Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, vở Opera mang tên "Công nữ Anio" đã được giới thiệu tới công chúng.
Tối 16.12, tại Nhà hát lớn Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và ban điều hành Công nữ Anio đã công bố vở Opera “Công nữ Anio” được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) - ông Tạ Quang Đông đã khẳng định đây là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt. Vở Opera sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, hữu nghị Việt – Nhật thông qua âm nhạc. Cả 2 nước đã cùng hợp tác sản xuất, tổ chức buổi công diễn vở opera lấy mô típ dựa trên sự thật lịch sử mang yếu tố cảm động của hai quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa âm nhạc, tăng cường giao lưu, hữu nghị hơn nữa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua tái hiện chuyện tình đẹp đẽ của thương nhân Nhật Bản và công nữ Ngọc Hoa, dự án giúp khái quát bức tranh tổng thể về quan hệ ngoại giao tốt đẹp của hai nước từ những năm đầu thế kỷ 17. “Tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của hai bên, quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, hướng đến tương lai hợp tác ngày càng bền chặt và hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, đóng góp vào duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Vở Opera sẽ được công diễn vào tháng 9.2023 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21.9.1973-21.9.2023).
Vở opera “Công nữ Anio” được xây dựng dựa trên câu chuyện lịch sử có thật về tình yêu giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Việt Nam và Araki Sotaro, một thương nhân đến từ Nagasaki, Nhật Bản vào thời mậu dịch Châu Ấn thuyền đầu thế kỷ 17. Họ gặp nhau trên con thuyền lênh đênh trên biển nối liền hai quốc gia. Hai người đã phải lòng nhau, nguyện ý kết duyên vợ chồng. Chúa Nguyễn lúc đầu ra sức phản đối nhưng tình yêu sâu đậm của cả hai đã khiến chúa lay động. Cuối cùng, Chúa cũng đã ban hôn cho hai người và tiễn họ đến Nagasaki, Nhật Bản.
Tại sự kiện, ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chia sẻ: "Ngoài buổi biểu diễn ở Việt Nam vào tháng 9.2023 thì chúng tôi cũng chuẩn bị biểu diễn vở này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để cho vở diễn thành công ở Hà Nội, chúng tôi đã gần như hoàn thành kịch bản, âm nhạc. Cả ê kíp đang rất nỗ lực để vở diễn thành công ở cả hai nước, mang lại những cảm xúc mới cho khán giả, góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản".
Nói về ngôn ngữ thể hiện trong vở Opera này, nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji cho biết: "Hiện nay nguyên tác của tác phẩm đã được hoàn thành, một kịch bản được viết bằng tiếng Nhật cũng đã viết xong, kịch bản này đã được gửi tới đội biên dịch của ban điều hành dự án để chuyển lời ca từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Sau đó, nội dung này sẽ được gửi cho tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng và tác giả soạn lời tiếng Việt là Hà Quang Minh. Vở Opera có bối cảnh ở hai quốc gia vì thế các cảnh trong vở có lời ca hát bằng cả 2 ngôn ngữ. Tất cả các ca sĩ đều phải học hai ngôn ngữ để hát trong vở diễn. Theo tôi, đây là một vở diễn đặc biệt khi nghệ sĩ hai nước phải hát được cả hai ngôn ngữ".