Cổ phiếu Apple chốt phiên hôm 27.12 ở mức thấp nhất kể từ tháng 6.2021 do lo ngại về nguồn cung iPhone, đặc biệt là iPhone 14 Pro, trong kỳ nghỉ lễ quan trọng.

Cổ phiếu Apple thấp nhất kể từ tháng 6.2021, các đối tác khó tăng cường sản xuất ở Ấn Độ

Sơn Vân | 28/12/2022, 09:27

Cổ phiếu Apple chốt phiên hôm 27.12 ở mức thấp nhất kể từ tháng 6.2021 do lo ngại về nguồn cung iPhone, đặc biệt là iPhone 14 Pro, trong kỳ nghỉ lễ quan trọng.

Điều này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu các hãng công nghệ lớn liên tục bị bán tháo.

Cổ phiếu Apple đã giảm 1,4% trong phiên giảm thứ ba liên tiếp và hiện ở mức 130,03 USD. Dù Apple vẫn là công ty nổi bật trong lĩnh vực công nghệ năm 2022, với cổ phiếu giảm 27%, thấp hơn nhiều so với các hãng công nghệ lớn khác và mức giảm 34% của chỉ số Nasdaq 100. Thế nhưng, cổ phiếu Apple đã tụt hậu so với Nasdaq 100, thước đo nặng về công nghệ này, trong tháng qua.

Nasdaq 100 là chỉ số 100 công ty phi tài chính lớn nhất về giá trị thị trường được niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq. 100 công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng mảng công nghệ chiếm đa số.

Việc sản xuất bị đình trệ tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra sự thiếu hụt nguồn cung iPhone và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Apple.

co-phieu-apple-thap-nhat-tu-thang-62021-cac-doi-tac-kho-tang-cuong-san-xuat-o-an-do1.jpg
Cổ phiếu Apple chạm mức thấp nhất 1 năm rưỡi qua - Ảnh: Internet

Hôm 27.12, JPMorgan Chase (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới) cho biết nguồn cung iPhone đang “cải thiện và nhích dần theo hướng ngang bằng với nhu cầu”, dù họ nói thêm rằng Apple thường “tiến xa hơn nhiều trong việc đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu iPhone” vào thời điểm này trong năm. Vì vấn đề đó, Apple dự kiến ​​kết quả tài chính trong quý 4/2022 sẽ thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích.

Cổ phiếu công nghệ giảm mạnh hôm 27.12, với chỉ số Nasdaq 100 giảm 1,5%.

Nasdaq 100 đang phải đối mặt với hiệu suất tháng 12 tồi tệ nhất kể từ kỷ nguyên dotcom khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lập trường diều hâu do phải vật lộn với lạm phát.

Phe diều hâu thường ủng hộ lãi suất tương đối cao để kiểm soát lạm phát. Nói cách khác, phe diều hâu ít quan tâm đến tăng trưởng kinh tế hơn so với áp lực suy thoái gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao.

Các đối tác của Apple gặp khó khi tìm cách tăng cường sản xuất ở Ấn Độ

Theo các nhà phân tích, các đối tác của Apple đang tìm cách thiết lập một chuỗi cung ứng sản xuất mạnh mẽ ở Ấn Độ tương tự như các hoạt động hiện tại của họ tại Trung Quốc, sẽ không đạt được quy mô kinh tế như vậy ở quốc gia Nam Á này trong thời gian tới.

Hiện tại, chỉ có một số ít nhà cung cấp linh kiện điện tử từ Trung Quốc thiết lập sự hiện diện ở Ấn Độ để hỗ trợ các nhà sản xuất theo hợp đồng lớn cho Apple, chẳng hạn như Foxconn.

Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, cho biết: “Việc các nhà cung cấp linh kiện chính chuyển đến Ấn Độ sẽ khó khăn hơn so với cách các nhà sản xuất lớn như Foxconn hay Wistron có thể chuyển hoạt động của họ. Nếu các nhà cung cấp linh kiện này chỉ có một khách hàng duy nhất ở Ấn Độ, việc thành lập cửa hàng ở đó có thể không phải là động thái hợp lý nhất về mặt kinh tế để thực hiện”.

Ivan Lam nói một số nhà cung cấp linh kiện chính ở Trung Quốc có mặt tại Ấn Độ, bao gồm Shenzhen Huaxing Photoelectric Technology, Sunwoda Electronic Co và Sunny Optical Technology Co, đã quản lý để phát triển hoạt động ở quốc gia Nam Á này (thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới) vì cũng kinh doanh với những công ty như Xiaomi, Oppo và Vivo.

