọi "cứu vãn Huế" của nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M Bow
Không phải đến bây giờ, những di tích và cảnh quan ở đất cố đô mới nhận được những cảnh báo mà đã từ rất lâu, cụ thể vào ngày 25.11.1981 nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M Bow đã có có lời kêu gọi “Cứu vãn Huế” (đã được truyền đi khắp thế giới, làm dấy lên phong trào bảo tồn Huế) có đoạn viết như sau:
“Nằm giữa miền Trung Việt Nam, Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược xum xuê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu ren, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị.
Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong khung cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế, chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm....”
Như vậy, gần 40 năm trước, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã đánh giá cao quần thể di tích Huế và đã có những khuyến cáo bảo vệ. Đó là cái TÂM và cái TẦM của những người làm công tác bảo tồn và gìn giữ di sản!
Những cảnh báo từ các chuyên gia di sản
GS.TS William Logan, chủ tịch Ban di sản và đô thị của UNESCO tại Đại học Deakin - Úc, tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về nhiều vấn đề đang tồn tại của di tích Huế, đã gióng lên một cảnh báo về những thách thức bảo tồn di sản. Khi công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, khu di tích Huế được UNESCO đánh giá là có “giá trị nổi bật toàn cầu” được thể hiện qua tiêu chí “một ví dụ nổi bật về kinh đô phong kiến phương Đông”.
Theo ông William Logan, khu di sản Huế mới chỉ có vùng lõi mà chưa có vùng đệm (xung quanh di sản), nên không bảo vệ được các di tích trước những diễn biến phát triển không mong muốn, mà theo nhận định của đoàn công tác hỗn hợp UNESCO - ICOMOS, là đã gây tổn hại lớn đối với các yếu tố phong thủy, vốn là một phần trong giá trị nổi bật của di sản này.
Ông William Logan chỉ rõ đó là việc mở mới tuyến đường (quốc lộ 1 tránh Huế) cắt ngang ngọn núi “tả thanh long” vốn là yếu tố phong thủy của lăng Khải Định, cùng với tiếng ồn xe cộ và ô nhiễm không khí làm mất đi tính toàn vẹn của di tích này.
“Tình trạng tương tự cũng xảy ra với lăng Minh Mạng, tiếng ồn không dứt của các xe tải hạng nặng đã ảnh hưởng lớn đến không gian tĩnh lặng của di tích này. Các công trình có chiều cao vượt quá giới hạn cho phép trong kinh thành Huế cũng là mối đe dọa khu di sản hoàng thành.
Những sự xâm hại khác dọc dòng sông Hương đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của cảnh quan văn hóa này”.
Trên một trang báo của Việt Nam, Giáo sư Logan cho biết: "Nếu tỉnh không giám sát và quản lý việc bảo tồn các di tích tốt hơn, giá trị tổng thể của toàn bộ khu di tích chắc chắn sẽ trở nên suy yếu”.
Giáo sư Logan nói rõ về nhận xét của mình rằng nếu vấn đề không được giải quyết, Ủy ban di sản thế giới có thể xem xét việc liệt di sản cố đô Huế vào danh sách những di sản trong tình trạng nguy hiểm.
“Dĩ nhiên, không một quốc gia nào thích việc này. Đó là sự mất mặt. Hơn thế nữa, nó có thể tác động tiêu cực đến ngành du lịch”. Giáo sư Logan nhấn mạnh.
Ông cũng lo ngại rằng các nhà phát triển bất động sản có thể được cấp phép để xây dựng những tòa cao ốc xung quanh cố đô và các khu vực nhạy cảm khác. Ông khuyên là nên triển khai ở khu vực khác, thay vì ở nơi này. “Lý tưởng nhất, khu vực này nên bao gồm một thảm xanh đất, cỏ trải dài từ cố đô về phía tây nam cũng như ở sông Hương và những lăng mộ ở phía nam”.
Những giá trị của di sản mang lại cho cố đô Huế
Có thể nói rằng, cố đô Huế được ban những đặc ân về phong cảnh thiên nhiên và giá trị lịch sử, văn hóa mà vương triểu Nguyễn để lại. Đây là một đặc trưng riêng của Huế mà ít nơi nào có được. Vẻ thơ mộng kết hợp với sự uy nghi, cổ kính và trang nghiêm của xứ sở đất thần kinh đã quyến rũ du khách khi đặt chân đến xứ Huế.