Việc có thêm nhiều nhà cung cấp linh kiện thiết lập hoạt động ở Ấn Độ là một trong những thách thức lớn nhất với các nhà sản xuất theo hợp đồng hàng đầu cho Apple. Sự gián đoạn liên quan đến đại dịch ở Trung Quốc khiến các công ty này phải tăng cường nỗ lực đa dạng hóa mạng lưới chuỗi cung ứng của họ ở châu Á.

Dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, nơi Apple đã xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng trong gần hai thập kỷ, sẽ không dễ dàng với cả nhà cung cấp linh kiện điện tử lẫn hãng sản xuất theo hợp đồng lớn.

Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, sẽ mất khoảng 8 năm để chuyển 10% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc, nơi tạo ra khoảng 98% iPhone.

Theo Upasana Joshi, Giám đốc nghiên cứu thiết bị khách hàng tại công ty IDC Ấn Độ, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc tiếp tục thống trị chuỗi cung ứng của Apple.

Upasana Joshi cho biết vào tháng 11 rằng việc chuyển sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á “không giống như giải pháp khả thi” ngay lúc này cho Apple và các nhà cung cấp khác nhau của họ.

Foxconn là một trong những đối tác hàng đầu cho Apple đã tăng cường nỗ lực của mình tại Ấn Độ. Đầu tháng này, nhà sản xuất theo hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới đã rót 500 triệu USD tiền mặt vào công ty con ở Ấn Độ với hy vọng tăng năng lực hoạt động tại quốc gia Nam Á.

co-phieu-apple-thap-nhat-tu-thang-62021-cac-doi-tac-kho-tang-cuong-san-xuat-o-an-do.jpg
Các công nhân đến khu phức hợp sản xuất smartphone của Foxconn ở thành phố Sri, đặc khu kinh tế nằm ở quận Tirupati thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn Độ - Ảnh: YouTube

Ấn Độ được cho là đang xem xét nhiều cách khác nhau để giúp các nhà sản xuất theo hợp đồng điện tử lớn đưa mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện của họ đến nước này dễ dàng hơn.

Ấn Độ được cho đang thảo luận với một nhóm các nhà sản xuất theo hợp đồng lớn của Apple về việc liệu nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc có được phép thành lập liên doanh tại nước này hay không, theo một báo cáo của trang The Times of India, trích dẫn các nguồn tin chính phủ.

Dù không thể xác nhận liệu các cuộc thảo luận như vậy đã bắt đầu hay chưa, nhà phân tích Toby Zhu của hãng Canalys cho biết điều đó không quá xa vời vì “sự thiếu toàn diện của sản xuất smartphone trong nước dẫn đến chi phí sản xuất cao tại địa phương”.

Chi phí thiết lập một số cơ sở linh kiện bán dẫn ở Ấn Độ sẽ rất lớn và sẽ là thách thức về mặt kỹ thuật”, Toby Zhu nhấn mạnh.

Apple, Foxconn và Wistron đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này. Pegatron từ chối bình luận.

Đều có trụ sở tại Đài Loan như Foxconn, Wistron và Pegatron là hai nhà lắp ráp sản phẩm lớn khác cho Apple.

Apple được cho muốn tăng gấp ba công suất sản xuất iPhone tại Ấn Độ trong vòng 2 năm tới. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và sang các khu vực khác trên thế giới.

Theo trang Mint, một lãnh đạo cấp cao trong ngành giấu tên cho biết: “Apple đang tìm cách tăng quy mô sản lượng iPhone tại Ấn Độ. Nó có thể tăng hơn ba lần so với những gì Apple đặt mục tiêu trong năm nay".

Mint trích dẫn lời một giám đốc khác cho biết Apple đã chỉ thị Foxconn, Pegatron và Wistron tăng cường năng lực và nhân lực tại Ấn Độ.

Apple và các nhà cung cấp của họ đã sản xuất một số mẫu ‌iPhone‌ ở Ấn Độ, gồm cả iPhone 14. Gần đây, một số nguồn tin tiết lộ Apple có kế hoạch mở rộng sản xuất các sản phẩm khác tại Ấn Độ, gồm cả iPad.

Nguồn cung các mẫu iPhone 14 Pro trước kỳ nghỉ lễ bị hạn chế nghiêm trọng do nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu gặp sự cố về vấn đề lao động do nCoV.

Vào tháng trước, Apple cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đang "làm việc chăm chỉ" để khôi phục nguồn cung về mức bình thường.

Bài liên quan
Elon Musk dùng robot Optimus 'có tri giác' và ô tô điện mới trấn an nhà đầu tư, cổ phiếu Tesla tăng vọt
Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết robot Optimus có thể trở thành tài sản quý giá nhất của công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ phiếu Apple thấp nhất kể từ tháng 6.2021, các đối tác khó tăng cường sản xuất ở Ấn Độ