Đây cũng là thế mạnh và mũi nhọn của ngành du lịch Huế khi tổ chức UNESCO đã công nhận những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của Huế: Các hoạt động du lịch, du khách, quảng bá du lịch…biết đến Huế nhiều hơn. Điều đó sẽ giúp cho Huế nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, xã hội và gìn giữ, bảo tồn các di sản quý báu này.Riêng ngành du lịch Huế, theo thống kê vào năm 2016 đã có gần 3 triệu lượt khách ghé thăm, trong đó có gần 980 nghìn du khách quốc tế và khoảng 2 triệu khách nội địa. Doanh thu riêng về lĩnh vực du lịch ở Huế trong năm 2016 ước tính gần 3.000 tỉ đồng.
Công tác bảo tồn di sản Huế và những cảnh báo
Thừa Thiên Huế có gần 900 di tích, trong đó có 87 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 12/1993 Quần thể di tích của Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và đến tháng11/2003, văn hóa Huế một lần nữa được đăng quang khi Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Điều đó chứng tỏ Huế đang sở hữu những di tích và di sản mang nhiều giá trị ở tầm thế giới.
Tuy nhiên, trong số các di tích được công nhận vẫn còn nhiều di tích bị bỏ hoang và đang trở thành phế tích như: Biệt phủ Ngô Đình Cẩn, Đình và Miếu khai canh làng Thế Lại Thượng, Đình làng An Cựu…Bên cạnh đó, một số những di tích chưa được công nhận theo đánh giá cảm quan của các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế vẫn đang rơi vào tình trạng phế tích. Mặc dù, những di tích này nằm trong quần thể các di sản đã được UNESCO công nhận.
Điển hình trong thời gian gần đây, báo chí và dư luận cũng đã lên tiếng về việc xây dựng bãi đỗ xe với diện tích 17.000m2 ngay tại khu vực lăng tẩm của các phi tần vua Tự Đức – là khu vực nằm trong quần thể di tích lăng vua Tự Đức và kết nối với các quần thể khác như đồi Vọng Cảnh. Điều đáng tiếc nữa là đơn vị thi công đã ủi bay lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê – một phi tần của vua Tự Đức. Đây là một cách làm thiếu sự thận trọng và tắc trách. Và cũng thấy rằng việc xây dựng bãi đỗ xe trong quần thể di tích đã vô hình trung phá vỡ những cảnh quan có mối quan hệ mật thiết. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, chắc chắn UNESCO sẽ có những cảnh báo và nguy hiểm hơn là xem xét việc tước danh hiệu di sản Huế!
Chắc hẳn những người yêu Huế và dòng họ Nguyễn Phước sẽ rất xót xa với thực trạng các di tích lần lượt bị “bức tử” hoặc để cho xuống cấp. Xin mượn lời một trích đoạn trong bài thơ “Để lại cho em” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đã được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc) để khái quát:
“Để lại cho em này nước non mình
Để lại cho em một nước đẹp xinh
Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh
…
Để cho em cảnh khó quê nghèo
Dù rằng ruộng ta mầu mỡ phì nhiêu
Một bàn tay thơm mùi đất
Thành bàn tay hoen mầu xám
Để lại cho em một tấm lòng tham…”
Thế giới đã chứng kiến năm 2007 khu bảo tồn Arabian Oryx của Oman bị tước danh hiệu khi để tình trạng khai thác dầu mỏ, săn bắn trộm và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh. Năm 2009, UNESCO tiếp tục gạch tên Thung lũng Elbe của Đức ra khỏi danh sách di sản thế giới do các dự án xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan vốn có của thung lũng.
Ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long từng bị cảnh báo tước danh hiệu do tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Hoàng thành Thăng Long cũng bị cho vào “danh sách đen” trước nguy cơ xuống cấp, rêu mốc và ngập nước. Cố đô Huế cũng từng bị khuyến nghị về việc quản lý và phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến di sản. Sự kiện 3.700 người tập trung hát quan họ tập thể ở Bắc Ninh để lập kỷ lục cũng bị nhận định là phản cảm, phi quan họ. Mấy năm nay, hát Xoan, hát Ca trù luôn nằm trong danh sách những di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp do thiếu nghệ nhân và lớp trẻ kế cận. Nếu không có phương án khắc phục, nguy cơ các di sản này bị tước danh hiệu là rất có thể.
Quang Long
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một giảng viên đại học, hiện sống tại TP.HCM.